Học sinh BSCL ít say mê đọc sách văn học
Kết quả khảo sát về hiện trạng đời sống văn học Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ thực hiện.
Khảo sát này hỏi chuyện 58 học sinh THCS và 106 học sinh THPT, chỉ có 13 học sinh THCS (22,4%) và 31 học sinh THPT (29,2%) thích thú đọc thêm các tác phẩm Văn học.
Số học sinh có đọc thêm tác phẩm Văn học nhưng đọc rất ít chiếm tỉ lệ 36,2% (THCS) và 47, 2% ( THPT).
6,9% học sinh THCS không quan tâm đến tác phẩm văn học ngoài chương trình. Sở thích đọc truyện tranh của các em qua thăm dò với con số đáng lưu ý: 14/58 (THCS - 24,1%) và 13/106 (THPT - 12,3%). Học sinh càng lớn càng ít đọc truyện tranh, đọc tác phẩm văn học tăng lên.
Theo TS Nguyễn Văn Kha, ít đọc sách Văn học, không phải các em không có thì giờ. Số em cho biết, muốn đọc nhưng không có thì giờ chỉ chiếm 7,5 đến 10,3%. Nguyên nhân chính yếu nhất là học sinh không thích học Văn. Hệ quả là kết quả học tập của học sinh ĐBSCL về môn Văn thấp.
Giáo viên là nhân tố chủ yếu truyền tình yêu Văn học
Nền kinh tế thị trường tạo ra sự cạnh tranh trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa (trong đó có hàng hóa là sản phẩm văn hóa nghệ thuật). Nhận định của TS Nguyễn Văn Kha:
Giữa biển thông tin của thị trường sách văn học, sự quảng bá của đội ngũ thầy cô giáo, trong đó các thầy cô giáo dạy Văn, những người được đào tạo tử tế, có hiểu biết căn bản về văn chương là một kênh quảng bá rất đáng tin cậy.
Trong cuộc điều tra về tình hình thưởng thức văn học của công chúng ĐBSCL, hỏi chuyện 828 người về nguồn ảnh hưởng để bản thân tìm đến với văn học, có đến 45,5% người được hỏi cho rằng thầy cô giáo là nhân tố chủ yếu truyền cho họ tình yêu văn học.
Chí tiến thủ trong nghề nghiệp của các giáo viên dạy Văn ở ĐBSCL đã nói lên một điều: trong hoàn cảnh mới, người giáo viên dạy Văn vẫn là người chiến sĩ tiên phong trên măt trận văn hóa.
Đây là một thông in rất đáng lạc quan trong tình hình thưởng thức và tiếp nhận văn học trong cơ chế thị trường” - TS Nguyễn Văn Kha cho biết.
Như vậy, vai trò của người giáo viên dạy Văn hết sức quan trọng. Trong thời gian thực hiện đề tài, TS Nguyễn Văn Kha cho biết, mình và các đồng nghiệp đã có dịp tiếp xúc với nhiều giáo viên từ cấp 2 đến cấp 3.
Điều nhận được trước tiên từ tâm sự của những người đứng trên bục giảng để giữ ngọn lửa tình yêu văn chương cho học sinh là sự đam mê, tâm huyết với văn chương.
Có người là hội viên câu lạc bộ Văn học trong nhà trường phổ thông, có người tốt nghiệp cao đẳng rồi tự học để lấy bằng cử nhân văn chương, có người là hội viên hội văn học nghệ thuật ở địa phương.
Đồng lương nhà giáo eo hẹp nhưng họ vẫn dành dụm tiền để mua sách văn học, hoặc đi học thêm qua các khóa đào tạo (như đào tạo từ xa của Đại học Huế, chương trình đào tạo thạc sĩ của các trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đại học Vinh,...).
Xã hội hóa dạy học Văn
TS Nguyễn Văn Kha đề xuất: Nếu như môn Lịch sử ở trường phổ thông cần đựợc chấn hưng thì môn Văn trong nhà trường hiện nay cần phải được xã hội hóa.
Việc xã hội hóa môn học này, thứ nhất, không nên bó hẹp việc học Văn chỉ ở việc giảng dạy trên lớp. Quá chú trọng việc giảng dạy trên lớp dẫn đến nhồi nhét kiến thức sách vở.
Cần đa dạng hóa hình thức học (sinh hoạt CLB, sáng tác, giao lưu với nhà văn...). Cách làm này ở trường phổ thông đã áp dụng nhưng chưa phát huy hiệu quả trong thực tế.
Thứ hai, dạy Văn (theo nghĩa rộng) không chỉ dạy về tri thức văn chương mà dạy cả cách diễn đạt, dạy về hành văn, để người học biết cách diễn đạt hay, sinh động về điều mình muốn nói.
Hiểu theo nghĩa này thì học Văn là học suốt đời. Bởi vì cuộc sống cần giao tiếp, cần diễn đạt để hiểu nhau, để nắm thông tin thì Văn là phương tiện luôn luôn đồng hành cùng cuộc sống con người.
Hiểu như thế thì không nên phó thác việc dạy Văn, rèn về văn chương cho thầy cô giáo dạy môn Văn mà các giáo viên trong nhà trường, cả xã hội đều phải có ý thức rèn giũa về Văn cho con em của mình.
“Từ thực tế trên đây, rõ ràng để học sinh học tốt môn Văn rất cần sự nghiêm khắc của giáo viên trong nhà trường với các lỗi về văn phạm của học sinh” - TS Nguyễn Văn Kha nhấn mạnh.
Thứ ba, chương trình văn học ở trường phổ thông hiện nay đã có một phần chương trình dành cho Văn học địa phương. Nếu biết vận dụng tốt chương trình này thì đây là nơi nhà trường có dịp xã hội hóa môn Văn.
Thực tế hiện nay, có Sở GD&ĐT triển khai chương trình này chỉ phó thác cho giáo viên phụ trách bộ môn. Trong khi ở mỗi địa phương có một Hội Văn học nghệ thuật, lực lượng sáng tác văn học rất đông đảo. Sở GD&ĐT cần đặt vấn đề dạy Văn học địa phương với Phân hội Văn học để phối hợp, cùng nghĩ cách làm, tạo hứng thú cho học sinh từ hoạt động này.
Một cách làm sáng tạo
TS Nguyễn Văn Kha kể: Trong dịp đi thực tế ở thị xã Châu Đốc (tỉnh An Giang), chúng tôi được nghe kể lại cách làm của Trường THPT Thủ Khoa Nghĩa về việc xã hội hóa môn Văn trong nhà trường rất hay.
Từ hoạt động sáng tác, sinh hoạt văn học ở một CLB (lúc đầu do một vài giáo viên trong trường khởi xướng), phong trào sáng tác và hoạt động văn học (diễn kịch, ngâm thơ.) do CLB của trường phát động đã tạo hứng thú về việc học môn Văn cho học sinh trong toàn trường.
Học sinh tham gia CLB văn học đông đảo, cổ vũ lẫn nhau, tạo ra không khí sôi nổi, thích thú trong sáng tác và các sinh họat văn học.
Không chỉ thầy cô giáo dạy Văn thăm gia sáng tác và sinh hoạt trong CLB văn học mà còn có sự tham gia của các thầy cô giáo bộ môn khác trong nhà trường.
Cách làm của giáo viên và học sinh Trường THPT Thủ Khoa Nghĩa làm cho không khí học tập và sáng tác văn học được lan rộng. Học sinh cũng như giáo viên không còn coi thường môn Văn.
Câu lạc bộ của trường được sự ủng hộ của Phân hội Văn học nghệ thuật thị xã Châu Đốc, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang.
Chính giải thưởng Thủ Khoa Nghĩa của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang bây giờ được bắt đầu từ giải thưởng của CLB văn học Trường THPT Thủ Khoa Nghĩa.
Môn Văn trong Trường THPT Thủ Khoa Nghĩa với hoạt động như trên đã mang lại hứng thú cho giáo viên, học sinh trong trường. Chất lượng học Văn của học sinh trường Thủ Khoa Nghĩa vì thế được nâng lên.
Đây chỉ là cách làm của Trường THPT Thủ Khoa Nghĩa kết hợp với Hội văn học nghệ thuật tỉnh An Giang. Có thể còn có nhiều cách làm hay của các trường khác, nhằm tạo ra hứng thú, khơi dậy niềm đam mê học Văn cho học sinh.
Trong khi ai cũng nhận thấy là môn Văn dẫu không thể làm cho người ta kiếm nhiều tiền, nhưng ai cũng thấy “Văn” (trong nghĩa rộng) được ứng dụng rất phổ biến. Dẫu xã hội hiện đại, mọi thủ tục văn bản đã được đơn giản hóa, có các biểu mẫu làm sẵn nhưng ai cũng thấy rằng ,để thăng tiến trong xã hội, không thể “mù tịt” về “Văn”.
Từ yêu cầu thực tế đơn giản nhất là soạn thảo một văn bản cũng cần sự sáng sủa rõ ràng về văn vẻ, đến kiến thức khoa học kỹ thuật cũng cần sự diễn đạt của câu chữ, của “Văn”. Và hiểu như thế thì “Văn” đâu phải không cần thiết cho con người trong hoàn cảnh kinh tế thị trường? - TS Nguyễn Văn Kha