Pháo đài bay B-52 được Mỹ đem ra làm “phép thử” với Trung Quốc trên biển Hoa Đông |
(GD&TĐ) - Ngay sau khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không mới (ADIZ) tại biển Hoa Đông, 2 pháo đài bay B-52 (không mang vũ khí) của Mỹ đã ung dung đi qua vùng này. Hành động của Mỹ được xem là thách thức với Trung Quốc, nhưng cũng có thể là phép thử xem Bắc Kinh có thực kiểm soát được vùng ADIZ mới hay không.
“Trắc nghiệm” đầu tiên của Mỹ
Những ngày này, biển Hoa Đông đang dậy sóng bởi những tuyên bố hùng hồn song song với những động thái cứng rắn của các bên.
Còn nhớ ngày 25/11, ngay sau khi tuyên bố thiết lập vùng ADIZ, Trung Quốc đã cho máy bay lên tuần tiễu vùng này. Mỹ cũng không kém cạnh.
Ngay sau khi phủ nhận vùng ADIZ do Trung Quốc đơn phương thiết lập, ngày 26/11, 2 pháo đài bay B-52 của Mỹ nghễu nghện bay qua vùng ADIZ mới mà không hề thông báo với quân đội Trung Quốc.
Theo Đại tá Steve Warren - người phát ngôn Lầu Năm Góc thì hai máy bay B-52 hoạt động gần một tiếng đồng hồ ở ADIZ mà không chạm trán với máy bay nào của Trung Quốc.
Giải thích điều này, Đại tá Steve Warren khẳng định: Khi chúng tôi bay vào vùng trời đó, chúng tôi sẽ không khai báo kế hoạch bay, không xác định số máy thu phát tín hiệu, tần số vô tuyến và biểu tượng của mình.
Như vậy, Mỹ đã phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc và coi khu vực ADIZ mới do Bắc Kinh bày đặt là không phận quốc tế. Điều đó đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ sẽ sẵn sàng đáp trả, nếu máy bay của họ bị Trung Quốc tấn công.
Hành động cứng rắn của Mỹ đã khích lệ tinh thần của người Nhật. Còn nhớ trước đó, mặc dù được Tokyo kêu gọi phớt lờ những quy định của Trung Quốc trong vùng ADIZ mới nhưng một số hãng hàng không Nhật vì muốn an toàn cho hành khách đã trình báo về các chuyến bay với giới chức quân đội Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, đây là sự “thừa nhận gián tiếp” đối với quyền kiểm soát của Trung Quốc trong khu vực ADIZ mới tuyên bố này.
Tuy nhiên, các hãng hàng không Nhật khẳng định rằng họ đặt mục tiêu an toàn cho hành khách lên trên hết. Giờ đây, các hãng hàng không này cũng phớt lờ những cảnh báo của Trung Quốc, coi như không có vùng ADIZ mới.
Theo Luis Ramirez (VOA), Mỹ và Nhật Bản quyết không công nhận khu vực nhận dạng phòng không mà Bắc Kinh đòi tất cả các máy bay quân sự và dân sự bay trong đó phải thông báo lý lịch và tuân thủ mệnh lệnh của họ.
Và phản ứng của Bắc Kinh
Trước hành động được coi là “ngạo mạn”, “thách thức” của Mỹ, Bắc Kinh chỉ đưa ra tuyên bố chứ không có hành động dùng vũ lực như họ từng tuyên bố trước đó. Nói như các nhà phân tích, vụ “xâm phạm” của 2 pháo đài bay B-52 là “phép thử” của Mỹ đối với Trung Quốc. Phép thử này sẽ đạt được 2 mục đích:
Thứ nhất, trình độ kiểm soát vùng ADIZ của Trung Quốc đến đâu?
Thứ hai, Trung Quốc sẽ có phản ứng gì qua vụ “xâm phạm” này?
Ngày 27/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo rằng “không lực Trung Quốc đã giám sát toàn bộ hành trình của phi cơ Mỹ, nhận dạng chúng kịp thời và nắm chắc là loại máy bay gì” và “Trung Quốc có năng lực quản lý và kiểm soát vùng phòng không một cách hiệu quả”.
Vậy là đã rõ, Trung Quốc kiểm soát được vùng ADIZ do họ đặt ra nhưng với thách thức của Mỹ thì họ chọn giải pháp... né.
Giải thích điều này, trong cuộc họp báo vào ngày 27/11 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: Những chiếc phi cơ xâm phạm vào không phận Trung Quốc sẽ giải quyết theo “từng trường hợp”.
Theo các nhà phân tích, sự kiện hai pháo đài bay B-52 của Mỹ bay vào vùng ADIZ đang ở giai đoạn thăm dò phản ứng của cả đôi bên. Đối đầu quân sự là việc nên tránh, nhất là đối đầu với Mỹ.
Về cơ bản, trong tương lai Trung Quốc sẽ có những bước đi rõ ràng hơn, kiên quyết hơn và như vậy, tình hình biển Hoa Đông sẽ trở nên rất “nóng” với những diễn biến khó lường.
Anh Phương (TH)