Hàng nghìn quả bom, mìn, đạn cối đã được các chiến sĩ công binh rà phá, nhưng đó mới chỉ là một phần rất nhỏ... |
Trong giai đoạn 2010-2015, sẽ hoàn thành việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc. Cũng trong giai đoạn này phải xây dựng bộ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn; thiết lập Trung tâm quản lý dữ liệu để tổng hợp, quản lý dữ liệu về nạn nhân bom mìn, tình trạng ô nhiễm và khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; thực hiện công tác rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân; giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân; hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân vùng ô nhiễm bom mìn tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng và xảy ra nhiều tai nạn bom mìn,... Đây cũng là những nội dung cơ bản trong danh mục 6 dự án nêu trên.
Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2025, tiếp tục thực hiện công tác rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân, đạt khối lượng diện tích khoảng 800.000 ha.
Ngoài ra, trong giai đoạn này vẫn tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của giai đoạn 2010 - 2015 như tiếp tục tuyên tuyền về thực trạng và hậu quả do bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm vận động chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài... tài trợ, hỗ trợ thực hiện Chương trình; tiếp tục thực hiện hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân vùng ô nhiễm bom mìn...
Chiến tranh đã qua đi 35 năm nhưng hậu quả do bom, mìn, vật liệu nổ sót lại vẫn thường xuyên gây tai nạn cho nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất và học tập. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hàng chục nghìn người bị chết và bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Qua khảo sát ở 6 tỉnh miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi, đã có 22.760 nạn nhân do bom mìn gây ra, trong đó 10.529 người chết và 12.231 người bị thương.
Được biết, trong những năm qua, Trung tâm công nghệ xử lý bom, mìn (Bộ Tư lệnh Công binh) đã tích cực triển khai hoạt động rà phá bom, mìn; tăng cường tuyên truyền về hậu quả bom, mìn sót lại sau chiến tranh, giáo dục và hướng dẫn các tầng lớp nhân dân cách phòng tránh… Nhưng do lực lượng rà phá bom mìn còn mỏng, trang bị phương tiện kỹ thuật còn hạn chế; hơn nữa, mức độ ô nhiễm bom mìn quá cao nên tai nạn do bom mìn vẫn xảy ra.
Chương trình Hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 sẽ là động thái tích cực hướng cộng đồng có cái nhìn sâu sắc hơn về hậu quả của bom mìn sau chiến tranh. Cùng kêu gọi những tấm lòng nhân ái đến với những người đang ngày, đêm hứng chịu hậu quả xấu từ bom mìn còn sót lại, giúp họ hòa nhập cộng đồng và bảo đảm môi trường sống an toàn cho những người dân vùng ô nhiễm bom mìn.
Hiện tại, cả nước đã có 6 tỉnh đã điều tra lập xong bản đồ bom mìn, phấn đấu rà phá bom mìn đạt 200.000 ha; các tỉnh khác, phấn đấu trong giai đoạn 2010 - 2015 phá bom mìn đạt khối lượng diện tích khoảng 300.000 ha. |
Anh Thư