Vũ khí nguy hiểm

Vũ khí nguy hiểm

(GD&TĐ) - Mới đây các phương tiện truyền thông thế giới đều đưa tin về việc phiến quân Syria sử dụng vũ khí hóa học (sarin). Mặc dù ngay sau đó có những ý kiến nghi ngờ về việc công khai sử dụng một trong những loại khí độc đã bị cấm, nhưng trên thế giới vẫn xuất hiện mối lo ngại về vấn đề này.

Giống như bom hạt nhân, vũ khí hóa học và sinh học được xếp vào danh sách các loại vũ khí sát thương hàng loạt. Tuy nhiên, khác với vũ khí hạt nhân, hai loại vũ khí sinh học và hóa học có thể  sản xuất dễ dàng từ các nguyên liệu trong tự nhiên hoặc nguyên liệu đang được sử dụng hàng ngày.

Các trường hợp sử dụng vũ khí sinh học đã được ghi nhận từ thời Trung cổ. Vào năm 1346, quân Tatar khi tấn công thành Theodosia trên bán đảo Krym đã dùng máy bắn đá quăng xác người chết vì bệnh đậu mùa vào thành, gây ra dịch đậu mùa khủng khiếp cho dân chúng.

Vào năm 1763, tướng Jeffrey Amherst (Anh) đã cung cấp các tấm chăn có dính virus đậu mùa cho bộ lạc da đỏ ở Delaware, khiến hàng chục người bị chết. Quân đội Pháp và Mỹ cũng dùng cách tương tự để tiêu diệt người bản địa. Vào năm 2001, một nhà khoa học Mỹ đã gửi các bức thư có chứa vi khuẩn bệnh than, làm 22 người bị lây nhiễm và 5 người chết. Nước Mỹ khi đó rơi vào tình trạng hoảng loạn, thiệt hại về kinh tế lên tới hàng triệu USD.

Bản chất sát sinh

Vũ khí sinh học có thể được sản xuất bằng cách sử dụng các loại virus hoặc vi khuẩn đang sống trong tự nhiên. Cùng với sự phát triển của sinh học, đặc biệt là di truyền học, các nhà khoa học đã có được các công cụ tuyệt vời để tạo ra các biến thể mầm bệnh ngày càng độc hại.

Năm 2005, tiến sĩ Jeffrey Taubenberger (Mỹ) đã tái tạo được virus cúm gọi là “cúm Tây Ban Nha”- loại virus gây ra đại dịch làm chết gần 20 triệu người vào năm 1918. Hiện nay vũ khí sinh học được chế tạo trong các phòng thí nghiệm đặc biệt, sử dụng công nghệ gen đối với các biến thể mầm bệnh tương ứng. Bằng cách đó các căn bệnh do virus gây ra có diễn biến phức tạp hơn, thường kết thúc bằng cái chết của nạn nhân và trơ lì trước thuốc điều trị.

 

Ngoài căn bệnh than đã nói ở trên, một thứ vũ khí rất phổ biến là bệnh đậu mùa. Căn bệnh này từng được coi là đã diệt trừ (diệt dứt điểm trên thế giới) vào năm 1980; vì vậy trong hoàn cảnh chỉ còn lượng vac xin không lớn, những cuộc tấn công tiềm tàng bằng bệnh đậu mùa có thể gây chết người hàng loạt.

Một căn bệnh khác, được sử dụng làm vũ khí sinh học là dịch hạch. Trong thời gian chiến tranh lạnh, người ta đã nghĩ ra công nghệ nuôi dưỡng vi khuẩn gây bệnh dịch hạch trong bình phun. Cũng cần  nhắc đến dạng vũ khí nữa, đó là độc tố botulinum toxin do vi khuẩn Clostridium botulinum sinh ra. Chỉ một lượng nhỏ chất độc này cũng có thể gây ra liệt và dẫn dến tử vong.

Vũ khí hóa học

Vũ khí hóa học được sử dụng lần đầu tiên trong thời gian Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Năm 1915, quân đội Đức sử dụng Clo, sau đó là lưu huỳnh mù tạt, còn gọi là khí mù tạt. Vũ khí hóa học của quân đồng minh trong Chiến tranh thế giới lần hai là những quả đạn pháo mang khí phosgene. Kể từ thời gian đó cho đến nay chỉ có nhà độc tài Saddam Hussein sử dụng vũ khí hóa học trên diện rộng trong chiến tranh Iraq- Iran, tiêu diệt lính Iran bằng khí mù tạt. Hussein cũng sử dụng một loại khí độc khác là sarin để chống lại những chiến binh người Kurd.

Cho đến nay cũng chỉ mới có một vụ khủng bố bằng vũ khí hóa học. Vào năm 1995, các thành viên của tổ chức tôn giáo “Chân lý tối thượng” ở Nhật Bản đã phun chất sarin vào hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo, làm 13 người chết.

Nguy cơ tiềm ẩn

Tuy nhiên việc sử dụng các loại khí truyền thống có một số hạn chế. Trong trường hợp một đội quân di chyển nhanh, vũ khí hóa học có thể trở thành kẻ thù của chính những người lính đang sử dụng nó. Vì lý do đó, trong các phòng thí nghiệm bí mật, giới quân sự đã bắt đầu nghiên cứu các chất khác, có hiệu quả sát thương nhiều hơn.

Trong thời gian chiến tranh lạnh, công việc nghiên cứu trở nên khẩn trương hơn. Các nhà khoa học tập trung vào việc sản xuất sarin và các hóa chất khác có tác dụng làm tê liệt hệ thần kinh.

Mặc dù sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, các cường quốc đã cam kết loại bỏ các kho vũ khí hóa học và sinh học, nhưng sự dễ dàng trong sản xuất các loại vũ khí này luôn khiến cho chúng trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Tuấn Sơn

(Theo báo nước ngoài)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ