Theo báo Dân Việt, sáng 23/11, đại diện Viện KSND TPHCM cho biết, cơ quan này vừa trả hồ sơ, tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung vụ án liên quan đến Trương Hồ Phương Nga (Sinh năm 1987, quê Hà Nội) và Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1987) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Như báo An ninh thủ đô đã đưa tin trước đó, Phương Nga theo gia đình sang Nga định cư lúc 12 tuổi. Năm 2007, sau khi đăng quang Hoa hậu người Việt trong một cuộc thi sắc đẹp tại Nga, cô về Việt Nam sinh sống.
Trở về nước, trong vai trò MC truyền hình, diễn viên, người mẫu, hoa hậu Phương Nga tiếp xúc với nhiều doanh nhân, đại gia; trong đó có ông C.T.M, một doanh nhân ở quận 7 (TPHCM).
Phương Nga rỉ tai ông M là mình có mối quen biết, mác hoa hậu nên có thể mua nhà giá rẻ hơn so với giá thị trường.
Ban đầu Phương Nga dụ ông M đưa 6 tỷ đồng cho Nga để mua 1 căn nhà ở quận 5. Một thời gian, không thấy hoa hậu đề cập đến chuyện nhà cửa, ông M có nhắc thì Phương Nga trình bày, nhà nói trên đã có người mua và tiếp tục khuyên dụ ông M mua một căn nhà ở quận 2 có giá trị 20 tỷ đồng.
Phương Nga nói, căn nhà này nhờ vào mối quan hệ mà cô có thể mua với giá chỉ 16,5 tỷ đồng. Sập bẫy, ông M. đưa thêm cho Phương Nga 544 triệu đồng để thực hiện giao dịch.
Sau đó Phương Nga lại nói với ông M chuyển sang mua căn nhà trên đường Nguyễn Trãi (quận 1) cũng với giá 16,5 tỉ đồng. Phương Nga đã đưa ra một số giấy tờ thể hiện các bước đầu trong việc mua - bán căn nhà. Ông M tin tưởng chuyển thêm cho Phương Nga 10 tỷ đồng; tổng cộng hoa hậu đã nhận của đại gia hơn 16,5 tỷ đồng.
Tiền đã chuyển nhưng nhà thì không nhận được, ông M liên tục gọi điện cho Phương Nga nhưng cô này đều trốn tránh. Ông M tự điều tra, phát hiện giấy tờ buôn bán nhà của Phương Nga đưa cho mình là giả mạo nên đã yêu cầu hoa hậu trả lại số tiền 16,5 tỉ đồng.
Phi vụ lừa đảo của người đẹp bị bại lộ, Phương Nga phối hợp với bạn mình là Nguyễn Đức Thùy Dung làm giả giấy tờ nhằm mục đích chứng minh đã trả lại số tiền 16,5 tỉ đồng cho ông M.
Sau khi ông M tố cáo hoa hậu, cơ quan CSĐT vào cuộc, giám định số giấy tờ trên là giả nên đã bắt ra quyết định bắt khẩn cấp Phương Nga và Thùy Dung.
Cũng theo báo Dân Việt, Trương Hồ Phương Nga và đồng phạm bị VKS truy tố theo khoản 4 điều 139 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm, tù chung thân.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử ngày 21/9, Nga khai nhận rằng số tiền 16,5 tỷ đồng ông C.T.M chuyển khoản cho mình không phải để mua nhà như cáo trạng.
Số tiền này là thỏa thuận giữa ông M. và Nga về việc cả hai sẽ có mối quan hệ tình cảm trong 7 năm. Cả hai bắt đầu mối quan hệ tình cảm (có hợp đồng, Nga có in dấu vân tay) vào năm 2012. Nga khai nhận thêm, lúc làm hợp đồng ông M. còn bắt mình phải đưa chứng minh thư để kiểm tra lại thông tin cá nhân.
Bị cáo cũng cho rằng cả hai thường xuyên gặp nhau, đi du lịch khi còn quan hệ tình cảm. Cả hai giữ mối quan hệ tình cảm nói trên đến năm 2015 thì chấm dứt vì xảy ra mâu thuẫn, ông M. đòi tiền lại, Nga khai nhận thêm.
Khi tham gia phần xét hỏi, ông M. khẳng định chỉ có mối quan hệ làm ăn với Nga. Việc chuyển tổng cộng 16,5 tỷ đồng là để mua nhà. Nhưng khi hỏi về những ngôi nhà Nga định giới thiệu cho M. mua, thì M. không biết rõ về thông tin cụ thể.
Thậm chí khi hỏi về bất động sản được Nga giới thiệu mua ở quận 2, M. nói chỉ biết thông qua…google map. Bởi tin tưởng Nga nên chỉ chuyển tiền qua tài khoản, không tới tận nơi xem nhà, ông M. khai nhận tại tòa.
Lời khai về “hợp đồng tình dục” (bị cáo Dung cho biết đã xem và cho biết tên hợp đồng này) của Nga là tình tiết mới, khác với lời khai của ông M., nội dung vụ án. Sau khi hội ý, HĐXX cho trả hồ sơ, điều tra bổ sung, làm rõ các tình tiết này.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".
Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo