Xã hội hóa hoạt động trải nghiệm tại trường tiểu học

GD&TĐ - Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, hoạt động trải nghiệm là hoạt động GD được thực hiện bắt buộc đối với HS trong các trường học từ lớp 1 đến lớp 12 với nhiều nội dung mới. Tuy nhiên, để tổ chức triển khai thực hiện tốt chương trình hoạt động trải nghiệm, một trong những yếu tố quan trọng nhất, đó là việc huy động và quản lý nguồn kinh phí phục vụ thực hiện các nội dung hoạt động trải nghiệm cho HS nhất là HS tiểu học.

Buổi học hoạt động trải nghiệm thực tế cho các em HS
Buổi học hoạt động trải nghiệm thực tế cho các em HS

Chuyển động nhưng chưa theo sát thực tế

Theo dự thảo chương trình các môn học GDPT, hoạt động trải nghiệm là một môn học bắt buộc nhằm tạo cơ hội cho HS tổng hợp kiến thức, kỹ năng của các môn học, các lĩnh vực GD khác nhau để có thể trải nghiệm thực tiễn trong nhà trường, gia đình và xã hội. Đồng thời giúp các em có cơ hội để tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và hoạt động hướng nghiệp.

Hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học nhằm giúp HS hình thành các kĩ năng sống cơ bản, thói quen sinh hoạt tích cực trong cuộc sống hằng ngày, nền nếp học tập ở nhà cũng như ở trường; biết tuân thủ các nội quy, quy định; bắt đầu có định hướng tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân; hình thành những hành vi giao tiếp, ứng xử có văn hoá; có ý thức làm việc nhóm, ý thức tham gia hoạt động lao động, hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng; bước đầu biết cách tổ chức một số hoạt động đơn giản, làm quen và hình thành hứng thú với một số nghề gần gũi với cuộc sống của HS.

Thực chất, trong giai đoạn vừa qua các nội dung cơ bản của hoạt động trải nghiệm đươc thực hiện dưới hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, các hoạt động này được thực hiện một cách rời rạc, thiếu thống nhất, mỗi địa phương, mỗi cơ sở giáo dục triển khai theo các mức độ, mô hình hoạt động khác nhau, dẫn đến hiệu quả đạt được còn hạn chế, chưa phát huy tối đa cho HS nắm bắt và tiếp cận với các hoạt động trải nghiệm.

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm chưa đạt được mục tiêu mong muốn, chưa đáp ứng được nhu cầu và sở thích của HS cũng như nguyện vọng của cha mẹ HS, đó là việc huy động và quản lý nguồn kinh phí triển khai thực hiện hoạt động trải nghiệm chưa được quan tâm đúng mức.

Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) là một trong những trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia với hơn 1.000 HS từ lớp 1 đến lớp 5. Trong những năm vừa qua, ngoài những thành tích nổi bật về học tập, rèn luyện đạo đức cho HS, nhà trường luôn quan tâm đến các hoạt động GD nằm trong các nội dung hoạt động trải nghiệm được đặt ra trong dự thảo Chương trình GDPT hoạt động trải nghiệm (Dự thảo ngày 19/1/2018) của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, các hoạt động này chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới và nguyện vọng của cha mẹ HS. Trong giai đoạn tới, Trường Tiều học Nguyễn An Ninh sẽ triển khai đồng bộ các nội dung hoạt động trải nghiệm cho toàn bộ các khối lớp của nhà trường. Phấn đấu, đưa hoạt động trải nghiệm của nhà trường thật sự mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Những nguồn kinh phí cơ bản

Hướng dẫn kỹ năng sống cho HS Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh
Hướng dẫn kỹ năng sống cho HS Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh 

Để thực hiện được định hướng triển khai hoạt động trải nghiệm, nhà trường coi việc huy động và quản lý nguồn kinh phí triển khai thực hiện các nội dung hoạt động trải nghiệm là công cụ quan trọng cần phải được quan tâm và tạo ra các hình thức linh hoạt vừa bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, của ngành GD, của địa phương, vừa bảo đảm tính linh hoạt trong huy động và quản lý nguồn kinh phí. Theo đó, có hai nguồn kinh phí cơ bản:

Một là, kinh phí do Nhà nước cấp cho hoạt động trải nghiệm với tư cách là một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo. Đối với nguồn kinh phí này khi triển khai đại trà môn học hoạt động trải nghiệm cần phải có định mức chi phí hợp lý và quy trình quản lý thống nhất trên địa bàn cả nước và từng địa phương để các trường chủ động triển khai thực hiện;

Hai là, kinh phí huy động theo cơ chế xã hội hóa bao gồm: Kinh phí đóng góp tự nguyện của cha mẹ HS và các doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm. Đối với nguồn kinh phí này có tính linh hoạt, cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý cũng như sự đồng thuận của cha mẹ HS trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, trong thực tế, việc huy động và quản lý nguồn kinh phí này chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất dẫn đến còn có nhiều ý kiến trái chiều làm cho nhà trường thiếu sự chủ động và tinh thần dám nghĩ dám làm, nhất là đối với Ban giám hiệu cũng như đội ngũ giáo viên trong triển khai thực hiện.

Giải pháp đề xuất để thực hiện tốt việc huy động và quản lý nguồn kinh phí theo cơ chế xã hội hóa, tác giả đã thực hiện khảo sát, hỏi ý kiến của phụ huynh HS từ các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Cụ thể như sau:

Trước hết, khảo sát mức độ sẵn sàng đóng góp, chi trả cho các nội dung hoạt động trải nghiệm và của HS tiểu học Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh. Kết quả khảo sát cho thấy: Trên 90% cha mẹ HS “rất sẵn sàng” chi trả cho 7 nội dung chủ yếu của hoạt động trải nghiệm đối với HS tiểu học Trường Nguyễn An Ninh. Chỉ có 0,5% cho kết quả “không sẵn sàng”.

Như vậy, có thể thấy hầu hết cha mẹ HS đều đồng thuận với các nội dung chủ yếu của hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học và “rất sẵn sàng” đóng góp kinh phí để triển khai các nội dung này.

Tiếp nữa, khảo sát mức độ và khả năng chi trả cho các hoạt động trải nghiệm của Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh. Kết quả cho thấy: Hơn 80% số lượng cha mẹ HS “rất đồng ý” với mức chi cho hoạt động trải nghiệm thường xuyên với mức 200.000 đồng/tháng/HS; 5% đồng ý với mức 100.000 đồng/tháng/HS; 5% với mức độ 300.000 đồng/tháng/HS; khoảng 10% cha mẹ HS còn lưỡng lự chưa quyết định.

Hơn 90% cha mẹ HS đồng ý ngoài khoản kinh phí thường xuyên hàng tháng, sẽ đóng góp kinh phí còn lại theo hình thức tự nguyện và đồng ý với việc chi trả cho các chuyến tham quan, dã ngoại, tổ chức các diễn đàn, sự kiện, các cuộc thi theo chủ đề với hình thức lập dự toán cụ thể cho từng nội dung.

Như vậy, có thể thấy rằng, đa số cha mẹ HS thống nhất với việc sẵn sàng chi phí cố định hàng tháng để triển khai các hoạt động trải nghiệm thường xuyên và chi trả theo dự toán các hoạt động trải nghiệm theo chuyên đề.

Để việc huy động kinh phí cho hoạt động trải nghiệm trong trường tiểu học được triển khai thường xuyên và có sự đồng thuận của chính quyền, ngành Giáo dục cũng như cha mẹ HS thì việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cần phải được thực hiện một cách công khai, minh bạch, bảo đảm các nội dung; trong đó, yêu cầu đầu tiên là thống nhất quản lý kinh phí có kiểm soát, do Ban giám hiệu nhà trường, các tổ chức đoàn thể trong trường, hội cha mẹ HS, giáo viên chủ nhiệm các lớp và chi hội cha mẹ HS tự quản lý kinh phí theo kế hoạch được duyệt...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ