Đôi mắt thơ ngây con gái đại tá Trần Quang Khải vẫn chưa thể cảm nhận hết nỗi mất mát, đau thương khi bố của mình đã ra đi mãi mãi (ảnh: Trương Hoa)
Mới 5h sáng, hàng ngàn quân nhân, người dân địa phương đã có mặt sớm tại địa điểm lễ viếng, truy điệu đại tá Khải. Người dân sống hai bên đường Lê Viết Thuận hôm nay như dậy sớm hơn mọi ngày. Họ ăn mặc chỉnh tề, tay cầm hoa, cầm hương chờ đợi giờ phút vào nhà tang lễ để đưa tiễn đại tá Trần Quang Khải lần cuối.
Bà Nguyễn Văn Lan (67 tuổi, trú tại TP. Vinh, Nghệ An) xúc động nói: "Bà thương thằng Khải một, thương vợ con nó mười. Chú ấy ra đi, để lại vợ trẻ, con thơ. Chồng của bà cũng từng là bộ đội, ra đi sớm, để lại bà một mình nuôi 3 đứa con, khổ hết nói. Nghĩ cảnh cơ cực của bà, lại thương vợ con thằng Khải đến rơi nước mắt. Bà đến lễ viếng mong gặp được mẹ con chú ấy, nắm lấy tay họ mà nói, hãy mạnh mẽ lên vợ con thằng Khải!’’.
Trong đoàn người tấp nập đến viếng đồng chí Khải, tôi không dõi theo được bước chân bà Lan. Nhưng tin chắc bà Lan sẽ nắm lấy tay vợ con đại tá Khải, truyền sức mạnh, lòng yêu thương của mình đến với họ.
Từ sáng sớm, hàng trăm người dân về nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4 để đưa tiếng đại tá Trần Quang Khải về với đất mẹ (ảnh: Trương Hoa)
7h sáng, nắng Thành Vinh như đổ lửa, cái nắng không làm giảm đi số lượt người đến đưa viếng. Đoàn này vào, đoàn khác ra, cứ thế nườm nượp. Ngoài lực lượng quân nhân, các đoàn Trung ương, địa phương, cơ quan, đoàn thể đến thăm viếng, còn có hàng trăm người là ngư dân vùng biển từ Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Bình chạy xe hàng trăm km chỉ đến nhà tang lễ nhìn cho được di ảnh đồng chí Khải lần cuối.
Anh Nguyễn Viết Lam (45 tuổi, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) chia sẻ, tôi và vợ đi xe máy từ 4h sáng qua Vinh, chỉ mong nhìn được di ảnh, thắp nén nhang tiễn đưa đại tá Trần Quang Khải, người anh hùng đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc. Một lần cuối thôi, cũng thỏa lòng mong ước. Biết ơn vô vàn người cha, người mẹ đã sinh ra phi công lái máy bay Su – 30MK2 Trần Quang Khải – anh Lam nghẹn lòng nói.
Di ảnh đại tá Trần Quang Khải (ảnh: Trương Hoa)
Trong số hàng ngàn người đến tiễn biệt đại tá Khải, có nhiều người chưa một lần biết tên, biết mặt đồng chí, nhưng đôi mắt ai nấy đều đỏ hoe, bày tỏ cảm xúc thương tiếc vô hạn tới người lính đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi đã thấy nhiều người mẹ, người chị đã lấy tay bịt miệng mình không để tiếng khóc nức trào ra khi đi qua linh cữu đồng chí Khải. Lễ viếng đồng chí Khải trang nghiêm, trong đó chứa đầy tình yêu thương của đồng chí, đồng đội và người dân tỏ lòng biết ơn tới đồng chí Trần Quang Khải.
Một hình ảnh thơ ngây, trong sáng về con gái bé nhỏ của đại tá Trần Quang Khải trong buổi tang lễ, khiến hàng ngàn người đến đưa tiễn không khỏi xúc động, thương xót. Bé ngồi đó, khoác lên mình bộ tang lễ màu trắng, ánh mắt thơ ngây chăm chú nhìn từng đoàn người vào thăm viếng. Có khi mệt, bé ngồi xoài giữa nhà, rồi làm nũng mẹ, bắt mẹ bồng. Vợ anh Khải thỉnh thoảng vỗ tay dỗ dành bé, thì thầm nói "Ngoan nào con gái!’’.
Một người từng đi qua nhiều chiến trận, tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Văn Linh (70 tuổi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tâm sự: "Tôi là lính Cụ Hồ, tôi rất biết ơn những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời vùng biển như đại tá Trần Quang Khải. Đồng chí Khải đã hy sinh, nhưng vợ con anh còn đó, mong rằng nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt cho gia đình đồng chí ấy’’.
Hơn bao giờ hết, đây là lúc mọi người đều cảm nhận được rõ ràng nhất những mất mát, hy sinh của những người lính Cụ Hồ, không chỉ trong chiến tranh mà ngay cả trong thời bình, khi thực thi nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc.