Chị Thanh vẫn nhớ như in những ngày đầu yêu nhau, anh trổ tài nấu mỳ Ý chiều chuộng thế nào. Khi người yêu ốm, còn bỏ công nấu cháo thịt mang sang tận nhà trọ cho nàng tẩm bổ. Nhưng ngay khi cưới nhau về, chị sốc ngửa trước sự thật chồng không thích vào bếp, ăn uống kỹ tính và đòi vợ nấu ngon như siêu đầu bếp.
Đã thế, anh chồng thích đứng sau lưng "chỉ tay năm ngón" mỗi khi vợ vào bếp. Nào là nhắc vợ mổ cá khéo vỡ mật, nấu canh nhớ đậy vung kẻo bay hết vitamin, rau củ ngâm nước muối đủ 10 phút, cơm phải đảo 2 lần, món này phải chiên ngập dầu, món kia chỉ bỏ chút mỡ dính chảo thôi...
Trước khi cưới, chị Thanh nấu kiểu gì chồng cũng khen ngon, cưới xong thì ăn gì cũng chê. Tính chị bộc trực, ai chê nấu không ngon là tự ái ra mặt. Chồng thấy vợ thái độ, không vuốt ve mà còn nổi giận hất tung bát đũa. Không biết bao nhiêu bữa cơm chan nước mặt, đang anh - em ngọt nhạt bỗng chuyển sang xưng mày - tao chỉ vì món canh chưa vừa miệng.
Sau nhiều cuộc cãi vã nảy lửa, cuộc hôn nhân 3 năm của chị Thanh đứng trên bờ vực đổ vỡ do không tìm được tiếng nói chung trong căn bếp. Trong đơn gửi tòa, chị tố: "Chồng tôi gia trưởng, không bao giờ giúp đỡ việc nhà. Tôi đi làm về, phải gánh cả việc chăm con lẫn bếp núc. Tôi chỉ ước được chồng nấu cho bát cháo muối lúc ốm mệt, nhưng luôn nhận lại thái độ hậm hực, trách tôi sao không dậy phục vụ cơm nước".
Chồng không chia sẻ việc bếp núc, lại hay chê bai vợ nấu không ngon dễ khiến gia đình lục đục.
Ngày 3 bữa quanh quẩn góc bếp nấu cơm cho đại gia đình nhà chồng 8 người, nhưng luôn nghe chê bôi nấu dở luộc vụng, cũng là lý do khác khiến chị Mai (Phú Thọ) stress bỏ về ngoại. Chị đang mang thai 4 tháng, người nghén ngẩm nhưng vẫn phải dậy sớm làm bữa sáng cho cả nhà. Trời nóng nực, bà bầu phải chui vào căn bếp ngập mùi thức ăn, bày biện đủ món theo sở thích mọi người.
"Tủi thân nhất là chồng về sớm cũng không vào bếp phụ, vì nghĩ vợ ở nhà cả ngày rảnh rỗi. Mẹ chồng khó tính lại hay săm soi, nấu không vừa miệng là bà chê bôi. Có lần bà đứng dậy trút đĩa thịt kho đi vì mặn, chồng đã chẳng nấu lại còn hùa theo khiến mình ấm ức", chị kể.
Đỉnh điểm nhất là khi nhà có giỗ, một mình chị Mai xoay xở 4 mâm cơm nên phải nhờ chồng phụ giúp. Bà bóng gió trai nhà này 3 đời nay không phải làm việc nhà, bếp núc là nghĩa vụ của dâu trưởng. Chồng sợ mẹ gây khó dễ, lại rửa tay đi ra để mặc vợ chiến đấu với chồng bát cao ngất.
"Ở nhà ngoại, mình là cục vàng cục bạc, nhưng khi lấy phải anh chồng nhu nhược, mình như cục đất dưng bên đường. Không muốn làm ôsin nhà người, nên mình bỏ về ngoại", chị Mai than thở.
Ngược lại hoàn toàn với chị Mai, vợ anh Đức (Hà Nội) vụng nấu ăn nhưng lại khéo đùn đẩy việc bếp núc lên chồng. Hai vợ chồng ở riêng, chưa vướng bận con cái nhưng số bữa ăn cơm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vợ anh thường lấy cớ họp hành về muộn để đẩy chồng vào bếp, cuối tuần thì kéo ông xã đi ăn hàng.
Anh Đức than thở: "Vợ tôi thuộc làu hotline các hãng cơm hộp, gà rán, lẩu bò, thức ăn nhanh giao tận nhà. Tôi thèm cơm mẹ nấu, rủ vợ về nội thì cô ấy chối đây đẩy vì sợ ám mùi bếp. Tệ nhất là cô ấy cho tôi ăn mì tôm úp nước sôi, thái chút thịt bỏ vào thôi cũng sợ tróc sơn móng tay. Chán vợ, tôi nhiều lần có ý định đi tìm "phở".
Cân nhắc nhiều, cuối cùng anh Đức thấy mình vẫn cần gia đình. Để tìm giải pháp cứu vãn hôn nhân, anh trao đổi thẳng thắn với vợ. Hôn nhân có thể là bước nhảy vọt của tình yêu, nhưng cũng có thể là giai đoạn giết chết cuộc sống lãng mạn. Căn bếp là nơi nhóm lửa hạnh phúc gia đình, song nhiều mâu thuẫn cũng từ đây mà ra. Hạnh phúc sẽ bền lâu nếu cả hai cùng góp gạo thổi cơm chung, vợ hiểu được áp lực công việc của chồng, còn chồng chủ động san sẻ với vợ mọi việc nhà nhỏ nhất.