Quản lý tâp thể quyền sao chép tác phẩm, cụ thể là sao chép dưới hình thức sao chụp và sử dụng số, sau khi tác phẩm đã được xuất bản dưới hình thức ấn phẩm hoặc số hóa.
Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, hiện quyền độc quyền của tác giả, tác phẩm phi hư cấu bị xâm phạm nhiều nhất có lẽ là quyền sao chép.
Việc sao chép các ấn phẩm dưới hình thức sao chụp bằng máy photo diễn ra rất phổ biến và chiếm đa số trong các hình thức và phương tiện sao chép hiện nay.
Điều đáng nói là việc photo tài liệu lại không quan tâm đến quyền lợi của các chủ thể sáng tạo, làm ảnh hưởng không chỉ quyền sao chép của tác giả, chủ sở hữu mà còn cả quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm nếu không có biện pháp kiểm soát thích hợp.
Chính vì vậy, theo tiến sỹ Cao Kim Ánh - Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, vai trò quản lý tập thể trong lĩnh vực này là rất cần thiết.
Quản lý tập thể quyền sao chép tác phẩm tồn tại dưới dạng ấn phẩm nhằm góp phần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, khai thác sử dụng tác phẩm, phổ biến các giá trị văn hóa, khoa học và nghệ thuật tới công chúng.
Đồng thời khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm trên cơ sở ủy quyền của chủ sở hữu quyền tác giả.
Tại Hội thảo, chuyên gia Sở hữu trí tuệ Đỗ Khắc Chiến – Nguyên Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) - đã giải đáp nhiều câu hỏi thắc của cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương về những vấn đề liên quan đến quyền sao chép như: Quyền tác giả, tác phẩm; quyền sở hữu trí tuệ; quản trị tập thể quyền sao chép; khai thác giá trị kinh tế quyền tác giả và vấn đề quản trị tác giả.