Vụ CSGT Đồng Nai tố cấp trên bảo kê xe tải: Đội phó “chỉ xin giùm”, đội trưởng “tôi là nạn nhân”

GD&TĐ - Trao đổi với Báo GD&TĐ, Đại tá Văn Quyết Thắng - Phó Giám đốc phụ trách điều hành Công an tỉnh Đồng Nai xác nhận công an tỉnh đang làm rõ việc cán bộ cảnh sát giao thông tố cáo 2 lãnh đạo đội, phòng bảo kê xe tải.

Đại tá Văn Quyết Thắng. Ảnh: IT
Đại tá Văn Quyết Thắng. Ảnh: IT

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường cho biết, sau khi nắm thông tin, đã có văn bản yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh làm rõ và báo cáo. “Nếu đúng có hành vi bao che cho xe sai phạm thì cương quyết xử lý theo quy định của ngành, của pháp luật”, ông Cường nói.

Vẫn đi làm vì chưa kết luận… sai phạm

Xác nhận với báo chí, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho hay đã nhận được đơn tố giác của 2 sĩ quan công an đang công tác ở Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh tố giác cấp lãnh đạo ở đội và phòng “bảo kê”, can thiệp, không cho xử lý xe quá tải trên quốc lộ.

Theo diễn biến vụ việc, đoạn clip ghi lại hình ảnh tổ công tác của CSGT Đồng Nai không thể xử lý xe vi phạm, phải “cho đi đi”, vì “xe đã gửi đội”, “xe của sếp lớn”… lan truyền trên mạng (ngày 23/11) đã tạo sự bất bình trong dư luận. Đây được xem như một bằng chứng nữa cho thấy tình trạng tiêu cực trong lực lượng CSGT tỉnh Đồng Nai ngày càng lộ rõ.

Thông tin trên báo chí, Trung tá Phạm Hải Cảng - Đội trưởng Đội CSGT số 2, người được xác định có gọi điện đến cấp dưới để xin cho xe vi phạm - nói: “Khi tôi gọi điện thoại, tôi nói nếu giải quyết được thì cho đi, còn không xử lý bình thường chứ em không muốn dính đến cái này... Tôi gọi cho anh em nhờ giải quyết nhưng không ngờ bị ghi âm lại. Tôi nghĩ, tôi là nạn nhân và tôi chịu trách nhiệm mọi cái...”.

Qua xác minh âm giọng nói can thiệp để thả xe “sếp lớn” trên quốc lộ 20, Trung tá Phan Cẩm Tú - Đội phó Đội CSGT số 1 trả lời báo chí nói: “Tôi chẳng có sếp lớn nào cả. Trong cuộc sống, tôi cũng có những mối quan hệ, cũng có điện thoại xin nhưng chẳng nhớ ngày nào, tháng nào, xe nào. Anh em nhờ giúp mình giúp được thì giúp, không được thì thôi. Tôi cũng xin giùm thôi. Không giải quyết được thì thôi chứ...”.

Liên quan đến công việc của hai nhân sự bị tố cáo là Đội trưởng Đội CSGT số 2 và Đội phó Đội CSGT số 1, Đại tá Văn Quyết Thắng cho biết: “Hiện chúng tôi đang tiến hành thanh tra xử lý nên chưa thể kết luận, vì cũng mới nghe một chiều. Có thông tin là chúng tôi cung cấp cho báo chí ngay, không bao che. Vi phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó. Hai đồng chí đội trưởng và đội phó vẫn đi làm bình thường vì hiện chưa có kết luận sai phạm”.

Bị CSGT dừng xe xử lý vi phạm, nhiều tài xế gọi điện, sau đó các sếp ở đội CSGT số 1, số 2 gọi điện đề nghị cho xe vi phạm đi mà không bị xử lý. Ảnh cắt từ clip
 Bị CSGT dừng xe xử lý vi phạm, nhiều tài xế gọi điện, sau đó các sếp ở đội CSGT số 1, số 2 gọi điện đề nghị cho xe vi phạm đi mà không bị xử lý. Ảnh cắt từ clip

Đã có hành vi phạm luật?

Theo Luật sư Lê Ngọc Luân (Đoàn Luật sư TPHCM), đây là sự việc nghiêm trọng. Nó liên quan đến việc CSGT thực hiện việc bảo kê sai phạm đối với các xe chở quá khổ. Điều này ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng, sức khỏe của người đi đường.

Về quy trình, ông Lê Ngọc Luân cho rằng, lẽ ra người tố cáo phải báo cáo và có đơn gửi CQĐT có thẩm quyền để xem xét xử lý. Vì việc này có dấu hiệu về tội nhận hối lộ và đưa hối lộ để thực hiện bảo kê.

Về thông tin, hai đương sự bị tố cáo là đội trưởng và đội phó vẫn đi làm bình thường, LS Luân cho rằng, nếu có chứng cứ và người bị tố cáo thừa nhận hành vi, dù chưa biết có nhận tiền hay không, tuy nhiên đây là hành vi pháp luật nghiêm cấm. “Không thể để tình cảm nào can thiệp vào việc công.

Việc thực hiện xin xỏ này đã có chứng cứ. Theo quan điểm của tôi, phía lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai vẫn để hai người tiếp tục công việc là không ổn về pháp lý. Những người tố cáo có ghi âm và 2 lãnh đạo phòng, đội đã thừa nhận đứng ra can thiệp xin xỏ. Do đó, đã có hành vi phạm luật” - LS Luân bày tỏ.

Thời gian qua, giới lái xe tải, xe khách vẫn truyền tai nhau về CSGT Đồng Nai với đủ kiểu “làm luật” như: Kiểu “tiếp thị sữa”, kiểu bắn tốc độ, đặt bẫy lái xe, làm luật giá cao…

Đồng thời, Công an tỉnh Đồng Nai bị dính tới những vụ đình đám như: Vụ Đại úy Ngô Văn Vinh thuộc Trạm CSGT Suối Tre dùng súng bắn chết Trạm phó - Thiếu tá Trần Ngọc Sơn và làm bị thương một cán bộ khác (2013); vụ ông Võ Đình Thường tổ chức “làm luật” trên các tuyến đường do trạm CSGT Dầu Giây (nơi ông Thường là Trưởng trạm) quản lý.

Sau đó bị kỷ luật vì nhận hối lộ, “làm luật”, bị điều chuyển, nhưng rồi ông Võ Đình Thường vẫn được đưa về lại với lực lượng CSGT Đồng Nai, làm đến chức Phó phòng CSGT và mang quân hàm Thượng tá.

Cùng với đó là nhiều sai phạm trong lực lượng Công an tỉnh Đồng Nai nói chung, lực lượng CSGT Đồng Nai nói riêng, khiến một loạt lãnh đạo cấp cao của Công an tỉnh bị kỷ luật, người thì cách chức, người bị giáng chức, người bị cảnh cáo.

Sau vụ hàng loạt lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Nai bị trảm vào tháng 9, tháng 10/2019 vừa qua, những tưởng sẽ có những bài học đắt giá được rút ra, xử lý kịp thời những ung nhọt. Tuy nhiên, khi xem đoạn clip lan truyền trên mạng thì dường như sự việc chưa có hồi kết thúc.

Bộ Công an vào cuộc
Liên quan đến vụ việc, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo, giao các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ; báo cáo trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương xác minh, phối hợp, xử lý vấn đề này; nếu phát hiện cán bộ, chiến sĩ sai phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và quy định của lực lượng Công an nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ