Vũ trụ mới là môi trường sống của vi khuẩn?

GD&TĐ - Đã có gần 2.000 thí nghiệm khoa học khác nhau được thực hiện trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Những thí nghiệm này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mà chúng ta tiếp cận hằng ngày. 

Vũ trụ mới là môi trường sống của vi khuẩn?

Một số thí nghiệm tỏ ra rất hấp dẫn, đặc biệt là những thí nghiệm có liên quan đến vi khuẩn.

Các nhà khoa học ở Đại học California (Mỹ) đã tiến hành thí nghiệm trong đó họ nuôi một số vi khuẩn không độc hại, thu thập từ các tượng đài, viện bảo tàng, trường học, điện thoại di động, giày dép, tàu vũ trụ, da vận động viên. Sau đó, họ gửi những vi khuẩn này lên khoang Trạm vũ trụ quốc tế ISS, trong khuôn khổ dự án MERCCURI (Microbial Ecology Research Combining Citizent and University Researchers on ISS).

Điều bất ngờ lớn đối với các nhà khoa học là mặc dù phần lớn trong số 48 nhóm vi khuẩn có thể “xoay xở” tốt trên Trái đất cũng như trên Trạm ISS, nhưng có một loại vi khuẩn, tên là Bacillus safensis JPL-MERTA-8-2 lại phát triển mạnh hơn đến 60% trong vũ trụ.

Các chuyên gia chưa biết tại sao lại diễn ra hiện tượng đó, nhưng hiện tại họ đang tích cực tìm câu trả lời cho bí ẩn này. Có một điều chắc chắn là bức xạ vũ trụ và các điều kiện vi hấp dẫn không ảnh hưởng đến những vi khuẩn này.

Thí nghiệm đối với vi khuẩn nói trên cho thấy, những vi khuẩn được đưa vào vũ trụ có thể sống sót được sau hành trình lên mặt trăng hoặc sao Hỏa. Đây là chủ đề rất quan trọng từ góc nhìn những chuyến bay dài ngày có phi hành đoàn lên các hành tinh trong Hệ Mặt trời và xây dựng căn cứ ở đó.

Các nhà khoa học ở Cơ quan Vũ trụ Nga (Roskosmos) vừa thừa nhận rằng, các phi hành gia trong khi đi dạo trong vũ trụ đã thu thập các mẫu bụi bao phủ bên ngoài Trạm ISS. Hóa ra trong bụi đó có khá nhiều loài vi khuẩn khác nhau.

Việc nghiên cứu các vi khuẩn này không dễ, tuy vậy, sắp tới đây người Nga sẽ công bố kết quả nghiên cứu này. Các vi sinh vật có thể đã bám vào vỏ ngoài Trạm vũ trụ cùng với bụi sao chổi hoặc được đưa lên vũ trụ cùng với các phi hành gia. Bản thân hiện tượng này cho thấy vi khuẩn có thể sống ung dung trong những điều kiện đặc biệt khắc nghiệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ