Những tưởng lâu dần thành quen, nhưng mỗi cơn bão, đợt lũ đi qua luôn để lại cho người dân nỗi sợ bởi mỗi lần mỗi khác. Môi trường ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh, sức khỏe suy yếu nên số người bị ốm tăng vọt.
Sống cùng ô nhiễm
TPHCM và một số tỉnh miền Trung sau những đợt triều cường, bão lũ, tưởng như cuốn trôi tất cả, cuộc sống trở lại guồng quay vốn có nhưng với người làm công tác y tế, dự phòng và cả người dân, đây là khoảng thời gian... kinh hoàng nhất bởi họ phải căng mình làm công tác vệ sinh môi trường. Nước dâng cao đồng nghĩa với việc cuốn theo bụi bẩn, rác, chất thải... hòa vào dòng nước. Ô nhiễm là cụm từ chung mà bà con dùng để miêu tả về môi trường sống xung quanh mình lúc này. Bên cạnh đó, sau những ngày chống chọi với thiên tai, ai cũng thấm mệt cộng với việc ăn uống không đầy đủ khiến sức khỏe suy yếu, tạo cơ hội cho bệnh dịch tấn công.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết: Sau lũ lụt, người dân phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trong đó có nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh tật. Theo đó, các bệnh có nguy cơ gặp cao nhất là tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm... Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, do đó bệnh sốt xuất huyết rất dễ xảy ra. Mưa nhiều cũng làm tăng khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp trong đó phổ biến nhất là cúm, cảm lạnh. Khi bị cảm, cơ thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, hắt hơi, sổ mũi, ho. Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh sẽ dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch tại những nơi mà điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm.
Sau mưa lũ, do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa đựng nhiều vi khuẩn gây bệnh, trong đó phải kể đến các vi khuẩn gây bệnh về da. Một số bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa như nấm kẽ chân, nấm móng, ghẻ, viêm da, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm kí sinh gây ra), mẩn ngứa... Viêm gan E là bệnh lây qua thức ăn, nước uống. Trong mùa mưa lũ, rác thải, nước thải tràn về có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virus viêm gan E, nhiễm vào nguồn nước sinh hoạt hay bệnh sốt vàng da chảy máu do nước tiểu của chuột mang bệnh thải ra môi trường…
Làm sao để vượt qua
Bão, lũ, lụt là đặc sản thiên nhiên ưu ái ban tặng cho các nước nhiệt đới. Với người dân nước ta, từ bao đời nay đã quá quen với việc đón bão, lũ. Nhưng lần nào cũng vậy, bão lũ rút đi để lại những… khoảng trống về thiệt hại tài sản, sức khỏe con người.
Đã quá quen với thử thách của thiên tai, chính quyền, người dân và cả trẻ nhỏ chờ nước rút đến đâu là vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đến đó. Những ngày qua, Sở Y tế TPHCM hay các tỉnh miền Trung cùng với ngành GD&ĐT, đoàn thể và người dân đồng loạt ra quân xử lý môi trường. Không ai bảo ai, ngoài việc vệ sinh trong gia đình, từ sáng sớm, người già, trẻ nhỏ lại đổ ra đường để quét dọn, thu gom rác. Trong trường học, cô - trò cũng mỗi người mỗi việc để nhanh chóng có nơi học tập.
Theo ông Trần Đắc Phu, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn xử lý nước dùng cho ăn uống, sinh hoạt; Chuẩn bị đầy đủ hóa chất, vật tư, phương tiện phục vụ công tác xử lý môi trường và phòng chống dịch bệnh sau lũ lụt. Tại các địa phương ngập lâu ngày cần thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng. Các trường học, đặc biệt là trường mầm non cần vệ sinh đồ dùng đồ chơi, chăn màn, môi trường bằng dung dịch sát khuẩn trước khi đón trẻ… Hiện tại người dân vùng này cũng được cấp thuốc và hướng dẫn cách khử trùng nguồn nước.
Trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương sau thiên tai. Do vậy, ông Trần Đắc Phu khuyến cáo cha mẹ, nhà trường cần lưu ý trong việc lựa chọn đồ ăn, thức uống cho trẻ. Không nên sử dụng nguồn thực phẩm (rau, củ) bị ngâm trong nước do bị nhiễm bẩn. Mua thực phẩm rõ nguồn gốc và thực hiện ăn chín, uống sôi với tất cả thành viên trong gia đình.