(Tặng người bạn đời yêu quý)
Vợ tôi chất phác chân quê
Chăn trâu cắt cỏ ven đê năm nào
Nhà nghèo chẳng được học cao
Mới xong lớp Bảy em vào làm may.
Nhờ trời em thật khéo tay
Đường kim, mũi chỉ cứ dày thương yêu
Đói no, nắng sớm, mưa chiều
Đôi vai em gánh bao nhiêu nghĩa tình.
Tảo tần lo cuộc mưu sinh
Nhường bùi, nhịn ngọt, nhận mình đắng cay
Tinh mơ cho đến chót ngày
Vợ tôi chẳng chút ngơi tay dần sàng.
Cho rờm, cho trấu bay ngang
Hạt đau lắng lại, hạt vàng nên thương...
Vợ tôi chẳng rẽ ngang đường
Cứ xăm xăm bước về phương gia đình...
Xuân Canh Thìn 2000
Phạm Minh Giang
Lời bình của Đặng Toán
Bài thơ “Vợ tôi” ông sáng tác trong những ngày xuân cách nay đã trên hai mươi năm, được chương trình Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi phát lại vào những dịp như 8/3 hay 20/10.
Nhiều năm đã trôi qua, bài thơ vẫn luôn nhận được sự yêu quý của độc giả, thính giả bởi nó là biểu hiện chân thành nhất cho tình cảm trân trọng, biết ơn của nhà thơ với người bạn đời đảm đang rất mực, thủy chung, yêu thương gia đình, chồng con vô bờ bến.
“Vợ tôi chất phác chân quê
Chăn trâu, cắt cỏ ven đê năm nào
Nhà nghèo chẳng được học cao
Mới xong lớp Bảy em vào làm may”.
Chỉ với bốn câu giản dị, mộc mạc, nhà thơ đã kịp làm một “trích ngang” khá đầy đủ về “người bạn đời yêu quý” của mình, từ tính nết, hoàn cảnh gia đình, trình độ học vấn cho tới các công việc đã và đang gánh vác.
Nếu chỉ có thế, hình ảnh người vợ quê của tác giả cũng sẽ mau chóng bị lu mờ, bị chìm khuất trong hàng ngàn, hàng vạn những phụ nữ nông thôn lam làm, chất phác khác. Cái khéo, cái tài của nhà thơ đã được thể hiện qua hai câu ngay tiếp theo: “Nhờ trời em thật khéo tay/Đường kim, mũi chỉ cứ dầy thương yêu”.
Khen vợ, vừa vẫn thể hiện được đức tính khiêm nhường của vợ chỉ bằng hai chữ “nhờ trời” hết sức dân dã, quen thuộc nhưng hợp lí, thì chỉ những ai yêu và hiểu người bạn đời của mình lắm mới có cách khen tặng tinh tế như thế! “Đường kim mũi chỉ cứ dầy thương yêu” là câu thơ hay, thật chính xác và cũng thật gợi, có tác dụng hỗ trợ qua lại với câu trên, khiến cặp lục bát thêm hài hòa, khăng khít như biểu hiện cho tình nghĩa vợ chồng keo sơn, nồng đượm.
Những câu bát tiếp theo ở đoạn thơ đầu (gồm 14 dòng) cũng đều có tác dụng tương tự như vậy: “Đôi vai em gánh bao nhiêu nghĩa tình; Nhường bùi, nhịn ngọt, nhận mình đắng cay; Hạt đau lắng lại, hạt vàng nên thương”. Người đọc như bắt gặp hình ảnh của bà, của mẹ, chị, hay em gái mình trong những câu thơ chân quê, mộc mạc nhưng tiêu biểu, đặc trưng cho những người phụ nữ nông thôn tảo tần, hai sương một nắng.
Bài thơ có hai đoạn. Đoạn đầu (tức khổ 1) gồm 14 câu, đoạn cuối (khổ 2) chỉ hai câu. Thoạt tiên tạo cho người đọc cái cảm giác chênh vênh, thiếu cân xứng. Đây hoàn toàn không phải sự ngẫu nhiên, ngẫu hứng mà nó là chủ ý của tác giả.
Con đường đi đến hạnh phúc trong cuộc sống gia đình ngỡ bằng phẳng nhưng không phải không có những gập ghềnh, cùng những khúc cua, lối rẽ bất ngờ đột ngột. Trong suốt hành trình ấy, có người vấp ngã, có người dừng bước và cũng sẽ có người đi tắt, rẽ ngang. Ở câu chuyện của mình, tác giả tự tin khẳng định:
“Vợ tôi không rẽ ngang đường/Cứ xăm xăm bước về phương gia đình”.
Vẫn là cách thể hiện mộc mạc nhưng hình ảnh lại rất giàu tính biểu cảm. Vẫn là kiểu câu trên, câu dưới hỗ trợ, tung hứng lẫn nhau. Hai dòng thơ vững chãi, dứt khoát như đôi chân bền bỉ, kiên cường của người phụ nữ trên con đường kiếm tìm, xây đắp hạnh phúc cho cuộc sống gia đình được dài lâu, bền vững.
Trong một bài thơ ngắn, chữ “vợ tôi”, chữ “em” được điệp lại nhiều lần cùng lời đề tặng trân trọng, cho thấy tình cảm, tấm lòng mà nhà thơ dành cho người vợ yêu quý của mình là vô cùng chân thành, mộc mạc, song cũng hết sức sâu lắng, tinh tế, thể hiện được phẩm chất thi sĩ của tác giả cả trong sáng tác cũng như ở ngoài đời. Tin chắc rằng thi phẩm sẽ vẫn luôn chiếm được thiện cảm của những độc giả mang tâm hồn đồng điệu.