Vụ án ly hôn vợ chồng cà phê Trung Nguyên: Viện KSND tối cao kháng nghị hủy án

Vụ án ly hôn vợ chồng cà phê Trung Nguyên: Viện KSND tối cao kháng nghị hủy án

Kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm của TAND hai cấp về phần hôn nhân và chia tài sản chung giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Đề nghị hủy án phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm

Ngày 3/4, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho hay đã nhận được quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND tối cao đối với bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 39/2019 ngày 5/12/2019 của TAND cấp cao tại TPHCM.

Theo đó, Viện KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xử giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm trên và bản án sơ thẩm ngày 27/3/2019 của TAND TPHCM về phần hôn nhân và chia tài sản chung. Đồng thời, kháng nghị cũng đề nghị giao hồ sơ cho TAND TPHCM xét xử sơ thẩm lại từ đầu.

Quyết định kháng nghị do ông Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao ký dài 14 trang, cho rằng bản án phúc thẩm trên và bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Cụ thể, tòa phúc thẩm không đình chỉ đối với các yêu cầu phản tố về việc chia tài sản chung là bất động sản, tài sản gửi ngân hàng… mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã rút là vi phạm nghiêm trọng Khoản 2, Điều 244, Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đồng thời, theo kháng nghị các chứng thư thẩm và báo cáo kết quả thẩm định giá đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên phát hành ngày 25/6/2018, đến ngày xét xử sơ thẩm là 20/2/2019 là đã đều hết hiệu lực. Tuy nhiên, sau xử sơ thẩm nguyên đơn kháng cáo, tòa phúc thẩm đã không định giá lại theo quy định mà vẫn lấy kết quả thẩm định giá hết hiệu lực để chia tài sản cho các bên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ngoài ra, kháng nghị của Viện KSND tối cao cũng cho rằng, tòa sơ thẩm và phúc thẩm không xác minh để đưa những người đang quản lý các bất động sản vào tham gia tố tụng nhằm giải quyết triệt để vụ án là vi phạm.

Một khía cạnh khác, trong các tài khoản tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam có tên ông Lê Hoàng Văn nhưng tòa án hai cấp không làm rõ nguồn gốc số tiền (1.400.269 GBD và 7.350.000 USD). Tòa hai cấp không làm rõ quá trình quản lý, sử dụng, tài sản hiện tại còn bao nhiêu, ai là người quản lý… mà vẫn xác định là tài sản chung của vợ chồng và chia cho bà Thảo số tiền này là không đúng.

Bên cạnh đó, kháng nghị của Viện KSND tối cao cũng cho rằng, việc tòa hai cấp xem xét việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của vợ chồng là cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên chia cho ông Vũ phần nhiều hơn, chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị cổ phần trong tập đoàn là không bảo đảm quyền lợi của bà Thảo…

Căn cứ những dẫn chứng, phân tích trên, Viện KSND tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm.

Cáo buộc có nhiều điểm vi phạm nghiêm trọng

Một diễn tiến khác, trước đó, Viện KSND tối cao đã có quyết định gửi đến các bên liên quan trong vụ án yêu cầu hoãn thi hành án về phần tài sản vụ tranh chấp ly hôn của vợ chồng cà phê Trung Nguyên. Tuy nhiên, quyết định của Viện KSND tối cao ban hành ngày 10/3 nhưng tới ngày 14/3 mới tới các bên liên quan. Trong khi đó, phía ông Vũ đã chủ động nộp hơn 1.220 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án trước một ngày nhận quyết định hoãn thi hành án…

Trong đơn gửi Viện KSND tối cao yêu cầu hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm và xét xử giám đốc thẩm, bà Diệp Thảo cáo buộc “những nội dung mà bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên có nhiều điểm vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Đặc biệt là tước bỏ các quyền về tài sản của bà Thảo với tư cách là cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty trực thuộc đã gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn”.

Đồng thời, phía bà Thảo cáo buộc, bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TPHCM lại một lần nữa tiếp tục lặp lại những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, về nội dung, về sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, thậm chí là cả hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ, kết quả vụ án… đặc biệt là tước đoạt quyền được nhận tài sản mà bà đang thực hiện hoạt động kinh doanh. Cụ thể như, ngay trước thời điểm mở phiên tòa phúc thẩm, ngày 2/12/2019, đại diện ủy quyền của bà Thảo đã có gửi Đơn đề nghị thay đổi thẩm phán Nguyễn Hữu Ba và Phan Đức Phương, vì lý do 2 thẩm phán này đã từng tham gia giải quyết và ban hành Quyết định phúc thẩm số 1 ngày 7/1/2019 để giải quyết liên quan đến Quyết định tạm đình chỉ của vụ án này, theo đó không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

“Trong ngành có tới hàng trăm thẩm phán, nhưng hội đồng này lại có tới 2 thẩm phán đã từng nhiều lần xử thua cho bà Thảo trong các vụ việc tranh chấp trước đây. Trường hợp này, “rõ ràng có căn cứ họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ”, được quy định tại Khoản 3 Điều 52, Khoản 1 Điều 53 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó 2 thẩm phán này “phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi”. Nhưng họ không những không từ chối, mà còn cố tình cho rằng trường hợp này không thuộc Khoản 3 Điều 53 Bộ luật Tố tụng dân sự để Hội đồng xét xử do thẩm phán Nguyễn Hữu Ba – chủ tọa phiên tòa, không chấp nhận Đơn đề nghị thay đổi thẩm phán của nguyên đơn là hoàn toàn trái pháp luật” - đại diện phía bà Thảo cho biết.

Từ đó, đại diện phía bà Thảo cáo buộc vụ án được giải quyết không vô tư, không khách quan trong quá trình xét xử phúc thẩm. “Do đó, Hội đồng xét xử đã có những nhận định, đánh giá, áp dụng pháp luật và ra một bản án phúc thẩm sai bản chất sự việc, vi phạm pháp luật, vừa thiếu chặt chẽ, vừa thiên lệch cho ông Vũ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp cho phía bà Thảo” - đại diện phía bà Thảo đưa ra nhận xét.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ