Vườn chim “mòn mỏi” chờ dự án du lịch

GD&TĐ - Vườn chim Lập Điền (xã Long Điền Tây, Đông Hải, Bạc Liêu) là một trong những vườn chim tư nhân lớn của tỉnh Bạc Liêu. Số lượng chủng loài chim, cò về đây rất lớn, được ông Thái Văn Sĩ giữ gìn trong suốt 23 năm qua. Hiện vườn chim đang chờ tới ngày làm du lịch nhằm thuận tiện cho việc bảo tồn và phát triển.

Từng đàn chim về trú ngụ tại Vườn chim Lập Điền
Từng đàn chim về trú ngụ tại Vườn chim Lập Điền

Âm thầm giữ tổ cho chim

Là người gắn bó cuộc đời với miền quê sông nước Tây Nam bộ, ông Thái Văn Sĩ (hay còn gọi là ông Sáu Sĩ) nuôi các loại thủy sản như tôm, cua, cá… trên mảnh đất gia đình thuộc vùng mặn ven biển Gành Hào. Không chỉ vậy, trên mảnh đất này còn có một vườn chim tự nhiên rộng lớn đa dạng về chủng loại.

Ông Sáu Sĩ chia sẻ việc ông bắt đầu giữ vườn chim từ năm 1993 đến nay với tên gọi Vườn chim Lập Điền có quy mô khoảng 21ha, bao quanh là hệ thống rừng đước trên 23 năm dọc theo những con mương nhỏ được xẻ dọc theo từng khu. Đây là một trong những vườn chim tư nhân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, có diện tích đứng sau Vườn chim TP Bạc Liêu (160 ha).

Số lượng chim, cò về cư ngự trên khu rừng đước của nhà ông Sáu có hàng trăm ngàn con. Trong đó còn có những loài quý hiếm như: dang sen, chàng bè, điên điển, cò, vạc, diệc lửa, diệc xám, bạc má, gà đãi… có lúc hoàn cảnh rơi vào khốn cùng nhưng chưa bao giờ gia đình tự ý khai thác. Vì được gìn giữ nên dần dần nơi đây trở thành nơi trú ngụ an toàn cho đàn chim.

Cứ thế, thời gian đằng đẵng qua đi trên hai thập niên, ông Sáu Sĩ vẫn hăng say với việc làm kinh tế gia đình nhưng cũng chưa bao giờ lơ là việc coi sóc khu rừng đước để các loại chim, cò về đây làm tổ sinh sôi nảy nở, tạo điều kiện bảo vệ tốt cho việc phát triển loài của chúng.

Việc làm âm thầm của ông để bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên, hàng ngày được nghe tiếng chim kêu ríu rít trên những ngọn cây cao vút kia cũng làm khoan khoái trong lòng.

Có khi tiếng chim ít dần, trong lòng ông lo lắng nên lật đật đi xuống mương lấy chiếc xuồng bơi ra những khu rừng đước để ngó qua xem xét tình hình có thể do cây bị gẫy đổ chim mất tổ nên đi nơi khác.

Ông Sáu Sĩ, chia sẻ: “Chim, cò kéo về càng ngày càng đông và chủng loài quý hiếm rất nhiều, qua thời gian cây trong rừng cũng cao to tạo điều kiện để làm tổ chim.

Gia đình tôi đã giữ vườn chim suốt thời gian dài, cố gắng bảo tồn chờ tỉnh đầu tư làm du lịch. Nhiều khi có ý định khai thác lấy gỗ từ cây đước nhưng vẫn không ngừng hi vọng dự án du lịch triển khai làm vườn chim sinh thái được nhanh chóng”.  

Thuận tiện phát triển du lịch

Những tán rừng đước nhiều năm tuổi
Những tán rừng đước nhiều năm tuổi 

Vườn chim Lập Điền được gia đình ông Sáu Sĩ bảo tồn đã nhiều năm. Hằng năm, thời gian khoảng từ tháng 4 cho đến tháng 7, số lượng chim, cò về làm tổ rất đông. Đặc biệt là chim dang sen với khoảng 100 con về trú ngụ, cùng nhiều loại chim, cò quý hiếm khác.

Dọc theo từng khu, có những hàng cây tra (loài cây tra biển sống ở vùng ven biển Tây Nam nộ) nở hoa sắc vàng sắc đỏ, có nhiều cây mắm, vẹt, đước rộng lớn, trên nền đất bóng cây phủ kín rất mát mẻ. Không khí trong lành mang đặc trưng của hệ thực vật vùng nước mặn ven biển, tạo cảnh quan cho du lịch thêm ấn tượng, với nhiều loài chim đẹp mắt quý hiếm.

Ngoài ra, nguồn lợi thủy sản nơi đây khá dồi dào, chất lượng không hề thua kém bất cứ đâu, đáp ứng được nhu cầu vui chơi, ăn uống những đặc sản đậm chất miệt vườn sông nước như ba khía, cua, tôm… không dùng hóa chất trong nuôi trồng, tất cả đều tự nhiên.

Đó chính là điều kiện lí tưởng để phát triển du lịch sinh thái, du khách về đây tham quan kết hợp nghĩ dưỡng khá tuyệt vời, rất riêng biệt không nhầm lẫn bất cứ loại hình du lịch sinh thái nào.

Gặp khó về kinh phí !

Thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu đã có những kế hoạch, dự án đầu tư vào vườn chim Lập Điền để làm du lịch nhưng khó khăn vì nguồn vốn nên chưa thể xúc tiến. Trong đó hệ thống đường sá đáp ứng du lịch là rất cấp thiết do đường vào vườn chim vẫn chưa được bê tông hóa.

Ông Nguyễn Quốc Sự - Chủ tịch UBND xã Long Điền Tây - đánh giá: “Hệ thực vật ở đây mang nét riêng của vùng mặn ven biển, thuận lợi cho việc làm du lịch sinh thái. Nếu không gặp khó về vốn đầu tư, xúc tiến thực hiện kế hoạch nhanh chóng để làm du lịch thì vườn chim Lập Điền hứa hẹn sẽ thu hút được nhiều du khách đến với nơi đây.

Việc ông Sĩ giữ vườn chim suốt 23 năm qua cũng cho thấy tâm huyết của người chủ trong việc muốn bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển làm du lịch”.

Tỉnh Bạc Liêu đã có dự án quy hoạch, bảo vệ và phát triển vườn chim Lập Điền trở thành khu du lịch sinh thái của tỉnh từ năm 2012. Nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên đề ra những định hướng, giải pháp phát huy tiềm năng như đầu tư trọn gói theo từng giai đoạn và phối hợp nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo đề xuất của UBND huyện Đông Hải, nguồn vốn đầu tư vào vườn chim gần 20 tỷ đồng với nhiều hạng mục hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong đó có hệ thống cầu, đường giao thông nông thôn, hệ thống chiếu sáng và cơ sở vật chất trong khuôn viên vườn chim…

Nhưng trở ngại về vốn đầu tư trở thành thách thức, rào cản rất lớn cho sự phát triển, gây nhiều trăn trở cho hộ gia đình và ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu. Do đó tỉnh đã chủ động linh hoạt trong phương án đầu tư phù hợp với thực tế.

Ông Trần Minh Huấn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Bạc Liêu - cho biết: “Từ khi khởi động dự án, UBND tỉnh đã cho phép Sở VH-TT&DL phối hợp với một số đơn vị tư vấn, nghiên cứu hiện trạng và định hướng một số giải pháp để phát huy tiềm năng thế mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay do nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh đang gặp khó khăn nên việc đầu tư tạm dừng nhưng vẫn tiếp tục vận động trong quy hoạch.

Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo các sở ngành tham mưu duyệt kinh phí đầu tư song song với việc mời gọi xã hội hóa các thành phần kinh tế, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia chung tay với việc bảo tồn và phát huy tốt đáp ứng cho việc khai thác vườn chim...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.