Vướng vòng lao lý vì đòi nợ người…không vay tiền

Tương lai đang rộng mở, thế nhưng chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ chín chắn mà hai nam sinh đã vướng vòng lao lý khi gián tiếp cùng ông chủ cầm đồ đi đòi nợ người không vay tiền.

Vướng vòng lao lý vì đòi nợ người…không vay tiền

Sáng ngày 7/2, TAND quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Đào Thế Anh (SN 1980, trú tại xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên); Nguyễn Nam Khánh (Sn 1992, trú tại xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) và Nguyễn Hồng Sơn (SN 1996, trú tại xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) bị truy tố cùng về tội Cướp tài sản được quy định tại điểm e khoản 2 Điều 133 BLHS.

Vuong vong lao ly vi doi no nguoi…khong vay tien - Anh 1

(Ảnh minh họa)

Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, tại phiên xét xử lần thứ 4 này, bị hại và nhân chứng vẫn không có mặt theo giấy triệu tập của tòa khiến cho việc đối chất khó khăn và thiếu khách quan.

Trên cơ sở kết luận truy tố của viện kiểm sát, tội trạng của các bị cáo được thể hiện như sau: Khoảng tháng 1/2015, Đào Thế Anh mua lại cửa hàng cầm đồ tại phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng các giấy vay nợ của một người không rõ nhân thân để hoạt động kinh doanh cầm đồ. Trong số giấy vay nợ mà Thế Anh mua lại có giấy vay tiền của Lê Tiến Đức (ở Thái Bình).

Cuối tháng 6/2015, gia đình Đức đã đến gặp Thế Anh để trả nợ số tiền đã vay trước đó. Thế Anh nhận tiền đồng thời trả lại thẻ sinh viên cho Đức.

Tuy nhiên, sau lần đó, Thế Anh lại gọi điện cho Đức nhiều lần yêu cầu nam sinh này phải trả cả tiền lãi phát sinh từ thời điểm vay. Đức không nghe máy vì cho rằng hai bên đã thống nhất không còn nợ nần gì của nhau.

Đòi Đức không được, Thế Anh quay sang đòi Nguyễn Văn Long (là người ký giấy bảo lãnh cho Đức vay tiền) bắt phải trả cho mình số tiền lãi của Đức.

Do Long không tự nguyện nên Thế Anh bảo Nguyễn Nam Khánh khi đó đang ở cửa hàng cầm đồ của Thế Anh đến tận trường Long học đón đến cửa hàng cầm đồ để nói chuyện. Tại đây còn có mặt Nguyễn Lương Sửu.

Thế Anh yêu cầu Long phải trả tiền cho mình, khi Long nói không vay tiền mà chỉ ký giấy bảo lãnh cho Đức vay tiền thì bị Thế Anh đe dọa và giáng một cái tát vào mặt Long.

Đúng lúc này, Nguyễn Hồng Sơn đi vào cửa hàng cầm đồ của Thế Anh. Bị 4 con người liên tục thúc ép và đưa ra những lời lẽ đe dọa, anh Long buộc phải viết giấy vay nợ 70 triệu đồng nhưng nhất định không ký. Anh Long nói: “70 triệu đồng thì em không xoay được, em chỉ xoay được 20 triệu đồng thôi”.

Nghe anh Long nói vậy, Thế Anh lập tức đồng ý 20 triệu đồng và yêu cầu anh Long viết giấy vay nợ khác.

Đúng lúc này, Công an phường Vĩnh Tuy tiến hành kiểm tra hành chính tại cửa hàng cầm đồ của Thế Anh nên kịp thời giải thoát cho nạn nhân. Các đối tượng liên quan lập tức bị triệu tập tới cơ quan công an để làm rõ sự việc.

Quá trình điều tra cùng các tài liệu, chứng cứ thu thập được từ vụ án, cả bốn đối tượng là Thế Anh, Khánh, Sơn, Sửu bị truy tố về tội cướp tài sản. Tuy nhiên, hai đối tượng Sơn và Sửu đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 4/6/2016, Nguyễn Hồng Sơn đã tới cơ quan công an đầu thú.

Tại tòa, ba bị cáo là Thế Anh, Khánh và Sơn đều không thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố và cho rằng mình bị oan.

Sau quá trình xét hỏi, thẩm vấn công khai các bị cáo, HĐXX xét thấy có một số vấn đề hiện vẫn chưa được cơ quan tố tụng làm rõ như số tiền mà anh Long viết trong giấy vay nợ là 20 triệu đồng hay 70 triệu đồng? Cách thức cơ quan công an thu thập giấy vay nợ này cũng như một số hoạt động tố tụng còn thiếu và chưa rõ ràng. Hơn nữa, bị hại và nhân chứng không có mặt tại tòa khiến phần đối chất chưa được khách quan.

Sau ít phút hội ý, HĐXX của TAND quận Hai Bà Trưng quay trở lại phòng xét xử và ra quyết định trả hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra bổ sung vụ án.

Theo Người Đưa Tin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ