Vụ bê bối của Tổng thống Hàn Quốc ngày càng rối rắm

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 28-2 bị xác định là một nghi phạm tham nhũng, trong khi Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong và 4 quan chức hàng đầu của tập đoàn chính thức bị kết tội. 

Vụ bê bối của Tổng thống Hàn Quốc ngày càng rối rắm

Trong khi đó, bất chấp việc quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn quyết định không gia hạn cuộc điều tra về vụ bê bối, các đảng đối lập tại Hàn Quốc đề nghị Chủ tịch Quốc hội trực tiếp tổ chức bỏ phiếu cho phép kéo dài thời hạn cuộc điều tra. Tình hình chính trị tại Hàn Quốc đang rối rắm hơn bao giờ hết. 

Vu be boi cua Tong thong Han Quoc ngay cang roi ram - Anh 1

Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong (giữa) bị bắt từ ngày 17-2. Ảnh: AFP

Cấu kết nhận hối lộ

Theo người phát ngôn của nhóm công tố viên đặc biệt Lee Kyu-chul, Tổng thống Park đã câu kết với người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil để nhận hối lộ từ Tập đoàn Samsung. Các công tố viên nhà nước sẽ quyết định có nên tiếp tục điều tra hay không bởi thời hạn điều tra của nhóm công tố viên đặc biệt đã kết thúc trong ngày 28-2. Bà Park sẽ không phải đối mặt ngay lập tức với các lời buộc tội nhờ những quy định về việc tổng thống đương nhiệm được miễn trừ truy tố.

Hiện bà Park đang chờ đợi phán quyết của Tòa án Hiến pháp về tính hợp pháp của việc Quốc hội thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống vào tháng 12-2016. Hôm 27-2, Tòa án Hiến pháp đã tổ chức phiên điều trần cuối cùng về vấn đề này song không có sự tham gia của Tổng thống Park. Tòa không tuyên bố khi nào ra phán quyết nhưng theo thông lệ, quyết định có thể được công bố trong 2 tuần kể từ phiên luận tội cuối cùng.

Phó Chủ tịch Samsung chính thức bị kết tội

Nhóm công tố viên đặc biệt cùng ngày chính thức kết tội Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-Yong về hàng loạt các tội danh, bao gồm hối lộ và tham ô, che giấu tài sản ở nước ngoài cũng như khai man trước tòa. Theo cáo buộc của Nhóm công tố viên đặc biệt, ông Lee đã đưa hối lộ khoảng 43 tỷ won (36,3 triệu USD) cho bà Choi để đổi lấy sự ủng hộ của chính phủ trong vụ sáp nhập 2 chi nhánh Samsung trong năm 2015.

4 lãnh đạo cấp cao của Samsung cũng bị truy tố các tội hối lộ, tham ô và che giấu tài sản ở nước ngoài, gồm: Phó Chủ tịch Choi Gee-sung và Tổng Giám đốc Chang Choong-ki của Tập đoàn Samsung, cùng Tổng Giám đốc Park Sang-jin và Phó Tổng giám đốc Hwang Sung-soo của Samsung Electronics. 4 người này sẽ bị xét xử mà không bị giam giữ.

Chính trị rối ren

Trong khi đó, các đảng đối lập tại Hàn Quốc vẫn đang tìm cách luận tội quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn sau khi nhà lãnh đạo này không chấp nhận gia hạn cho nhóm công tố viên độc lập điều tra vụ bê bối. Đảng Hàn Quốc Tự do cầm quyền gọi đây là "âm mưu chính trị". Họ cho rằng, "các đảng đối lập đang tìm cách đưa tình trạng vô chính phủ trở lại Hàn Quốc".

Ngày 28-2, các đảng đối lập quyết định đề nghị Chủ tịch Quốc hội Chung Sye-kyun bỏ phiếu về một dự luật cho phép kéo dài thời hạn điều tra về vụ bê bối liên quan đến Tổng thống Park. Tuy nhiên, tại cuộc gặp với đại diện tại Quốc hội và lãnh đạo các đảng đối lập gồm Dân chủ, Công lý, Nhân dân và đảng Bareun theo đường lối bảo thủ, Chủ tịch Chung nhấn mạnh, rất khó có thể kéo dài thời hạn điều tra bởi động thái này có thể làm tình hình thêm hỗn loạn. Ông cũng cho biết, việc kéo dài thời hạn điều tra khó có thể đạt được nếu đảng Hàn Quốc Tự do cầm quyền không thay đổi được lập trường vốn kiên quyết phản đối việc này. Đặc biệt, ông Chung còn đề cập đến thực tế dù đề nghị kéo dài thời hạn điều tra được thông qua thì quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn vẫn có thể dùng quyền phủ quyết.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc cũng bày tỏ quan ngại rằng sự căng thẳng chính trị liên quan đến vụ luận tội đang leo thang lên "mức độ nguy hiểm", đồng thời kêu gọi mọi người bình tĩnh và đoàn kết trong bối cảnh xã hội bị chia rẽ mạnh như hiện nay.

Theo CAĐN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ