Vướng mắc vấn đề dạy thêm, học thêm ở Đồng Nai

Vướng mắc vấn đề dạy thêm, học thêm ở Đồng Nai

(GD&TĐ) - Từ ngày 1/11, các giáo viên trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt ngừng giữ trẻ, khiến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình bị xáo trộn. Vì thế, rất nhiều phụ huynh đã kiến nghị Phòng GD&ĐT Biên Hòa xem xét, giải quyết cho GV được tiếp tục giữ trẻ, kết hợp bồi dưỡng thêm về văn hóa.

Học sinh Đồng Nai
Học sinh Đồng Nai

Theo số liệu tổng hợp của Phòng GD&ĐT TP. Biên Hòa, trong 44/51 trường tiểu học trên địa bàn, số giáo viên có đăng ký giữ học sinh tại nhà là 1.278 (74,3%), số lượng học sinh đã đăng ký ở lại nhà GV là 23.988 em (37,4%). Ở bậc THCS, có 867 GV đăng ký dạy thêm (52,1%), 18.753 lượt học sinh đăng ký học thêm (gần 50%). Toàn TP. Biên Hòa, chỉ có các trường thuộc 4 xã vừa mới sáp nhập là không có GV đăng kí giữ trẻ, dạy thêm.

Tại TP Biên Hòa, từ ngày 1/11 (sau khi Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT và văn bản 1772/SGD-ĐT của Sở GD&ĐT được phổ biến trong toàn ngành), tất cả các giáo viên trên địa bàn đã đồng loạt ngừng giữ trẻ, khiến các phụ huynh không có chỗ gửi con, đời sống sinh hoạt bị xáo trộn.

Ông Lê Văn Hùng Trưởng phòng GD&ĐT TP. Biên Hòa đề nghị: Với thực trạng về cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu như hiện nay, chưa thể tổ chức các loại hình bán trú, học 2 buổi ở bậc tiểu học. Phòng GD&ĐT TP. Biên Hòa kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét cho các GV trên địa bàn được tổ chức giữ trẻ tại nhà, kèm theo phụ đạo về văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của phụ huynh.

Theo Sở GD&ĐT Đồng Nai, trong năm học 2011-2012, số giáo viên THPT được cấp phép dạy thêm là 352 người. Giấy phép này đã hết hạn từ 30/8/2012, trong khi đó, UBND tỉnh chưa ban hành văn bản mới, vì thế chưa thể thực hiện cấp giấy phép mới về việc dạy thêm.

Ông Võ Tá Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết: Việc tổ chức học thêm trong trường được phân loại theo từng nhu cầu: phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi đại học, cao đẳng. Tùy theo mục tiêu, mỗi lớp dạy thêm có kế hoạch, nội dung giảng dạy riêng cho phù hợp, được Ban giám hiệu tổ chức thẩm định, đánh giá định kỳ.

Qua thực tế, học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn tránh được tình trạng “chạy sô học thêm” nhờ tổ chức tốt các lớp phụ đạo ngay trong trường. Tuy nhiên, để thực hiện được việc dạy thêm trong nhà trường, yếu tố quan trọng vẫn là phải có cơ sở vật chất, đội ngũ GV đạt yêu cầu. Vì vậy, ở chừng mực nào đó, với những trường không thể tổ chức dạy thêm trong nhà trường, nên linh động cấp phép cho GV dạy thêm ngoài nhà trường.

Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng: Chuyện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm là có, nhưng đó chỉ là con số rất ít, rất nhỏ so với những đóng góp của các thầy cô trong vấn đề xã hội hóa giáo dục. Ý nghĩa của xã hội hóa giáo dục là huy động sự đóng góp của toàn dân trên nhiều mặt, trong đó có sự đóng góp trí tuệ, công sức khi đã tổ chức được nơi dạy thêm để bổ sung kiến thức cho học sinh, giữ trẻ cho cha mẹ yên tâm làm việc.

Lan Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.