Vụ Su-22 rơi: Tăng thêm người nhái, nỗ lực kiếm tìm

Cùng với các lực lượng và phương tiện có mặt tìm kiếm từ 3 ngày qua, ngày 19/4, Quân chủng Hải quân tăng cường thêm 12 người nhái, 3 tàu quân sự gắn thiết bị dò tìm hiện đại bằng sóng siêu âm.

Vụ Su-22 rơi: Tăng thêm người nhái, nỗ lực kiếm tìm

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân hiện đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác công tác tìm kiếm cứu nạn.

Sở chỉ huy được lập ngay trên tàu Kiểm ngư 781 với sự phối hợp cùng của nhiều lực lượng: Biên phòng, hải quân, phòng không không quân, cảnh sát biển, đặc công, bộ đội địa phương và cả thợ lặn là ngư dân Bình Thuận.

Cùng với các lực lượng và phương tiện có mặt tìm kiếm từ 3 ngày qua, ngày 19/4, Quân chủng Hải quân tăng cường thêm 12 người nhái, 3 tàu quân sự gắn thiết bị dò tìm hiện đại bằng sóng siêu âm.

Để trục vớt vật thể được phát hiện nằm dưới đáy biển nghi là thân máy bay, Cảnh sát biển đã tăng cường thêm 1 tàu có thiết bị có khả năng cẩu trục và chứa vật thể có khối lượng lớn… Hỗ trợ các tàu tìm kiếm còn có 4 trực thăng bay trên bầu trời.

Đến 11h trưa 19/4, từ hiện trường, một số cán bộ có trách nhiệm cho biết, đã 3 ngày trôi qua, nhưng vẫn chưa có thông tin gì về 2 phi công mất tích. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn chỉ mới tìm thấy một số bộ phận nhỏ của một trong 2 máy bay Su-22 gặp nạn vào trưa 16/4.

* Ngày 18/4, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác có mặt tại hiện trường trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn vụ 2 máy bay Su-22 rơi trên vùng biển Bình Thuận.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ chỉ đạo tập trung tìm kiếm dưới đáy biển, đồng thời yêu cầu các lực lượng tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm với tinh thần khẩn trương, nỗ lực cao nhất, bằng mọi biện pháp để tìm phi công và máy bay.

Trong ngày 18/4, lực lượng hỗn hợp đã huy động 2 máy bay, 6 tàu, nhiều phương tiện máy móc cùng hằng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác tìm kiếm. Riêng Lữ đoàn Đặc công 5 (Binh chủng Đặc công) đã cử 20 chiến đấu viên, chia làm 5 kíp liên tục thay nhau lặn xuống đấy biển dò tìm. Hiện nay, do vùng biển tại khu vực máy bay rơi có mực nước khá sâu, cộng thêm dòng hải lưu chảy xiết nên đã ảnh hưởng khá lớn tới tiến độ và kết quả tìm kiếm của các lực lượng.

Cho đến 16 giờ cùng ngày, các chiến đấu viên đã phát hiện thêm và kéo lên mặt nước được 1 thùng dầu phụ, 1 khung nắp buồng lái của máy bay. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị cũng đã bắt đầu tiếp cận được 1 vật dự đoán là một bộ phận của thân máy bay đang nằm sâu dưới đáy biển.

Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cho biết, trong ngày 19-4, ngoài duy trì lực lượng và phương tiện hiện có, Quân chủng Hải quân sẽ tăng cường thêm 12 người nhái, 3 tàu gắn thiết bị dò tìm dưới đáy biển; lực lượng cảnh sát biển tăng cường 1 tầu có thiết bị kéo và chứa các vật thể nặng; lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường thêm 1 tàu; các lực lượng khác như PK-KQ, kiểm ngư, đặc công, Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận… cũng sẽ tăng cường thêm cán bộ, chiến sĩ, phương tiện tới hiện trường. Giải pháp chính sẽ là ưu tiên sử dụng người nhái, thợ lặn cùng các tàu có thiết bị chuyên dụng để rà soát, mở rộng khu vực tìm kiếm. Ngày 19-4, thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cũng sẽ tiếp tục trực tại Sở chỉ huy phía trước của lực lượng tìm kiếm hỗn hợp để chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Bên cạnh nỗ lực tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn. Những ngày qua, Quân chủng PK-KQ đã thường xuyên động viên, giúp đỡ gia đình 2 phi công gặp nạn. Bên cạnh hoạt động thăm hỏi, động viên của lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ, Trung đoàn 937 đã cử lực lượng y tế thường xuyên theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người thân của 2 phi công; chuẩn bị chu đáo nơi ăn, ở cho những người thân ở xa, động viên gia đình giữ bình tĩnh, hy vọng vào công tác tìm kiếm, cứu nạn của các lực lượng.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, lãnh đạo Quân chủng PK-KQ cho biết, hiện nay, chỉ huy đơn vị đã dự kiến và chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên ưu tiên hàng đầu vẫn là động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị an tâm tư tưởng; tập trung huy động tối đa người và phương tiện, tranh thủ thời gian, tích cực tham gia tìm kiếm, cứu nạn để sớm tìm được phi công và máy bay.

Các tàu tìm kiếm tập trung tại khu vực xác định máy bay rơi (từ phải qua trái: Tàu BP-11-19-01, tàu CSB-2009 và tàu KN-833). Ảnh Thanhnien.com.vn
Các tàu tìm kiếm tập trung tại khu vực xác định máy bay rơi (từ phải qua trái: Tàu BP-11-19-01, tàu CSB-2009 và tàu KN-833). Ảnh Thanhnien.com.vn
Theo Báo Điện tử Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ