Những hy vọng về việc nước Đức có thể nằm ngoài làn sóng bạo lực đổ xuống hai nước láng giềng Pháp và Bỉ đã đột ngột bị dập tắt vào ngày 22/7, khi một tay súng hành động đơn độc xả đạn cướp đi mạng sống của 9 người tại thành phố Munich.
Trước đó chỉ 5 ngày, một thanh niên tị nạn 17 tuổi được cho là đến từ Afghanistan dùng dao đâm chém loạn xạ trên một đoàn tàu ở bang Baravia thuộc miền Nam Đức, khiến 6 người bị thương.
Tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đứng ra lãnh trách nhiệm, nhưng nhà chức trách Đức khi đó chỉ xem vụ tấn công bằng dao này là một vụ đơn lẻ.
Nhưng với vụ xả súng ngày 22/7, làn sóng bạo lực đã chính thức gõ cửa nước Đức.
Cảnh sát Munich đã gọi vụ tấn công vừa xảy ra là một vụ khủng bố, dù chưa có kết luận về động cơ gây án. Kẻ tấn công, được nhận diện là một thanh niên 18 tuổi gốc Iran, được cho là đã tự sát tại hiện trường.
Theo tờ Wall Street Journal, cho dù động cơ của vụ tấn công là gì - ý thức hệ, phân biệt chủng tộc, hay hành động tội ác đơn thuần - thì quy mô của vụ việc đã đạt tới mức tác động đến chính sách an ninh nội địa, nền chính trị, và thậm chí cả chính sách đối ngoại của Đức.
Cử tri Đức ngày càng lo lắng
Bất kỳ sự hoài nghi nào đối với khả năng kiểm soát an ninh trong nước của Chính phủ Đức cũng có thể làm suy yếu vị thế Thủ tướng Angela Merkel, vào thời điểm chỉ còn hơn một năm nữa là đến cuộc tổng bầu cử tiếp theo ở nước này.
Suốt mấy tháng nay, giới chức an ninh đã cảnh báo rằng nguy cơ khủng bố ở Đức là thật và hiện hữu. Vào đêm giao thừa 2016, cảnh sát ở Munich đã đóng cửa hai nhà ga đường sắt vì phát hiện thấy có nguy cơ xảy ra tấn công, nhưng đã không có vụ tấn công nào xảy ra.
Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Thomas De Maiziere đã thể hiện sự đồng tình với những người đồng cấp phương Tây khác khi nói rằng những thất bại mà IS đang vấp phải ở Iraq và Syria có thể dẫn tới việc tổ chức khủng bố khét tiếng này “chuyển hoạt động của chúng về phía châu Âu”.
Giới chức Đức đã cảnh giác cao độ kể từ cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Paris hồi tháng 11 năm ngoái, và tuyên bố đã phá nhiều âm mưu khủng bố mới được manh nha. Nhưng những nỗ lực này chưa được biến thành sự hiện diện an ninh tăng cường và được nhìn thấy rõ trên đường phố Đức.
Ở Pháp, lực lượng quân sự được trang bị vũ khí đầy đủ thường xuyên có mặt ở khắp các nhà ga và sân bay trong những tháng gần đây. Nhân viên an ninh làm việc tại hệ thống đường sắt của Pháp mang vũ khí có thể nhìn thấy và thiết bị bảo hộ.
Nhưng ở Đức, mọi chuyện không giống như thế. Sự hiện diện của lực lượng an ninh Đức tại các đầu mối giao thông lớn thường chập chờn giữa bí mật và không nhìn thấy. Ngoài ra, hiến pháp Đức cấm triển khai quân đội trong nước trong điều kiện bình thường.
Từ sau vụ tấn công khủng bố của phiến quân Hồi giáo Kosovar ở sân bay Frankfurt vào năm 2011 khiến 2 binh sỹ Mỹ thiệt mạng đến nay, không hề có một vụ khủng bố nghiêm trọng nào xảy ra trên đất Đức.
Và vì lý do này, cơ quan chức năng Đức không chịu áp lực phải có sự hiện diện an ninh mạnh mẽ hơn để trấn an người dân.
Tuy vậy, cử tri Đức đã ngày càng trở nên lo ngại. Trong một cuộc thăm dò do công ty bảo hiểm R+V thực hiện vào tháng 4-5/2016, 73% số người được hỏi nói họ cảm thấy lo về nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố, tăng 21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu tăng cường an ninh - một vấn đề vốn từ lâu bị gạt sang bên ở Đức do sự tập trung mang tính lịch sử vào các quyền riêng tư và tự do cơ bản - có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong nền chính trị Đức, thậm chí dẫn tới những lời kêu gọi về siết chặt luật giám sát và chống khủng bố.
Nhưng bất kỳ sự thay đổi nào trong lĩnh vực này cũng sẽ chỉ diễn ra với tốc độ chậm chạp do có nhiều vật cản, và do nền chính trị Đức đòi hỏi sự đồng thuận cao.
Cơ hội cho đảng chống nhập cư
Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy vụ tấn công ngày 22/7 có liên quan đến khoảng 1 triệu người di cư vào Đức trong năm ngoái.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò dư luận gần đây đã có thấy tâm trạng bất an của người Đức, liên quan đến những hoài nghi đối với quyết định của bà Merkel về mở cửa đón người di cư.
Khi những người di cư từ Bắc Phi bị phát hiện là thủ phạm phía sau loạt vụ tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ địa phương ở thành phố Cologne vào đêm giao thừa, bà Merkel đã chứng kiến tỷ lệ ủng hộ vốn dĩ rất cao trước đó của bà sụt giảm mạnh. Kể từ đó, tỷ lệ ủng hộ bà Merkel đã phục hồi phần nào và đảng của bà vẫn là chính đảng có được sự ủng hộ lớn nhất của cử tri Đức.
Tuy nhiên, vụ tấn công vừa xảy ra có thể làm gia tăng tỷ lệ ủng hộ dành cho Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức, một chính đảng dân túy với chủ trương chống người nhập cư hiện có mức ủng hộ khoảng 12%.
Đảng này hiện chưa có chân trong Quốc hội liên bang Đức, nhưng điều đó có thể xảy ra nếu đảng này nhận được ít nhất 5% số phiếu trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Trong trường hợp như vậy, Đức sẽ không còn là quốc gia gần như nằm ngoài xu hướng dân túy đang trỗi dậy ở các nước phương Tây. Và xét tới hệ thống bầu cử của Đức, thì việc Đảng Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức có chân trong Quốc hội Liên bang sẽ khiến cho việc thành lập chính phủ liên minh tiếp theo ở nước này sẽ trở nên rất phức tạp.
Ở một số quốc gia khác như Anh và Mỹ, nơi các phong trào dân túy đang gia tăng, các chính trị gia theo chủ nghĩa biệt lập đang nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn.
Nước Đức đã thể hiện sự cứng rắn trên trường quốc tế trong những năm gần đây, bao gồm việc nước này dẫn đầu sự đáp trả của châu Âu đối với việc Nga sáp nhập Crimea. Dù chưa tham chiến, Đức cũng là một phần trong liên minh do Mỹ dẫn đầu đánh IS ở Syria và Iraq.
Lập trường cứng rắn nói trên của Đức đã gây ra nhiều tranh cãi trong nước. Bởi vậy, sau vụ tấn công ngày 22/7, khó có chuyện cử tri Đức muốn nước này can thiệp nhiều hơn ra nước ngoài.