(GD&TĐ) - Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ vỡ nợ tín dụng đen khiến dư luận xã hội rất bức xúc và lo ngại. Cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Các cơ quan báo chí cũng đăng đàn nhiều ý kiến đa chiều, xoay quanh chủ đề này. Nhưng có một cầu hỏi ít được đặt ra, rằng số tiền vỡ nợ lớn đến như vậy (hàng trăm tỷ/vụ) thì nguồn tiền ở đâu ra? Thực sự, khi một số vụ vỡ nợ tín dụng đen được loan tin, không ít chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đã giật mình, bởi ít nhiều có liên quan dù trực tiếp hay gián tiếp.
Bản chất của vấn đề
Không phải ngẫu nhiên mà kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra, số vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng liên tiếp xảy ra. Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính từ năm 2009 đến tháng 9/2011, đã phát hiện, khởi tố điều tra hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thiệt hại do tội phạm gây ra nhiều tỷ đồng.
Nguyên nhân, trong những năm qua do khủng hoảng kinh tế các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn. Cộng với lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức cao trong thời gian dài khiến doanh nghiệp vay vốn ngân hàng để chi phí sản xuất kinh doanh cũng tăng và đầu ra cho sản phẩm cũng như xuất nhập khẩu vì thế bị đình trệ. Do đó không ít doanh nghiệp không có khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn. Từ đó phát sinh tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bỏ trốn.
Mặc dù lãi suất vay vốn ngân hàng cao nhưng không phải doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào cũng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Để cứu vãn sự đổ vỡ, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cá nhân đã tìm đến kênh tín dụng đen để huy động vốn, chấp nhận phải trả lãi suất cao hơn hệ thống ngân hàng. Và để huy động vốn từ nguồn tín dụng đen có hiệu quả thì đương nhiên các đối tượng phải tạo vỏ bọc hào nhoáng là các đại gia, đi xe đắt tiền, nhà cao cửa rộng… để hút “khách hàng”.
Trong bối cảnh xã hội kinh doanh gì cũng khó, gặp nhiều rủi ro thì người có tiền nhàn rỗi dễ dàng tìm kế sinh lãi cho đồng tiền của mình bằng cách cho vay với lãi suất cao, thậm chí từ 20-30%. Thế là cứ từ người nọ đồn thổi cho người kia, “thuyết phục” nhau dồn tiền cho vay với lãi suất cao để hưởng lợi. Nhiều người mê muội cầm cố cả sổ đỏ, tài sản thế chấp cho ngân hàng vay tiền và cho vay lại ngoài quan hệ xã hội với lãi suất cao mà không biết rằng rủi ro là hiện hữu.
Qua tìm hiểu phần lớn các vụ vỡ nợ tín dụng đen được biết, những con nợ đều huy động vốn dùng để kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và một số lĩnh vực phi sản suất khác. Họ cứ vay mượn để cố cầm cự với hy vọng khủng hoảng kinh tế mau qua, thị trường khởi sắc thì sẽ qua cơn hoạn nạn. Nhưng kinh tế trong nước cũng như thế giới từ khi khủng hoảng năm 2008 đến nay chưa một ngày trời yên biển lặng. Hậu quả, những chủ nợ không thể chịu nhiệt trả lãi được nữa vì cũng chẳng còn kênh nào huy động được vốn từ nguồn tín dụng đen và vỡ nợ như một tất yểu phải xảy ra. Chỉ có điều nó xảy ra khi mà số tiền nợ trong dân quá lớn, ngoài sức tưởng tượng và khó khắc phục được hậu quả.
Lệnh khám xét nhà một con nợ |
Giậu đổ bìm leo
Giữa tín dụng đen và hệ thống cho vay ngân hàng tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng thực tế từ các vụ vỡ nợ tín dụng đen vừa qua cho thấy đôi khi có sự liên quan gián tiếp. Ở chỗ, không ít người dân cầm cố tài sản, thậm chí cả doanh nghiệp lập hồ sơ khống, dự án “ma” nhằm vay vốn ngân hàng rồi lấy tiền vay được cho vay lại ngoài xã hội để hưởng chênh lệch lãi suất. Khi vỡ nợ xảy ra thì người dân cũng như một số doanh nghiệp không đòi được nợ để trả lại ngân hàng. Các ngân hàng thì không phải lúc nào cũng có thể phát mãi tài sản được ngay và vì thế tỷ lệ nợ xấu sẽ góp phần gia tăng.
Theo một lãnh đạo Cục cảnh sát kinh tế, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ vỡ nợ “tín dụng đen” mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố vụ án và đang mở rộng điều tra thì trong đó đã có những vụ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các tổ chức tín dụng, tài chính, ngân hàng. Trong đó có vụ đối tượng đã huy động nhiều tỷ đồng từ các doanh nghiệp hoặc vay vốn của một vài ngân hàng sau đó đem cho các doanh nghiệp khác vay lại với lãi suất cao hơn đến nay không có khả năng thanh toán.
Như vậy, xét trên một khía cạnh nào đó, vỡ nợ tín dụng đen ở đây cũng có một phần liên quan đến hoạt động cho vay của một số tổ chức tín dụng, tài chính ngân hàng.
Còn nhớ, khi khủng hoảng kinh tế nổ ra cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng hạn chế cho vay phi sản xuất cụ thể ở đây là lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, nhiều khoản vay ngân hàng không giám sát được. Việc nhiều cá nhân, doanh nghiệp cầm cố tài sản vay vốn ngân hàng rồi lại lấy số vốn đó cho vay lại hưởng lãi suất chênh lệch không phải hiếm xảy ra.
Đơn cử như thực hiện Quyết định số 30/2008/NQ-CP, ngày 11/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh với mức hỗ trợ lãi xuất 4%. Nhưng qua kiểm tra của NHNN thời gian qua tại 272 chi nhánh của các NHTM đã phát hiện nhiều món vay vi phạm với số tiền lớn. Trong đó có không ít doanh nghiệp vay được vốn ngân hàng lại sử dụng không đúng mục đích, mà đem kinh doanh chứng khoán, bất động sản, vàng, ngoại tệ và các kênh phi sản xuất khác. Khi các thị trường này trầm lắng, doanh nghiệp không có khả năng thu hồi vốn thì rất dễ xảy ra vi phạm và tội phạm.
Liệu có bao nhiêu tiền trong các vụ vỡ nợ tín dụng đen có nguồn gốc từ ngân hàng? Điều này thật khó đoán định. Vì vỡ nợ tín dụng đen như “giậu đổ bìm leo”, người này là chủ nợ của người kia nhưng chủ nợ đồng thời cũng là con nợ của người khác. Ai sẽ là chủ nợ cuối cùng? Rõ ràng với câu hỏi ấy không ít tổ chức tín dụng, tài chính, ngân hàng đã phải giật mình!
Việt Cường