Vụ việc Kai Hoàng đạo văn Nguyễn Ngọc Tư: Hành vi “tự sát”!

GD&TĐ - Trao đổi với Báo GD&TĐ nhân vụ việc cây bút 8X Kai Hoàng đạo văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Phong Điệp - Phó Trưởng ban Nhà văn Trẻ nhấn mạnh: Văn chương không dành chỗ cho người nóng vội, mưu cầu sự nổi tiếng. Một người từng được một số giải thưởng văn học, có nhiều đầu sách đã xuất bản như Kai Hoàng tại sao còn đi ăn cắp văn của người khác? Đây rõ ràng là một hành vi tự sát.

Thông báo của báo Người Lao động về vụ việc của Kai Hoàng. Ảnh chụp từ màn hình
Thông báo của báo Người Lao động về vụ việc của Kai Hoàng. Ảnh chụp từ màn hình

- Vụ việc Kai Hoàng đạo văn dù không phải là mới nhưng vẫn khiến văn đàn xôn xao. Từ đây, nhiều người bắt đầu hồ nghi về tài văn thực sự của văn trẻ hôm nay. Chị nghĩ sao về câu chuyện này?

- Những vụ đạo văn thời gian qua luôn thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận, điều đó cho thấy công chúng đòi hỏi rất nghiêm khắc về sản phẩm sáng tạo của mỗi tác giả phải là duy nhất, không sao chép, văn mượn từ tác phẩm của người khác. Việc hồ nghi về tài năng văn chương của Kai Hoàng cũng là đòi hỏi chính đáng của độc giả. Bởi không lý lẽ nào có thể bào chữa cho việc tác giả này đã đạo văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Một người từng được một số giải thưởng văn học, có nhiều đầu sách đã xuất bản tại sao còn đi ăn cắp văn của người khác? Đây rõ ràng là một hành vi tự sát.

- Vụ việc Kai Hoàng chỉ là sự cố của một cây bút mới nổi hay là chuyện khá quen trong văn trẻ hiện nay?

- Tôi không nghĩ đây là sự cố. Vì việc sao chép này đòi hỏi khá công phu. Còn việc đạo văn, đặc biệt là ở các tác giả trẻ thời gian qua không phải là chuyện hiếm gặp. Đó quả là điều đáng buồn. Khi đã bước vào con đường sáng tạo nghệ thuật mỗi người cần phải tự xác định rất nghiêm khắc rằng: Nếu không thể tự đi trên chính đôi chân của mình thì hãy dừng ngay lại, làm công việc khác.

- Dường như các cây bút trẻ đang quá nôn nóng nổi tiếng bằng mọi giá. Lý giải của chị trước thực tế này?

- Tâm lý mỗi cá nhân là vấn đề rất phức tạp. Có nhiều lý do có thể lý giải cho việc “mượn tạm - cầm nhầm” văn chương của người khác: Sự tự ti, không tin vào khả năng của bản thân nên phải dựa vào tác phẩm của người khác; sự bất tài của cá nhân đó; suy nghĩ đơn giản, thiển cận về lao động nghệ thuật; sự bất chấp, liều lĩnh của một số cá nhân; sự nóng lòng về việc nổi tiếng... Dù là nguyên nhân nào thì cũng đều không bào chữa cho việc “cầm nhầm” tác phẩm của người khác để tiến thân.

- Theo chị, dư luận cần nhìn nhận như thế nào để giúp các cây bút trẻ thức tỉnh, đi đúng hướng chứ không phải là vùi dập tài năng?

- Việc lên tiếng của dư luận thời gian qua với mong muốn bảo vệ sự lành mạnh của môi trường sáng tạo. Chúng ta thử hình dung các vụ đạo văn xảy ra chỉ nhận lại sự thờ ơ của cộng đồng thì sẽ đáng sợ như thế nào. Do đó, việc lên tiếng là cần thiết. Tôi thấy nhiều trường hợp dư luận khá bao dung, cảm thông cho những trường hợp vô ý đạo văn như: Do thuộc nằm lòng thơ của người khác nên trong quá trình viết, sử dụng ý hoặc toàn văn câu thơ của người khác một cách vô thức; hoặc những người mới vào nghề, kinh nghiệm và bản lĩnh sáng tạo non kém. Còn những vụ sai phạm rõ ràng thì sẽ không ai có thể bào chữa, nương nhẹ được. Đây là bài học đắt giá với mỗi người cầm bút. Người viết nếu không đạo văn thì chẳng phải lo bị đám đông ném đá để rồi cầu xin sự bao dung. Nhưng tôi cũng thấy, không ít vụ việc, mặc cho sự phản ứng quyết liệt của dư luận trước nạn đạo văn, sau đó ít lâu những vụ đạo văn mới lại tiếp tục bị tố cáo. Điều đó cho thấy, việc xử lý vấn nạn đạo văn đang thiếu tính răn đe, dẫn đến “nhờn luật”.

Quan trọng nhất với mỗi người viết trẻ, theo tôi, là việc tự học hỏi, rèn luyện, trau dồi năng lực bản thân, tích lũy vốn sống... và thể hiện bằng tác phẩm. Ở đây tự mỗi người cầm bút hãy tự xác định cho mình con đường đi đúng đắn. Đó là xác lập chỗ đứng bằng khả năng của bản thân. Đây là cách duy nhất để không phải lo sợ về việc tài năng bị vùi dập. Và đây cũng là công việc khó khăn, nhọc nhằn, không có chỗ dành cho người nóng vội và mưu cầu sự nổi tiếng.

“Dục tốc bất đạt”

Vụ việc cây bút 8X Kai Hoàng đạo văn Nguyễn Ngọc Tư đã được báo Người Lao động ra thông báo: “Xét thấy truyện “Biến mất” của Kai Hoàng có sự sao chép khá rõ rệt từ tác phẩm của nữ nhà văn quê Cà Mau, BTC quyết định gỡ bỏ truyện “Biến mất” khỏi báo Người Lao động điện tử, đồng thời loại ra khỏi cuộc thi và không chấm nhuận bút cho truyện này”.

Dẫu Kai Hoàng đã có lời xin lỗi tới nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, báo Người Lao động, thế nhưng vụ việc này vẫn khiến văn đàn xôn xao, bất bình. Vốn là “nạn nhân” của nạn đạo văn, nhà lí luận phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, những chuyện này không gây bất ngờ vì luôn xảy ra như cơm bữa trong mọi lĩnh vực. Đó là căn bệnh của sự lười nhác đến kinh khủng của người làm nghệ thuật ở ta. “So với những sai lầm khác như tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm thì bệnh “đạo” có vẻ như ít nguy hiểm. Nhưng về văn hóa mà xem xét thì nó nguy hiểm vì khiến con người mất liêm sỉ. Riêng với các cây bút trẻ, đây là kết quả tất yếu - “dục tốc bất đạt”, Bùi Việt Thắng bày tỏ.

Phê phán hành động vay mượn thái quá hay ăn cắp văn chương của người khác là thiếu văn hóa, nhà văn Vũ Xuân Hoát cho rằng, mỗi người có thể học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ thế hệ đi trước nhưng không được “đạo”. “Các nhà văn trẻ giờ đây ít dấn thân, ít suy ngẫm, bị thế giới đồ vật lấn át. Để sáng tạo, mỗi nhà văn phải tự thân, tự rèn luyện, tự tìm ra góc độ riêng, bản ngã của mình” - nhà thơ Vũ Xuân Hoát nói.

Nhắc lại một số vụ việc đạo văn xảy ra gần đây, nhà thơ Nguyễn Thanh Kim bảo rằng, thật đáng buồn khi văn chương bây giờ cứ tìm đến cái danh hão huyền bằng việc đi vay mượn của người khác. Ông nhắn nhủ với các cây bút trẻ: “Nếu anh đã chấp nhận một cuộc chơi, một loại hình sáng tạo thì anh luôn phải tự thân. Nghĩa là ngoài tài năng, người viết phải chuẩn bị rất nhiều hành trang từ việc học trong đời sống, trong tri thức cùng những trải nghiệm. Đây là một sự lựa chọn tự giác để nhà văn đối thoại với cuộc sống để bạn đọc tin cậy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ