Trong bộ phim tiểu sử về Steve Jobs được công chiếu gần đây, với việc nhắc tới "người vợ công việc" của nhà đồng sáng lập Apple, đạo diễn Antonia Hoyle đã đề cập tới một mối quan hệ kiểu mới nơi công sở: sự gắn bó thuần khiết, không vướng màu nhục dục giữa những đồng nghiệp khác giới tại nơi làm việc.
Điểm nhấn của nó là tình bạn trong sáng của Job với nữ giám đốc tiếp thị Joanna Hoffman - người ông chia sẻ mọi tham vọng và cảm xúc nhưng không hề có quan hệ giường chiếu.
Khi ngồi trong một cuộc họp, điện thoại của Paul Mitcheson sáng lên với dòng tin nhắn: "Nhớ em không?". Tin này do một đồng nghiệp nữ tên Emily Blewett, gửi từ bàn làm việc của chị, chỉ cách anh vài mét. Không phải Paul và Emily đang ngoại tình - cả hai đều có hôn nhân hạnh phúc với người khác - nhưng họ có một mối quan hệ đặc biệt.
Họ là "vợ chồng công sở" của nhau - hai đồng nghiệp khác giới có tình cảm riêng tư, gần gũi nhưng trong sáng, chỉ giới hạn ở cơ quan, giống như một đôi trong hôn nhân nhưng không có sự thân mật thể xác.
Với các thế hệ trước, những cuộc hội thoại trong văn phòng thường chỉ giới hạn ở những mẩu chuyện xã giao. Nhưng mọi thứ đã thay đổi: 70% người đi làm nói rằng việc có bạn bè ở nơi làm việc là phần quan trọng nhất để có đời sống công sở vui vẻ; 50% số nhân viên có bạn thân ở cơ quan nói rằng họ cảm thấy cực kỳ gắn bó với công ty.
Emily vafPaul làm việc cùng nhau từ năm2013. Ảnh:Clara Molden/Telegraph. |
Việc càng ngày càng tăng các mối quan hệ kiểu vợ chồng công sở là một phát sinh tất yếu. Joanna Butler, một nhà tâm lý giải thích: "Ngày nay, chúng ta làm việc ở trong những môi trường hợp tác nhiều hơn là các đơn vị riêng lẻ.
Điều đó khiến chúng ta dễ có loại "hôn nhân" này hơn. Chúng ta cũng làm việc nhiều giờ hơn và có nhu cầu tìm kiếm một người cổ vũ để gúp mình đương đầu với những stress vì công việc".
Bà nói thêm: "Thật dễ dàng và an toàn hơn để có tình bạn với người khác giới nơi công sở khi đặt ra sẵn một ranh giới cần tuân thủ".
Mặc dù dành cho nhau những lời tán tỉnh, Emily nói rằng "hôn nhân công sở" của chị hoàn toàn không có tình cảm lãng mạn. "Chúng tôi vui đùa với nhau nhưng mối quan hệ này chỉ như hôn nhân của các cụ già, không có chút yếu tố sex nào. Paul là nguồn động viên lớn và tôi nghĩ anh ấy rất giỏi giang nhưng không có gì khác xảy ra giữa chúng tôi", Emily nói.
Emily và Paul cùng làm việc tại một cơ quan ở London (Anh) từ tháng 8/2013 khi Emily, một cán bộ PR 34 tuổi, tham gia tổ chức từ thiện Movember nơi Paul là trưởng phòng maketting và truyền thông. Sự e dè ban đầu được phá vỡ 3 ngày sau đó khi Emily làm đổ cốc nước ra bàn chị.
"Paul lôi ra một chiếc quần soóc (anh để sẵn tại cơ quan để phòng khi phải ở qua đêm) để lau bàn. Tôi hỏi "anh nghĩ mình đang làm cái quái gì vậy" thì anh ấy đáp đơn giản "không sao đâu, nó sạch mà", Emily nhớ lại.
Tình huống bối rối này đánh dấu một bước thay đổi trong mối quan hệ đồng nghiệp của họ. "Từ thời điểm đó, tôi biết Paul sẽ trở thành một người bạn của mình. Anh ấy là trưởng phòng và về cơ bản là sếp tôi nhưng chỗ chúng tôi làm việc không phải kiểu cơ quan đoàn thể", chị kể.
Paul nói thêm: "Ngay từ đầu tôi đã thấy vui vui khi ở bên Emily. Chắc chắn là có một mối liên kết giữa chúng tôi, đó là sự thành thật và tình bạn - nhưng không có quan hệ thể xác".
Dù vậy, mối quan hệ của họ nhanh chóng phát triển theo lối ứng xử như một cặp vợ chồng thực sự. "Tôi sẽ nói cho Paul biết nếu thấy anh ấy mặc đồ không hợp. Tôi lau bàn làm việc cho anh rồi chúng tôi cãi nhau khi cả hai không thống nhất về các dự án làm việc.
Paul có thể trả lời hộ điện thoại của tôi mà không cần được đồng ý và một hôm, khi tôi sắp ăn một chiếc kẹo chocolate, anh ấy bảo ăn đồ này sẽ làm tôi béo lên", Emily kể.
Ngoài việc làm phấn chấn tinh thần, chuyện có "vợ/chồng" công sở cũng mang lại một số lợi ích khác. "Chúng tôi từng cho rằng đồng nghiệp như những đối thủ của nhau, nhưng giờ tôi hiểu giá trị quan trọng của việc thiết lập mối quan hệ này trong công ty.
Chúng tôi có thể hỗ trợ nhau leo lên những nấc thang trong sự nghiệp. Xét một cách ích kỉ/tiêu cực nhất, việc này vẫn là một cách để thăng tiến", nhà tâm lý Butler nói.
Tuy nhiên, tình bạn thân thiết giữa hai người khác giới kiểu này có thể bị các đồng nghiệp phá hỏng, nhà tâm lý Marisa Peer cảnh báo: "Ngay cả khi mối quan hệ này không có các hành vi đụng chạm xác thịt, nó có thể khiến những người khác có cảm giác đố kỵ và ghen tị".
Ngoài ra, mối quan hệ kiểu này rất dễ khiến vợ/chồng ngoài đời thực của họ cảm thấy bất an. Dù vậy Emily nói rằng, anh Will, chồng chị, 34 tuổi, không hề ghen. "Anh Will tin tôi hoàn toàn. Anh ấy và Paul đều giống nhau ở điểm rất điềm tĩnh và chu đáo. Điểm khác nhau duy nhất là tôi yêu Will", cô nói.
Mặc dầu Emily đã giới thiệu chồng mình với Paul tại một sự kiện ở công ty, cô vẫn cố gắng giữ khoảng cách giữa người chồng với công việc của mình.
"Tôi không nghĩ là tình bạn của tôi với Paul cần vượt ra ngoài phạm vi công việc. Tôi cũng không muốn đến cơ quan để nói về chuyện gia đình mình. Vạch ra giới hạn giữa hai cuộc sống, trong công việc và ở gia đình, là điều nên làm", Emily bày tỏ.
Người vợ đã kết hôn với Paul 7 năm, Scarlett, 38 tuổi, đang sống cùng anh và hai con ở Cambridge (Anh), cũng khá thoải mái về chuyện này, dù chị chưa bao giờ gặp Emily. "Tôi nghĩ họ khá hợp nhau". Scarlett tự điều hành một công ty bất động sản và biết rằng doanh nghiệp thành công đòi hỏi những mối quan hệ cởi mở, không có sự gượng gạo trong đó.
Nhà tâm lý Peer cho rằng, kiểu quan hệ vợ chồng công sở này cũng có thể ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình của người trong cuộc. "Khi một người coi trọng đồng nghiệp khác giới hơn vợ/chồng thực sự của mình, bạn đời của họ có thể cảm thấy như bị gạt ra.
Việc họ cùng đùa vui, có sự hiểu biết, niềm đam mê chung cho công việc, làm việc bên nhau có thể khiến bạn đời ở nhà của họ cảm thấy bị đe dọa", nhà tâm lý bày tỏ.
Judith vàGary gắn bó với nhau như những người tri kỷtrong công việc. Ảnh:Clara Molden/Telegraph. |
Đó là một thực tế mà Judith Lockwood nhận thức sâu sắc và đã khăng khăng đòi gặp Lynn, vợ ngoài đời thực của "người chồng công sở" của chị là Gary Wroe, trước khi họ cùng nhau xây dựng thương hiệu đá quý Arctic Circle.
"Khi Gary và tôi bước vào kinh doanh, tôi biết chúng tôi sẽ phải dành nhiều thời gian bên nhau. Tôi không muốn bất cứ ai cảm thấy khó chịu về điều đó. Tôi cũng cảm thấy việc biết vợ Gary là điều rất quan trọng để có được mối quan hệ thành công với anh ấy", Judith, 49 tuổi, cho biết.
Vì vậy, chị đã mời Gary, 46 tuổi và vợ anh, Lynn, 47 tuổi, đến nhà mình ở York. "Ba chúng tôi dùng bữa tối và cười nói suốt buổi. Lynn và tôi hiện có chung một mối quan hệ tuyệt vời", chị kể.
Tuy nhiên, phần lớn những lời khen ngợi của chị là dành cho Gary: "Ở nơi làm việc, anh ấy là điểm tựa, người cố vấn và là "một nửa" của tôi. Chúng tôi có cùng giá trị sống và thậm chí đã đáp lại y như nhau với các email mà không biết.
Tôi có thể gọi cho anh ấy bất cứ lúc nào dù ngày hay đêm. Tôi cực kỳ tôn trọng anh ấy nhưng tôi không coi đó là một mối tình. Anh ấy giống một phiên bản nam giới của tôi hơn", chị nói.
Tất nhiên, không phải cuộc "hôn nhân công sở" nào cũng có kết thúc có hậu, như trường hợp của Angela Brewer là điển hình. Là nhân viên của một chuỗi cửa hàng bách hóa, chị Angela, 50 tuổi, vừa "ly dị" người chồng công sở của mình sau khi anh này thổ lộ niềm khao khát với chị.
"Richard bước vào công ty tôi hai năm trước và chúng tôi ngay lập tức ăn ý với nhau. Chúng tôi cùng ăn sáng và vạch ra các ý tưởng rồi hỗ trợ nhau khi cần. Richard còn độc thân nhưng anh biết tôi đã có chồng. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ là anh ta dành tình cảm cho mình".
Nhưng hè vừa rồi, sau một tối tiếp khách, với chút men rượu, Richard nói lời yêu với chị Angela. "Tôi nói tôi chỉ coi anh là bạn. Bầu không khí giữa chúng tôi lập tức thay đổi và từ đó, mọi thứ thật gượng gạo, giữa hai chúng tôi và giữa tất cả các đồng nghiệp khác", chị Angela kể lại.
Cũng vì lý do này, chị đang nộp đơn xin việc mới. "Tôi tiếc khi đã dồn quá nhiều tình cảm và sức lực cho mối quan hệ này. Có một người chồng nơi làm việc có vẻ như một ý tưởng hay nhưng bài học tôi nhận được là nó cũng đi cùng với nhiều rủi ro", chị Angela nói.