“Vườn địa đàng” giữa phố núi

GD&TĐ - Cuối tháng 5/2017, khu du lịch Lá phong Đà Lạt (Dalat Maple) của một đơn vị tư nhân chính thức mở cửa đón khách, lập tức thu hút sự chú ý và nhanh chóng trở thành điểm đến tại Đà Lạt (Lâm Đồng). 

Công trình Nhà Mái với 132 mái, điểm nhấn của Lá phong Đà Lạt
Công trình Nhà Mái với 132 mái, điểm nhấn của Lá phong Đà Lạt

Với lối kiến trúc lạ, độc - “vườn địa đàng” giữa phố núi mộng mơ - điểm đến mới thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, nhất là giới trẻ… Lạ và “độc” hơn nữa là giữa lúc người ta ồ ạt áp dụng công nghệ vào du lịch để hút khách, thì những người đầu tư cho dự án này lại có ý tưởng tìm kiếm loại hình du lịch mới để đưa con người đến với thiên nhiên; để con người có những giờ phút thư thái khi rời xa công việc bận rộn hàng ngày, hay trong cuộc sống ngột ngạt ở những thành phố lớn mỗi khi đặt đến phố núi sương mờ...

Mang thiên nhiên về phố

Trên diện tích rộng 4,84 ha, một khu “vườn địa đàng” được tái hiện dựa theo ý tưởng của nhà sử học người Canada Eric T.Jenning. Toàn bộ dự án (cảnh quan, không gian, từng hạng mục kiến trúc các công trình…) đều gắn với thiên nhiên nên thơ của Đà Lạt và được phỏng theo những câu chuyện truyền thuyết đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Ẩn chứa bên trong mỗi công trình là những thông điệp mang tính nhân văn về bảo tồn không gian văn hóa, bảo vệ môi trường, mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người cần được gìn giữ. Có thể nói, Lá phong Đà Lạt (tên gọi của khu du lịch này) là một không gian thiên nhiên được tái hiện giữa lòng phố núi mờ sương.

Đúng như với tên gọi và cũng là điểm nhấn đáng chú ý nhất, Lá phong Đà Lạt thực sự là một công viên xanh được tuyển chọn kỹ càng, với khoảng 2.000 cây lá phong, trên 20.000 cây tùng bút, 500 cây hoa anh đào, hàng trăm loài cây lá kim đặc hữu quý hiếm của Đà Lạt, hơn 2.000 cây chè Shan tuyết, nhiều loài cây thảo dược quý và nhiều loài hoa khác của Đà Lạt…

Bên cạnh đó, chủ đề không gian văn hóa Tây Nguyên cũng góp phần tạo nên nét đặc sắc của Lá phong Đà Lạt, đưa nó vào một vị trí riêng trong số vô vàn những khu nghỉ dưỡng sinh thái đang nở rộ trên cả nước. Bởi vậy, thay vì những kiến trúc hiện đại hay Đông – Tây kết hợp như xu hướng hiện nay, kiến trúc chủ đạo của công trình quy mô này đi theo chủ đề tái hiện những câu chuyện cổ tích Tây Nguyên, với trung tâm là Nhà Mái. Đây là công trình nhà 132 mái; từng mái nhà liên kết với nhau tạo thành những lá phong cách điệu. Đặc biệt, 132 mái nhà tạo hình như một Kim tự tháp; được bài trí cầu kỳ tạo sự bí ẩn của Kim tự tháp thực sự.

Khu Nhà Mái là nơi du khách được trải nghiệm, khám phá các tiểu cảnh, không gian văn hóa đặc trưng Tây Nguyên. Quanh các bức tường Nhà Mái triển lãm 80 bức ảnh nghệ thuật chủ đề “Cõi hồng hoang”, mô phỏng bằng những bức ảnh về các loài hoa dại của nhiếp ảnh gia MPK – một người con của Đà Lạt. Ở đây còn có những công trình theo chủ đề đại chúng như “Suối địa đàng” - tái hiện hình tượng chàng Adam và nàng Eva hóa thân thành một cặp tình nhân đang tắm bên dòng suối mát… Nằm cạnh Suối Hoa còn có Suối Mơ (lấy cảm hứng từ bài hát “Suối Mơ” của cố nhạc sĩ Văn Cao); dòng suối chảy qua một thác cao chừng 6 - 7 mét tạo thành bức tranh thủy mặc sống động…

Khu rừng lá phong lớn nhất Việt Nam

Như đã nói, điểm nhấn, cũng là điểm đặc trưng của Lá phong Đà Lạt chính là khu rừng lá phong tự trồng lớn nhất Việt Nam (được Hội Kỷ lục Việt Nam công nhận đầu 5/2017); với trên 2.000 cây lá phong thuần chủng Đà Lạt được trồng hơn 10 năm qua. Rừng lá phong thay màu theo mùa với các sắc vàng, cam, tím, đỏ làm cho du khách những tưởng “lạc” vào một khu rừng nào đó ở châu Âu hay ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… dưới sắc trời thu xanh thẳm đến xao xuyến lòng người.

Bên cạnh đó là rừng cây lá kim đặc biệt quý hiếm tự trồng, gồm thông 2 lá dẹt - loài thông cổ, có cấu trúc 2 lá dẹt hình lưỡi liềm, trên thế giới độc nhất chỉ có ở Việt Nam và chủ yếu ở rừng Lâm Đồng (Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà). Thông 2 lá dẹt nằm trong Sách đỏ Việt Nam thuộc dạng nguy cấp, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Ngoài thông 2 lá dẹt, Lá phong Đà Lạt còn quy tụ hàng ngàn loại cây lá kim đặc hữu của Đà Lạt như thông 5 lá, pơ mu, bạch tùng, gõ đỏ, thông đỏ, bách xanh, sao, hoàng đàn, tùng bút... được trồng, chăm sóc gần 20 năm qua.

Nói về những mảng “rừng” đặc trưng của Lá phong Đà Lạt, không thể không nhắc đến rừng hoa anh đào Đà Lạt trên 500 cây (trong đó có nhiều cây cổ thụ) thường khoe sắc tô thắm cho những mùa xuân cao nguyên với sắc hồng rực rỡ làm lưu luyến lòng du khách phương xa. Dưới các tán rừng xanh thẳm và rừng hoa anh đào là không gian thoáng đãng dành cho du khách ưa thích cắm trại, dã ngoại, tổ chức các trò chơi ngoài trời khá lý tưởng; một điều rất hiếm hoi đối với hầu hết các khu nghỉ dưỡng ở nước ta, đặc biệt tại các trung tâm du lịch lớn như Đà Lạt.

Ông Nguyễn Xuân Thành, chủ nhân của Lá phong Đà Lạt cho biết, dự án này là tâm huyết của ông và các thành viên trong gia đình trong nhiều năm qua. Tìm mô hình mới, tạo ra không gian du lịch gắn với thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm chủ đề, “hồn cốt” của dự án là ý tưởng xuyên suốt trong quá trình thi công xây dựng công trình. Điều đáng nói hơn, việc thu hút du khách để khai thác du lịch chỉ là một phần.

Tâm nguyện của vị chủ nhân Lá phong Đà Lạt là xây dựng được một “Vườn địa đàng” với những mảng màu riêng, nhất là quy tụ các loài cây rừng đặc hữu của Đà Lạt, nhằm tạo ra điểm tham quan, nghiên cứu đối với học sinh, sinh viên về các loài thực vật quý, hiếm của Việt Nam để giáo dục ý thức bảo tồn và phát triển trong tương lai… Đó là lý do mà ông Nguyễn Xuân Thành đã đề ra quy định này: Luôn mở rộng cửa và hoàn toàn miễn phí với các đoàn học sinh, sinh viên hay các nhà khoa học muốn đến nghiên cứu tìm hiểu, từ thực tế địa bàn đến các tài liệu mà ông cũng như các thành viên trong gia đình thu thập được về thiên nhiên đặc sắc của Đà Lạt nói riêng và vùng Tây Nguyên nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ