Vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme: Vén màn “bí mật thế kỷ”

Vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme: Vén màn “bí mật thế kỷ”

Như nhiều lần khác, ông không đưa theo vệ sĩ để sống như những người bình thường và chính điều này đã dẫn đến một trong những bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20.

Tiếng súng chấn động thế giới

Vào đêm định mệnh, một người đàn ông mặc chiếc áo khoác màu đen đột ngột xuất hiện. Hắn bám theo hai vợ chồng thủ tướng đang rảo bước trên con phố Sveavagen hướng về phía ga tàu điện ngầm. Lúc 23 giờ 21 phút, tên này bước nhanh và bất ngờ đặt một tay lên vai ông Palme, còn tay kia rút súng bắn một phát vào phía sau ông. Hắn quay sang nã thêm một viên đạn về phía vợ ông là bà Lisbeth Palme, rồi chạy vọt lên bậc thang nối với con đường phía trên để tẩu thoát.

Vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme: Vén màn “bí mật thế kỷ” ảnh 1
Hiện trường vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme. Ảnh: Sipa

Đám đông trên phố Sveavagen đang đi lại giữa các quán bar và nhà hàng lập tức chạy lại phía người đàn ông vừa đổ gục xuống sau những tiếng súng nổ. Họ bàng hoàng khi nhận ra nạn nhân chính là vị thủ tướng và máu từ người ông chảy loang ra thành vũng.

Chỉ 6 phút sau khi bị bắn, Thủ tướng Palme được đưa tới bệnh viện gần nhất. Tuy nhiên, ngay trong đêm đó Thụy Điển thông báo ông không thể qua khỏi do vết thương quá hiểm. Theo các chuyên gia pháp y, viên đạn đã phá nát tủy sống khiến vị thủ tướng qua đời ngay lập tức khi còn chưa kịp gục xuống đất. Tin tức về vụ ám sát nhanh chóng loang ra khắp thế giới gây ra cú sốc lớn vào thời đó.

Cuộc điều tra dài kỷ lục

Vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme: Vén màn “bí mật thế kỷ” ảnh 2
Thủ tướng Olof Palme và vợ Lisbeth Palme thường xuất hiện giản dị bên nhau. Ảnh: AP

Có 20 nhân chứng nhìn thấy tay súng nhưng hết cuộc điều tra này đến cuộc điều tra khác đều không thể làm sáng tỏ kẻ nào là thủ phạm vụ ám sát. Trong 34 năm qua, có hơn 10.000 người được thẩm vấn và hồ sơ vụ án đã chiếm tới 250 mét giá tài liệu tại trụ sở cảnh sát quốc gia Thụy Điển, khiến đây trở thành vụ điều tra án mạng có lượng hồ sơ lưu trữ lớn nhất thế giới.

Nhưng chính cảnh sát Thụy Điển được cho là đã mắc phải những lỗi sơ đẳng trong điều tra hiện trường dẫn đến khó khăn sau này. Họ không phong tỏa nơi xảy ra vụ nổ súng một cách chặt chẽ, khiến người dân dễ dàng tiến gần vũng máu để đặt hoa tưởng niệm. Đám đông đi lại còn xóa mất nhiều dấu vết quan trọng về thủ phạm như các dấu chân của tay súng tại hiện trường.

Thậm chí, viên đạn thứ hai bắn sượt qua người vợ ông Palme phải hai ngày sau mới được một người qua đường tìm thấy. Ngoài ra, hàng loạt nghiệp vụ khác như việc truy lùng khẩn cấp trên diện rộng đã không được triển khai kịp thời giúp thủ phạm dù được nhiều người nhìn thấy vẫn biến mất tăm.

Vụ ám sát Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme: Vén màn “bí mật thế kỷ” ảnh 3
Hàng nghìn người tham dự lễ tang ông Olof Palme. Ảnh: Getty Image

Ông Palme có nhiều kẻ thù chính trị và cái chết của ông dẫn đến vô số thuyết âm mưu, trong đó đều chung một nhận định là tay súng hành động một mình. 17 ngày sau vụ ám sát, nghi phạm đầu tiên bị bắt là một thành viên nhóm cánh hữu từng nhiều lần chỉ trích ông Palme. Nhưng người này nhanh chóng được thả vì không có bằng chứng buộc tội.

Đến năm 1988, một nghi phạm quan trọng khác có tên Christer Pettersson bị bắt và chính bà Lisbeth Palme sau đó nhận diện đây là thủ phạm. Nhưng người này cũng được thả sau gần một năm vì không đủ bằng chứng và nhận một khoản tiền đền bù. Pettersson sau đó được báo chí săn đuổi và trở thành người nổi tiếng trước khi qua đời năm 2004.

Đặc biệt, trong số các nghi phạm có Stig Engstrom, một nhân viên thiết kế đồ họa cho Công ty bảo hiểm Skandia, người đã bị chuyển từ vai trò là một nhân chứng trở thành người bị thẩm vấn vì tình nghi đứng sau vụ ám sát. Ông này đã tự tử năm 2000 ở tuổi 66 sau khi được cảnh sát thả ra và liên tục phủ nhận mọi cáo buộc.

Cuộc điều tra dai dẳng về cái chết của Thủ tướng Palme đã trở thành nối ám ảnh của đất nước Thụy Điển. Năm 2010, Thụy Điển còn phải sửa đổi luật giới hạn thời gian trong các vụ án mạng để các nhà điều tra có thể tiếp tục truy tìm thủ phạm vụ ám sát ông Palme đến khi nào tìm ra thì thôi.

Bước ngoặt lịch sử năm 2020

Sau 34 năm, ngày 11/6/2020 vừa qua, công tố viên trưởng Thụy Điển Krister Petersson bất ngờ công bố đã tìm ra thủ phạm vụ ám sát Thủ tướng Olof Palme, đó chính là nghi phạm Stig Engstrom năm xưa. Tuy nhiên, do người này đã chết nên cơ quan điều tra Thụy Điển không thể buộc tội và quyết định kết thúc cuộc điều tra.

Ban đầu, Stig Engstrom được xác nhận là một trong 20 nhân chứng đã nhìn thấy tay súng. Theo công tố viên trưởng Petersson, thủ phạm Engstrom được xác định do nhiều chứng cứ khác nhau, trong đó có số liệu thu thập từ Công ty bảo hiểm Skandia cho thấy người này đã bước ra khỏi văn phòng lúc 23 giờ 19 phút vào đêm 28/2/1986, hai phút trước khi Thủ tướng Palme bị bắn ở góc tòa nhà văn phòng này.

Engstrom cũng từng là cựu quân nhân có quan điểm phản đối các chính sách của ông Palme, sử dụng súng thành thạo. Cảnh sát cũng phát hiện người này có quen biết với một nhà sưu tập súng và cảnh sát đã tìm thấy một khẩu súng trong bộ sưu tập của ông này có thể đã được sử dụng trong vụ ám sát.

Ngoài ra, Engstrom vào đêm xảy ra vụ ám sát đã mặc bộ trang phục khớp với mô tả của nhân chứng về tay súng như áo khoác màu đen, đeo kính và đi giày kiểu công sở. Sau khi bị đưa vào diện nghi phạm, Engstrom từng nhiều lần thay đổi lời khai khiến các công tố viên tin rằng người này đã nói dối để chối tội. Cảnh sát năm xưa đã thả Engstrom sau một thời gian điều tra vì không tìm được bằng chứng trực tiếp. Công tố viên trưởng Kristen Petersson bình luận về quyết định đó của cảnh sát là "không thể giải thích nổi".

Đánh giá về sự kiện khép lại cuộc điều tra hôm 11/6, Thủ tướng đương nhiệm Thụy Điển Stefan Lofven cho rằng việc các công tố viên tìm ra thủ phạm vụ ám sát năm 1986 có ý nghĩa rất quan trọng, giúp làm lành một vết thương dai dẳng của đất nước. Tuy nhiên, nhiều người được cho là vẫn chưa thực sự được giải tỏa khi mà các chứng cứ buộc tội chỉ mang tính gián tiếp, còn thủ phạm thì đã qua đời từ lâu và cũng chưa từng nhận tội khi còn sống.

Thủ tướng Olof Palme (1927 - 1986) đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Thụy Điển trong hai nhiệm kỳ 1969 - 1976 và 1982 - 1986. Ông được đánh giá là người đã đóng vai trò quyết định trong việc kiến tạo đất nước Thụy Điển hiện đại. Trên trường quốc tế, ông là tiếng nói nổi bật phản đối nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, vận động chống phổ biến vũ khí hạt nhân và đặc biệt từng xuống đường tuần hành phản đối cuộc chiến tranh tại Việt Nam.

Theo Guardian, New York Time

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ