(GD&TĐ) - Có nhiều thành tích về nghiên cứu vũ trụ, mới đây nhà khoa học trẻ Vũ Trọng Thư vừa được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2011. Chàng trai sinh năm 1982 "bật mí" bí quyết thành công của mình: "Đầu óc để trên mây nhưng chân phải luôn đi dưới đất..."
|
Vũ Trọng Thư trong ngày vinh danh 10 gương mặt trẻ tiêu biểu |
Khi giấc mơ có thật
Mọi việc đến với Vũ Trọng Thư bắt đầu từ mùa hè năm 1997, khi còn đang là cậu học sinh lớp 10. Lần đầu tiên, anh nhìn thấy những hình ảnh bề mặt sao Hỏa được truyền về Trái đất từ tàu thăm dò Mars Pathfinder của NASA chiếu trên TV. Hình ảnh chiếc xe tự hành tí hon Sojourner nhảy tung tăng quanh các hòn đá trên sao Hỏa đã khiến Thư rất tò mò. Anh chia sẻ: “Lúc đó tôi tự hỏi, đây là cái gì mà khiến cho hàng triệu người trên thế giới háo hức quan tâm đến như vậy và tôi thử đi tìm câu trả lời trong các cửa hàng bán sách cũ gần trường Amsterdam và dọc đường Láng. Chính các tạp chí khoa học trong và ngoài nước đã mở ra một chân trời mới, giúp tôi biết những điều thú vị về thế giới bên ngoài”. Từ chiếc kính thiên văn tự chế với độ phóng đại… 3 lần, anh tiếp tục cải tiến lên 10 lần rồi lớn hơn nữa để thỏa sức ngắm nghía hình ảnh Mặt Trăng, các hố thiên thạch, sao Mộc, sao Hỏa… Năm 2002, anh cùng bạn bè thành lập CLB Thiên văn học trên diễn đàn Trí tuệ Việt Nam online để chia sẻ tình yêu chung với bầu trời. Tốt nghiệp trường Đại học Mỏ địa chất, Thư về đầu quân cho Công ty phần mềm FPT, với công việc chính là làm phần mềm. Suốt hơn 5 năm công tác, anh không ngừng học hỏi kinh nghiệm thực tế khi làm dự án với khách hàng nước ngoài như Mỹ, Nhật. Đầu tháng 2.2008, Thư thi đạt chứng chỉ Quản trị dự án chuyên nghiệp PMP và cảm thấy tự tin hơn trước nên muốn trải nghiệm một thử thách mới là theo đuổi giấc mơ vũ trụ của mình. Thư quyết định bỏ công việc lập trình và đề nghị lãnh đạo công ty cho thành lập phòng nghiên cứu không gian Fspace để thực hiện dự án chế tạo vệ tinh nhỏ F1.
|
Vũ Trọng Thư (đứng) trong một chương trình giao lưu với các bạn trẻ yêu thiên văn học |
Điều kiện kỹ thuật của Việt Nam hiện còn hạn chế nên dự án của anh không ít lần bị mọi người nói ra nói vào là viển vông, hão huyền, nhưng Thư luôn có niềm tin vào công việc. Cuối cùng, công ty cũng đồng ý cho tiến hành dự án. Anh em trong đội Fspace vui mừng suốt mấy ngày trời nhưng liền sau đó là cảm giác bỡ ngỡ vì có quá nhiều kiến thức mới mẻ cần phải học. Khi bắt tay vào thực hiện dự án F1, anh em cứ động viên nhau tự mày mò qua Internet, từ các báo cáo khoa học của các nhóm nghiên cứu trước mình… rồi vừa học, vừa làm. Khó khăn thì rất nhiều, nhất là vấn đề kỹ thuật. Anh Thư cho biết : “Về mặt cơ khí phải đảm bảo kết cấu vệ tinh đạt độ chính xác cỡ mm, sau khi lắp ghép các chi tiết, về mặt nguồn điện phải đảm bảo vệ tinh hoạt động được trong cả vùng sáng và vùng tối, khi Trái đất che khuất mặt trời (chu kỳ sáng/tối này lặp lại liên tục 15 lần/ngày đối với quỹ đạo của F-1 sau này) hay phần mềm trên vệ tinh phải có độ tin cậy và khả năng tự động cao để chống bị treo và đối phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra trong không gian…”. Thư bảo, kinh nghiệm của anh là chia nhỏ khó khăn để tìm cách giải quyết từng phần. Phần lớn thời gian, anh sử dụng thư điện tử để trao đổi công việc, xin ý kiến tư vấn, chuyên môn với các chuyên gia trong và ngoài nước trong các lĩnh vực cơ khí, điện tử, viễn thông, vật lý…
Đường đến thành công
“Đầu óc để trên mây nhưng chân phải luôn đi dưới đất”, Thư luôn tâm niệm điều đó, khi mọi nghiên cứu khoa học vũ trụ anh đều muốn chúng được áp dụng vào trong thực tế cuộc sống. Sau khi nghiên cứu thành công việc liên lạc radio qua phản xạ bề mặt Mặt trăng với trạm radio ở Mỹ, Nga, Fspace đã vào tới chung kết cuộc thi thiết kế chùm vệ tinh nhỏ Nanasatellite Mission Idea Contest, với ý tưởng chùm vệ tinh nhỏ giám sát tàu biển. Tháng 2.2012, Fspace tiếp tục tham gia và giành giải Nhất cuộc thi thiết kế giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng châu Âu EADS tổ chức tại Việt Nam. Dường như với Thư, hành trình khám phá vũ trụ chưa lần nào khiến anh mệt mỏi hay nao núng. Khó khăn, thử thách chỉ tôi luyện thêm lòng quyết tâm của chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê ấy.
|
Mô hình vệ tinh F1 |
Bận rộn với núi công việc nhưng Thư có thói quen viết nhật ký hằng ngày vào mỗi buổi tối, điều đó giúp anh nhìn lại những công việc đã làm để rút ra bài học cho những việc làm chưa tốt và chuẩn bị cho những công việc sắp tới. Đôi khi có thời gian rảnh rỗi, Thư tìm tới những cuốn sách lịch sử Việt Nam và thế giới, bởi ở đó anh có thể tìm thấy những tấm gương lớn để học hỏi và bài học vẫn áp dụng được cho cả ngày hôm nay. Thư chia sẻ: “Tôi thường xem chương trình Discovery, Modern Marvels để hiểu biết hơn về những kỹ thuật, công nghệ mới hay thích xem cách tiếp cận vấn đề trong chương trình Myth Busters. Bình thường tôi vẫn thích lái máy bay mô phỏng trên máy tính và cũng nhờ đó, tôi đã có cơ hội khi được thực sự điều khiển một chiếc máy bay cá nhân Cessna 172 trong một chuyến đi công tác tại Minnesota, Mỹ cuối năm 2006. Đó quả là một trải nghiệm khó quên trong cuộc đời.
Hiện nay, Fspace tổ chức chương trình gửi tên và lời nhắn lên vũ trụ trên vệ tinh F1 cho tất cả mọi người quan tâm. Người gửi truy cập vào địa chỉ http://fspace.edu.vn/?page_id=31&lang=vi, sau đó điền tên, email và lời nhắn của mình. Tất cả sẽ được ghi vào một thẻ nhớ, được gắn lên trên vệ tinh F1 trước khi gửi ra nước ngoài để lắp ghép lên tên lửa đẩy và phóng lên quỹ đạo. |
Mong muốn lớn nhất của Thư hiện nay là vệ tinh F1 sẽ vượt qua được vòng kiểm tra độ an toàn bay của JAXA và được phóng thành công lên quỹ đạo trong năm 2012. Dự án thành công sẽ minh chứng cho khả năng làm chủ quy trình công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ CubeSat từ ý tưởng, thiết kế, thử nghiệm đến thuê phóng và vận hành quỹ đạo. Điều này sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam chế tạo những vệ tinh lớn hơn trong tương lai, phục vụ thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, Thư cũng mong muốn tìm được các nguồn kinh phí để có thể tiếp tục thực nghiệm chứng minh tính khả thi của đề án liên lạc tàu cá, cũng như triển khai hợp tác với các trường ĐH Nhật Bản trong dự án UNIFORM, chế tạo chùm vệ tinh nhỏ cảnh báo cháy rừng sớm. Thuộc thế hệ 8X, Thư luôn mong có thể truyền cảm hứng và năng lượng tới các bạn trẻ, khuyến khích tinh thần say mê nghiên cứu khoa học nói chung và ngành hàng không – không gian nói riêng, để góp phần đưa công nghệ vào ứng dụng trong cuộc sống. Thư chân thành chia sẻ: “Khi bắt đầu quan tâm tìm hiểu về bầu trời, lúc đó tôi chỉ có quan tâm duy nhất là làm sao chế tạo được 1 chiếc kính thiên văn nhỏ phóng đại 10 lần để có thể nhìn rõ Mặt trăng. Làm xong rồi lại muốn có 1 chiếc to hơn, phóng đại 10 lần, rồi 100 lần… Qua mỗi một lần như thế, tôi lại học thêm được một số kiến thức mới và có thêm kinh nghiệm giúp mình làm tốt hơn ở những lần sau. Đó cũng là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ: hãy luôn nuôi dưỡng những ước mơ của mình nhưng hãy bắt tay vào làm những việc vừa với sức của mình và hãy đi chắc chắn từng bước một. Đó là một cuộc hành trình dài nhưng bạn sẽ khám phá nhiều điều mới mẻ trên đường đi”.
Linh An