Trong hơn 15 năm nay, mỗi phiên bản Windows mới lại yêu cầu nhiều bộ nhớ hơn. Song mỗi năm, ổ cứng lại tăng thêm dung lượng và tốc độ ghi/đọc cũng được cải thiện, nên người dùng có lẽ không nhận thấy sự nghiêm trọng của vấn đề.
Tuy nhiên, khi ổ cứng thể rắn (SSD) dần thay thế ổ cứng truyền thống (HDD) trên notebook cao cấp, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Giá SSD dù giảm dần nhưng vẫn đắt hơn ổ HDD (tất nhiên tốc độ, nhiệt độ, độ an toàn dữ liệu và cả về điện năng tiêu thụ đều tốt hơn nhiều).
Sau này, sự xuất hiện của tablet Windows cỡ nhỏ, giá rẻ càng tô đậm vấn đề. Chúng dùng bộ nhớ flash (chậm hơn SSD nhưng nhanh hơn, nhỏ hơn, tiết kiệm điện năng hơn HDD), thường có dung lượng 32GB hay thậm chí chỉ 16GB.
Trong khi đó, mỗi máy tính cài sẵn nền tảng Windows 8 trở đi đều yêu cầu phải có một phân khu phục hồi chứa bản sao của hệ điều hành cài đặt gốc. Kích thước của phân khu do nhà sản xuất máy tính quy định.
Chẳng hạn, khi mua Surface Pro 3, chip Core i3, ổ SSD 64GB, gần 10% dung lượng bộ nhớ là phân khu phục hồi, chỉ được dùng để khôi phục hệ thống về cấu hình ban đầu và trở nên lãng phí ở điều kiện thường.
Thế hệ tablet Windows 8.1 mới nhất được áp dụng giải pháp có tên Windows Image Boot (WIMBOOT), cho phép phân khu phục hồi hoạt động như phân khu hệ thống. Ví dụ, tablet Dell với bộ nhớ flash 32GB song phân khu WIMBOOT vẫn chiếm 1/3 dung lượng, chỉ còn lại 20GB để lưu trữ.
Để giải quyết vấn đề, Microsoft thực hiện 2 thay đổi lớn cho Windows 10.
Trước tiên, Windows nén hiệu quả các tập tin hệ thống. Theo hãng phần mềm, nó có thể tăng bộ nhớ trống 1,5GB trên thiết bị 32-bit và 2,6GB trên thiết bị 64-bit.
Thứ hai, quan trọng hơn, Windows 10 sẽ loại bỏ recovery image, từ đó tiết kiệm được từ 4GB đến 12GB, đồng thời thiết kế lại chức năng Refresh/Reset.