Vượt rào cản để ra biển lớn

GD&TĐ - 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu rau quả ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó tại không ít thị trường với những rào cản bảo hộ, trong đó có mặt hàng thủy sản và gạo.

Gạo Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường thế giới
Gạo Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường thế giới

Đối mặt với nhiều khó khăn

Ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt là một trong những nguyên nhân được cho là “làm khó” cho xuất khẩu Việt Nam, nhất là đối với những mặt hàng nông sản, thực phẩm.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì tới nay mặc dù kim ngạch không giảm nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu giảm dần qua các tháng, tính từ đầu năm trở lại đây. Ông Lộc cũng bày tỏ lo ngại với chiếc “thẻ vàng” của EU đối với lĩnh vực thủy sản của Việt Nam, khi mà tần suất kiểm tra 100% các lô hàng xuất sang thị trường này sẽ là rào cản lớn.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng dự báo, trong các tháng cuối năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, do nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.

Đường bơi khó nhọc của con tôm

Năm 2017, xuất khẩu tôm của VN đạt 3,85 tỉ USD, tăng 22,3% so với năm 2016. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 tới nay, nhiều quốc gia đã lập hàng rào kĩ thuật bảo hộ nghề nuôi tôm trong nước, nên “đường bơi” của con tôm VN gặp khó khăn.

Cụ thể, tại các thị trường EU, Hàn Quốc, EU..., nơi VN ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), những hàng rào kỹ thuật, thuế đã được dựng lên. Riêng tại thị trường Nhật Bản, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), hiện con tôm Ấn Độ cạnh tranh gay gắt với tôm VN. Bằng chứng là tính đến hết tháng 6, tôm VN vào thị trường Nhật Bản giảm 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, chỉ đạt trên 200 triệu USD.

Con tôm VN còn bị làm khó khi nhiều nước cử chuyên gia sang giám sát từ vùng nguyên liệu cho tới cơ sở chế biến. Cuối năm 2017, Chính phủ Úc thực thi lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, kể cả tôm đã được tẩm ướp. Tháng 3 năm nay, Úc cử một đoàn chuyên gia sang VN đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong con tôm. Cần lưu ý rằng, tôm VN chiếm 30% thị phần tôm nhập khẩu của Úc.

Cũng cần kể thêm rằng, tháng 6, Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc (MOF) cũng cử một phái đoàn sang VN kiểm tra nguồn nuôi tôm. Dư lượng kháng sinh trong con tôm là điều kiện khắt khe khi họ đặt ra, khiến xuất khẩu tôm của VN giảm. Chưa hết, tại khu vực Trung Đông, mới đây Arab Saudi và Kuwait cũng tạm ngừng nhập khẩu tôm VN do nghi ngờ có virus bệnh đốm trắng và nguồn gây bệnh gan, tủy cấp tính- tuy rằng họ không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Trong một cơ sở chế biến tôm xuất khẩu

Trong một cơ sở chế biến tôm xuất khẩu

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, thị trường tôm toàn thế giới (năm 2018) vào khoảng 12 tỉ USD, được chia sẻ cho nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Ecuador..., nên con tôm VN muốn có chỗ đứng thì buộc phải vượt qua nhiều rào cản cũng như sự cạnh tranh ngày một quyết liệt hơn.

Theo GS Võ Tòng Xuân, nhà nông học nổi tiếng thì tìm cơ hội trong khó khăn, không cách gì khác là nâng chất cho hạt gạo VN cũng như các mặt hàng nông - thủy sản, đó phải được coi là chiến lược lâu dài, chứ không phải chỉ áp dụng những giải pháp tình thế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ