Vượt qua một thử thách mới không kém cam go

Vượt qua một thử thách mới không kém cam go
Năng lực của HS Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu hội nhập
Đổi mới cách dạy, cách học đem đến cho giáo dục Việt Nam luồng sinh khí mới

(GD&TĐ) - Xếp thứ 69/70 về GDP bình quân đầu người; Đứng chót về chỉ số HDI trong số các nước tham gia Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) 2012, nhưng giáo dục Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng của PISA 2012, vượt xa nhiều nước phát triển. 

1. Kết quả này bất ngờ đối với cả những lãnh đạo của ngành, không phải bởi thiếu niềm tin mà sự thực, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức khi tổ chức một kỳ khảo sát đầu tiên mang tầm vóc quốc tế với yêu cầu kỹ thuật cao và vô cùng nghiêm ngặt.

Những người trong cuộc thừa nhận, thách thức tâm lý là trở ngại đầu tiên. Bởi, kết quả mỗi đợt đánh giá của PISA sẽ được công khai trên thế giới nên rất nhạy cảm.

Nhiều nước đã không tham gia PISA vì không muốn bộc lộ sự yếu kém về kết quả làm bài của học sinh và thứ hạng thấp trong bảng xếp hạng. Việt Nam đã vượt qua những bối rối, e ngại đó, sẵn sàng đối mặt với sự thật để không tự ru ngủ mình.

Cùng với đó là khó khăn vì thiếu kinh nghiệm tổ chức, lực lượng chuyên gia chuyên nghiệp còn mỏng. Chưa kể phải đáp ứng công tác dịch thuật theo đúng yêu cầu của PISA, các tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt rất ít khiến việc tìm hiểu và tiếp cận với PISA lần này khá khó khăn.

Việt Nam lại chưa xây dựng được dữ liệu đầy đủ về các trường có học sinh ở độ tuổi 15. Trong khi đó, với rất nhiều loại hình trường, nhiều tổ chức quản lý gây rất nhiều khó khăn trong công việc chọn mẫu.

Giáo viên và học sinh thì chưa từng được làm quen với tư duy và các dạng đề thi của PISA, nên nếu không chuẩn bị kỹ các em khó có thể biết cách làm bài và trả lời đúng câu hỏi. Mặc dù, về cơ bản các kiến thức mà đề thi của PISA đòi hỏi không hoàn toàn xa lạ với học sinh Việt Nam.

Tuy nhiên, với cách dạy - học, cách đánh giá như Việt Nam hiện tại, nếu theo cách thức ra đề, đánh giá của PISA, học sinh Việt Nam sẽ khó đạt kết quả cao.

Nói cách khác, muốn cho học sinh Việt Nam tham gia vào các đợt đánh giá của PISA một cách tự tin, cần có một giai đoạn chuyển tiếp đủ dài để đổi mới thực sự về cách dạy, cách học, cách tổ chức kiểm tra đánh giá trong nhà trường.

Năng lực của HS Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu hội nhập
Năng lực của HS Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu hội nhập

2. Nhận thức rất rõ những khó khăn ấy, ngành Giáo dục đã lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện hỗ trợ; Nghiêm túc tập huấn đến tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, cho học sinh làm quen với các dạng câu hỏi thi PISA, dạy học sinh kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm...

Và điều này đã tác động tích cực đến nhà trường, không phải để đối phó với kỳ thi PISA mà tự giáo viên có khát khao đổi mới kiểm tra đánh giá theo PISA để dạy và học tốt hơn.

Do vậy, việc giới thiệu PISA cho học sinh toàn trường là nhu cầu của các trường, toàn bộ học sinh của trường được nghe giới thiệu về PISA, các trường không tập trung giới thiệu riêng cho học sinh được rơi vào mẫu. Thực tế, khi các em biết mình được chọn tham gia PISA, thời gian đến ngày thi chỉ còn rất ngắn...

Cán bộ khảo sát cũng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hiệp hội các nước phát triển (OECD), không người nào dám nhắc bài học sinh vì cũng không dám chắc mình đã tư duy giống như học sinh tuổi 15 để đưa ra được câu trả lời chính xác. Tất cả các khâu chấm bài, nhập dữ liệu, làm sạch dữ liệu đều được chúng ta thực hiện rất nghiêm túc.

3. Thế nhưng, dù có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu thì kết quả vẫn thật bất ngờ. Đặc biệt, lĩnh vực gặp nhiều thách thức nhất của học sinh Việt Nam là khoa học lại trở thành lĩnh vực có thứ hạng cao nhất: 8/65.

Cho nên, không ngạc nhiên khi trong buổi họp báo công bố kết quả PISA mới đây do Bộ GD&ĐT tổ chức, hầu hết các cơ quan báo chí đều băn khoăn: Chúng ta vui mừng, nhưng liệu kết quả có thực sự khách quan, đáng tin cậy?

Sự thực thì không chỉ chúng ta đặt câu hỏi, chính OECD, cơ quan khởi xướng và chỉ đạo PISA cũng bất ngờ về kết quả này.

Bởi vậy, trước khi chính thức công bố kết quả PISA, trong thời gian 2 tháng liên tục, họ đã chất vấn Việt Nam để khẳng định lại một lần nữa tính chính xác của kết quả khảo sát và cuối cùng hoàn toàn bị thuyết phục.

Đến đây, có thể tự tin khẳng định, với sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước, sự chăm lo của các gia đình, nhà trường và học sinh, chúng ta đã phát huy được truyền thống hiếu học của dân tộc, không chỉ đạt thành tựu về phát triển qui mô, số lượng mà còn đạt được chất lượng giáo dục phổ thông cơ bản thuộc tốp cao của thế giới.

Điều đó cũng minh chứng năng lực của học sinh Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu hội nhập; Chứng tỏ chương trình, SGK của Việt Nam đã trang bị cho học sinh các kiến thức cơ bản, đáp ứng được các yêu cầu kiến thức, kỹ năng của OECD và của quốc tế.

*  Toán học - lĩnh vực trọng tâm của kỳ PISA 2012, Việt Nam đứng thứ 17/56. Điểm trung bình là 494 thì Việt Nam đạt 511. Như vậy, năng lực Toán học của HS VN ở top cao hơn chuẩn năng lực của OECD. Điểm của Việt Nam cao hơn nhiều nước giàu của OECD như Áo, Úc, Đan Mạch, Pháp, Anh, Luxembourg, Na uy, Mỹ, Thụy Điển, Hunggary, Israel, Hy lạp...

*Lĩnh vực Đọc hiểu: Việt Nam đứng thứ 19/65, điểm trung bình là 496 thì Việt Nam đạt 508. Như vậy, năng lực Đọc hiểu của học sinh Việt Nam cũng cao hơn chuẩn năng lực của OECD. Kết quả này cao hơn các nước giàu OECD nói trên, trừ Úc.

* Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đứng thứ 8/65. Điểm trung bình là 501, Việt Nam đạt 528. Việt Nam chỉ đứng sau các nước/vùng: Thượng Hải, Hồng kông, Singapore, Nhật bản, Phần lan, Estonia, Hàn Quốc. 

Tuệ Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ