Xã hội hóa dạy bơi trong trường học

GD&TĐ - Dạy – học bơi phòng tránh đuối nước là nhu cầu lớn của phụ huynh, học sinh. Nhưng thực tế, việc xây dựng, bảo trì hoạt động của 1 bể bơi đảm bảo các tiêu chuẩn vượt quá khả năng của hầu hết các nhà trường. 

Xã hội hóa dạy bơi trong trường học

Để khắc phục, nhiều trường đã xã hội hóa xây dựng bể bơi mini hoặc có những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Huyện đầu tư xây bể bơi cho trường

Bắt đầu từ cuối tháng 6, đều đặn mỗi ngày trong tuần, từ 8 – 10 giờ sáng, các em học sinh Trường THCS Nghĩa Hội (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) lại đến trường để học bơi. Chiếc bể bơi mini có thể tích khoảng gần 50m3 đủ sức chứa từ 10 - 15 trẻ mỗi buổi học bơi.

Hai thầy giáo Trần Đình Hiếu và Tạ Quang Thành cùng phụ trách dạy bơi và quản lý các cháu. Theo 2 thầy chia sẻ: Các em học bơi rất nhanh, mỗi khóa thường có thời gian khoảng 10 buổi, nhưng chỉ đến buổi thứ 3 là các em có thể bơi cơ bản. Đối với những em có năng khiếu và nhanh hơn một chút thì kết thúc khóa học, các em có thể bơi ếch và bơi sải.

Tính đến thời điểm này, lớp dạy bơi của trường đã thu hút khoảng 70 học sinh tham gia. Ban đầu là học sinh của Trường THCS Nghĩa Hội, nhưng sau đó, còn có cả các em học sinh ở các xã lân cận với nhiều lứa tuổi khác nhau đến đăng ký.

Thầy Lương Hữu Bình – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Hè năm 2018 là năm thứ 2 Trường THCS Nghĩa Hội tổ chức dạy bơi cho học sinh trong trường. Hè năm trước, lớp học bơi cũng đã thu hút khoảng 120 em. Dự kiến đến hết hè năm nay, sẽ có 50% học sinh của trường biết bơi. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động dạy bơi cho những năm tiếp theo”.

Được biết, bể bơi mini của Trường THCS Nghĩa Hội được UBND huyện Nghĩa Đàn đầu tư xây dựng. Ngoài 2 thầy trực tiếp dạy, nhà trường còn bố trí giáo viên, hiệu phó hoặc hiệu trưởng thay phiên nhau trực tại trường trong các buổi học bơi. Nhằm quản lý học sinh, vệ sinh bể bơi, bơm nước ra vào đảm bảo vệ sinh, an toàn. Học phí nhà trường cũng chỉ thu một khoản nhỏ để phục vụ duy trì, bảo dưỡng bể bơi.

Nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn

Ngoài Trường THCS Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn còn đầu tư xây dựng bể bơi di động khác tại thị trấn Nghĩa Đàn ở THCS Hưng Thịnh và THCS Nghĩa Khánh. Các trường này nằm ở “4 góc của huyện”, không chỉ phục vụ học sinh của những trường đó mà cả các em ở vùng lân cận.

Thầy Phạm Huy Sơn – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT Nghĩa Đàn - cũng chia sẻ: Nghĩa Đàn là huyện miền núi nhưng có đặc điểm nhiều ao, hồ, sông suối. Chính vì vậy, ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm đến việc phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước cho học sinh với nhiều hoạt động cụ thể.

Ngoài công tác tuyên truyền, giải pháp quyết định là tích cực tham mưu với UBND huyện chỉ đạo, đầu tư xây dựng điểm các bể bơi cho các nhà trường, trước mắt là theo vùng, ưu tiên những địa phương có nguy cơ cao. Cho đến thời điểm này, Nghĩa Đàn là huyện duy nhất của tỉnh Nghệ An đầu tư xây dựng bể bơi cho các trường học.

Sáng kiến bể bơi mini của thầy Ngô Minh Thanh (chuyên viên Sở GD&ĐT Nghệ An) được nhiều trường học trên địa bàn tỉnh áp dụng như tại huyện Diễn Châu, Anh Sơn… Các nhà trường xin sự hỗ trợ của địa phương, vận động xã hội hóa để xây dựng thêm các công trình phụ trợ, chi trả cho giáo viên. Đối với các trường chưa có bể bơi thì hướng dẫn học sinh đăng ký tham gia học tại các đơn vị, trung tâm có bể bơi. Vận động phụ huynh biết bơi dạy cho con em ở vùng có sông, ao, hồ…

Cô Nguyễn Thị Hoài Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đặng Sơn – Đô Lương cho biết: Trường nằm trên địa bàn là xã ven sông Lam, việc dạy bơi – học bơi không chỉ là mong muốn của giáo viên, mà còn là nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Trường đã kết nối với các trung tâm có bể bơi trên địa bàn huyện để tạo điều kiện sắp xếp lịch học, giảm chi phí học bơi cho học sinh. Nhờ vậy, hiện đã có 31 em tham gia học và bơi thành thạo. Toàn trường có 75 em biết bơi; trong những năm qua, học sinh trường đều an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ