Vùng đất của bí đao “khổng lồ”

GD&TĐ - Bao đời nay, người dân sống ở bàu Chánh Trạch (thuộc thôn Chánh Trạch 1, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nổi tiếng với sản vật là những trái bí đao “khổng lồ” mà không vùng đất nào trồng được. Mỗi trái bí đao sau thu hoạch ở đây có thể đạt trọng lượng từ 50 - 60kg, thậm chí có trái đạt 80kg.

Ông Ngôn bên trái bí đao khổng lồ
Ông Ngôn bên trái bí đao khổng lồ

Quả “khủng”, để cả năm không hư

Bàu Chánh Trạch ba bề núi bao bọc, hướng mặt ra biển. Người dân nơi đây cho rằng, phù sa chảy từ trên núi Ô Phi xuống hàng năm đã bồi đắp cho bàu Chánh Trạch. Nhờ nguồn phù sa đó nên gạo nếp, gạo tẻ hay nhiều loại nông sản khác trồng trên vùng đất này đều ngon hơn các vùng khác, đặc biệt là bí đao rất “khổng lồ”. Hiện tại, thôn Chánh Trạch 1 có hơn 50 hộ trồng giống bí đao này.

Bà Nguyễn Thị Én (62 tuổi, ở thôn Chánh Trạch 1) bảo, không ai biết nghề trồng bí đao có từ khi nào, chỉ biết thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Gia đình bà đã có 4 đời trồng bí đao nên bà gọi giống bí này là bí truyền thống, nghề trồng bí đao là nghề truyền thống. Năm nay, vườn bí đao với 100 gốc của gia đình bà trĩu trái. Trung bình mỗi trái đạt trọng lượng khoảng 20kg. Trái nào cũng xanh mướt, mượt mà. Đến kỳ thu hoạch, mỗi trái bí có thể đạt từ 50 - 60kg, thậm chí có trái đạt 80kg. “Nguồn nước ngầm nơi này rất dồi dào, chỉ cần đào xuống đất khoảng một mét là nước đã phun lên. Có lẽ nhờ đó mà bí đao hấp thụ được nhiều nước để phát triển, cho trái to, chứ chúng tôi không dùng bất kỳ loại thuốc kích thích tăng trưởng nào”, bà Én cho biết.

Trái bí đao do bà Én trồng đạt trọng lượng khoảng 20kg; đến kỳ thu hoạch sẽ nặng hơn, cỡ 50 - 60 kg

Trái bí đao do bà Én trồng đạt trọng lượng khoảng 20kg; đến kỳ thu hoạch sẽ nặng hơn, cỡ 50 - 60 kg

Theo ông Trương Xuân Ngôn (70 tuổi, ở thôn Chánh Trạch 1), do trọng lượng của mỗi trái bí đều quá lớn nên việc làm giàn rất công phu. Giàn chủ yếu được làm bằng tre, phi lao, bạch đàn với những trụ chắc chắn. Sau khi làm giàn, người trồng đào hố thật sâu rồi lấy phân xanh (lá cây) để dưới, lót lớp mỏng phân chuồng lên trên rồi lấp lại, ủ trong vòng 5 - 10 ngày, sau đó mới gieo hạt. Khi cây có 2 lá mầm, cao chừng 50cm thì mới đào xung quanh cây và đưa phân chuồng, xác bánh dầu (xác ép đậu phộng) xuống hố. Khi nách lá có rễ đâm xuống, chúng liền “ăn” phân đang nằm dưới đất nên tươi tốt rất nhanh. Lúc này, ngoài nguồn nước ngầm thì cần tưới thêm nước cho hợp lý.

“Bí đao thường được xuống giống từ giữa tháng 11 đến đầu tháng Chạp âm lịch. Sau Tết Nguyên đán, dây bí bắt đầu ra hoa, kết trái. Thời điểm này, người trồng phải canh để lựa những trái đẹp giữ lại, mỗi dây bí chỉ giữ một trái. Khi bí bắt đầu được vài kg thì dùng dây để giữ không bị rớt khỏi giàn. Đến cuối tháng 4 âm lịch, bắt đầu thu hoạch. Lúc thu hoạch phải có nhiều người hỗ trợ nhau để tránh cho bí khỏi bị rơi. Thường là một người cắt dây, hai người giữ bí. Phải cẩn thận như vậy, bởi nếu rơi thì ruột bí sẽ bị động, không bảo quản được lâu. Cái hay là giống bí đao này có thể để cả năm mà không bị hư hỏng. Vì vậy bà con luôn giữ trong nhà một lượng bí để bán cho các cơ sở hoặc hộ gia đình sản xuất mứt bí cho dịp Tết Nguyên đán năm sau”, ông Ngôn cho biết.

Độc đáo nước từ... dây bí

Ngoài thu hoạch trái, người dân còn thu hoạch nước hứng từ dây bí đao. Mỗi dây có thể lấy lên đến vài lít nước, giá mỗi lít dao động từ 70.000 - 100.000 đồng. Nước bí sẽ được đem cất vào can nhựa, để trên 2 ngày cho nước lóng lại là có thể uống. Nước từ thân bí dùng để thanh nhiệt, mát gan, trị các loại bệnh thông thường như lang ben, hắc lào và có thể để từ năm này qua năm khác mà không bị hỏng.

“Sau khi thu hoạch trái, cắt dây bí đao cách mặt đất khoảng 1m rồi dùng chai, lọ hứng lấy nước. Trong vòng 1 - 3 ngày, nước từ thân dây có màu trắng đục sẽ tự chảy vào chai, lọ. Mỗi dây có thể cho từ 1 - 2 lít nước, tùy theo mức độ xanh tốt của dây. Điều đặc biệt, nước hứng từ các dây bí để càng lâu thì càng trong và thơm”, bà Én cho biết.

Sau khi thu hoạch trái, người dân sẽ thu hoạch nước hứng từ dây bí đao
Sau khi thu hoạch trái, người dân sẽ thu hoạch nước hứng từ dây bí đao 

Liên kết làm du lịch cộng đồng

Chỉ khi trồng trên đất bàu Chánh Trạch thì giống bí đao này mới cho trái “khổng lồ” như thế. “Nhiều người dân vùng khác đến xin hạt giống, chúng tôi mang đúng loại giống đang trồng ra cho. Tuy nhiên, họ đem về gieo trồng thì trái rất nhỏ như giống bí đao bình thường. Một số người nói vui rằng, bí đao ở bàu Chánh Trạch là “độc nhất vô nhị”, có lẽ, trên thế giới chẳng nơi nào trồng được”, ông Ngôn cười, cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Tuyên - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, chia sẻ: “Thời gian qua, chính quyền cấp trên thường xuyên hỗ trợ quảng bá sản phẩm bí đao “khổng lồ” ở bàu Chánh Trạch, tìm đầu ra và vị thế vững chắc cho sản phẩm. Trên lợi thế có được, sắp tới chính quyền địa phương sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Hy vọng trong tương lai, đây sẽ là một sản phẩm đặc biệt của Mỹ Thọ và là nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân”, ông Tuyên cho biết.

Được biết, 3 năm trở lại đây, khi sản phẩm bí đao “khổng lồ” ở Chánh Trạch 1 dần nổi tiếng, một công ty du lịch đã liên kết với các hộ dân trồng bí đao để triển khai tour du lịch cộng đồng đến đây. Đến mùa thu hoạch, họ đưa khách đến tham quan và chụp ảnh với những trái bí nặng bằng người lớn, thưởng thức món canh bí đao hầm xương, trà bí đao sao trên than hồng… Đặc biệt là uống nước bí đao nguyên chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ