Vợ chồng hoàn hảo

Vợ chồng hoàn hảo

(GD&TĐ) - Quan niệm “hoàn hảo” khi đã thành vợ chồng là điều hai người trong cuộc muốn phấn đấu để giữ hình ảnh đẹp trong mắt nhau. Tuy nhiên, có những người chồng, người vợ tỏ ra quá hoàn hảo đến nỗi người bạn đời của mình cảm thấy tự ti, khó chịu, có mặc cảm là người “vô tích sự” khi không còn “đất” để thể hiện chính mình.

Chồng là nhất

Do lúc nào cũng cho mình là đúng, nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà, anh Cường đều can thiệp bất chấp lời khuyên của vợ mình, chị Loan. Vì thế, vợ con anh chẳng bao giờ có cơ hội được chia sẻ, không khí gia đình luôn ngột ngạt trước thái độ ngạo nghễ của anh. Muốn con trở thành người xuất chúng, anh Cường tranh thủ mọi thời gian để kèm cặp con học. Vợ có góp ý, anh cũng mặc và một mực làm theo ý mình. Đứa con trai mới học cấp một bị anh nhồi nhét biết bao nhiêu thứ làm thằng bé cứ như người “nửa tỉnh nửa mê” mỗi khi ngồi vào bàn học. Vợ anh xót ruột, thương con, nhưng có nói thêm vào liền bị anh trừng mắt nên đành thôi. Thằng con thấy cha mẹ nó “căng” quá cứ lầm lũi học và học. Mới đây, biết chồng có ý định đem hết khoản tiền dành dụm ra đầu tư chứng khoán, chị Loan ra sức can ngăn nhưng anh Cường vẫn một mực khẳng định: “Lần này lời to em cũng đừng dành công về mình đâu nhé! Cứ để anh quyết mọi sự tất ổn thôi”. Chị cũng đành bó tay. Chưa hết, anh Cường còn chê bai vợ mình thiếu hiểu biết, kém nhạy bén trong việc làm ăn khiến chị Loan càng thêm nản.

Theo các chuyên gia tâm lý, sự tự tin, lạc quan là phẩm chất cần có ở người đàn ông, trụ cột trong gia đình. Nhưng nếu thể hiện thái quá sẽ có nguy cơ khiến gia đình rạn nứt. Tâm lý này xuất phát từ sĩ diện và đề cao bản thân quá mức. Họ muốn bảo vệ và lãnh đạo gia đình một cách hoàn hảo nhất, vì thế luôn tin mình đúng, tự nhận mình hoàn hảo sẽ làm họ xem thường những góp ý, nhận xét của bạn đời, vô tình “triệt tiêu” thế mạnh của các thành viên khác trong gia đình. Người đàn ông luôn tự cho mình hoàn hảo sẽ không thấu hiểu, bao dung và chia sẻ với người khác. Đó là nguyên nhân làm cho vợ con của họ có cảm giác mất tự do, thiếu bình đẳng, cảm giác bị xem thường.

Hơn thế, chồng quá tự tin luôn cho mình là đúng, không tiếp thu ý kiến đúng đắn của bạn đời sẽ gây nhiều sự cố trong nhà. Đề cao bản thân quá mức sẽ sinh ra thói gia trưởng, mệnh lệnh, giáo điều và ấu trĩ. Nó không chỉ đe dọa tinh thần của các thành viên khác đôi khi còn tác động tiêu cực đến tài chánh gia đình. Trong trường hợp này, vợ con của họ chỉ còn hai cách là chống đối hay phục tùng. Mà cách nào thì cũng gây ra những hậu quả không hay. Ngược lại, người chồng không cho mình hoàn hảo sẽ biết nhún nhường và lắng nghe hơn. Nhờ vậy, họ luôn tìm ra được lối thoát trong những tình huống khó khăn vì họ biết mình có khuyết điểm và biết lắng nghe người khác.

Ảnh MH
Ảnh MH

Để “chữa bệnh” cho chồng, người vợ cần giữ bình tĩnh và biết chứng tỏ bằng hành động. Thay vì ra sức “tranh đấu” giành lẽ phải, hãy thể hiện quyền bình đẳng theo cách “mưa dầm thấm lâu”. Nhất định không theo ý chồng mọi chuyện để nhấn chìm gia đình vào khó khăn. Bạn cần nhận thức rằng, những người chồng thuộc týp này không hẳn không yêu thương vợ con, chỉ là yêu không đúng cách. Hơn nữa, bạn cần biết và đề phòng nếu chồng mình mắc chứng yêu mình hơn tất cả, đề cao khả năng bản thân quá mức bởi vì ở mức độ “trầm trọng” hơn cần có sự can thiệp của chuyên gia tâm lý.

Vợ chỉ đạo tất cả

Chị Hương, công tác tại ngành dệt may luôn chứng tỏ mình là người có năng lực giải quyết mọi việc trong gia đình. Với chị, mình có năng lực thì làm hết có gì lạ trong khi đó chồng chị, anh Khương như người bị “lép vế” trước tài năng của vợ. Qua một thời gian “năng nổ”, chị Hương phát hiện càng ngày chồng mình càng vắng nhà nhiều hơn. Anh Khương cứ đi suốt, vợ có hỏi anh cũng viện nhiều lí do để ra khỏi nhà đến tối mịt mới về. Vợ chồng họ tuy không gây gổ nhưng cũng chẳng có thời gian để cùng nhau chuyện trò. Khoảng cách vô hình giữa họ càng thêm xa.

Nhưng chị Hương nào hay, đó là “thông điệp” từ chồng, ý muốn chị phải thay đổi, không phải thay đổi lời ăn tiếng nói, nấu nhiều món ngon cho chồng…mà chính là thay đổi quan niệm quyền và nghĩa vụ trong quan hệ vợ chồng. Mẫu người vợ hoàn hảo như trên vô tình “vẽ đường” cho bạn đời của mình không còn chỗ để chứng tỏ tài năng, bản lĩnh khi sống chung. Người chồng chỉ được “hưởng” vì đã có bà xã “bao sân” hết thảy. Nhưng nếu người chồng bị vợ “tước” đi quyền hành trong nhà sẽ không còn đất để làm tròn vai diễn của chính mình.

Từ đó, người chồng trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của sự thiếu bình đẳng, gây tác hại không ít cho mái ấm gia đình. Không ít người vợ hoàn hảo thường bất ngờ khi chồng “im im” rồi tung đòn chia tay, li thân…để giải quyết vấn đề khó nói bằng lời. Tâm lý người vợ đẽ hết lòng chia sẻ với gai đình dĩ nhiên có thể bị tổn thương, vì chồng không “hiểu chuyện”. Thực tế, sự đổ vỡ này là do truyền thông trong gia đình còn thiếu sót hay hoàn toàn không có. Người chồng mang tâm trạng ấm ức không biết nói thế nào, nói vào thời điểm nào. Do đó, giữa vợ chồng, cần tạo thói quen tốt bàn bạc, phân công mọi việc trong gia đình cũng như biết lắng nghe nhau. Mỗi người nên tự nhận ra điểm mạnh của mình và của cả bạn đời để cùng phát huy và hợp tác lẫn nhau.

Người chồng hay người vợ cứ “ôm sô” mọi việc về mình sẽ vô tình đẩy người còn lại vào suy nghĩ: “Hóa ra mình là người thừa trong cái nhà này!”. Thay vì suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực như vậy, bạn nên “hồi báo” với người bạn đời biết, đó mới là thể hiện và tôn trọng quyền bình đẳng, phong cách của người chủ trong gia đình.

Ca Dao

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ