Theo bản báo cáo, tính đến tháng 10/2009, toàn quốc có khoảng 223 KCN được thành lập theo Quyết định của Chính phủ. Trong đó, 171 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích đất gần 57.300 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 46%.
Thực tiễn cho thấy, các KCN có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Các KCN là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng, công nghiệp, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình phát triển các KCN ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải và khí thải công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên: "Những thách thức chất thải công nghiệp nếu không được giải quyết tốt sẽ gây ra thảm họa về môi trường và biến đổi khí hậu, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe cộng đồng hiện tại và tương lai". |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên: những thách thức này nếu không được giải quyết tốt sẽ gây ra thảm họa về môi trường và biến đổi khí hậu, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe cộng đồng hiện tại và tương lai, phá hỏng những thành tựu công nghiệp nói riêng và triển kinh tế, tiến bộ xã hội nói chung ở Việt Nam.
Con mương cạnh nhà mày bia Hà Nội bị ô nhiễm nặng do chất thải (ảnh: gdtd.vn) |
Năm 2007, Đà Nẵng có 6 KCN đi vào hoạt động, hơn 120 ha ruộng của phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) không thể gieo cấy được vì ô nhiễm do nước thải của KCN Hòa Khánh tràn ra các thửa ruộng. Nước thải từ KCN tràn ra đồng còn gây hiện tượng gia cầm và thủy sản nuôi trồng trong khu vực bị chết hàng loạt. Người dân làm nông nghiệp do tiếp xúc với nước thải bị lở loét chân tay và một số bệnh da liễu. |
Ô nhiễm môi trường từ các KCN ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên. Đặc biệt, nước thải không qua xử lý của các KCN xả thải trực tiếp vào môi trường gây thiệt hại không nhỏ tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại các khu vực lân cận. Theo các chuyên gia môi trường, sự gia tăng nước thải từ các KCN trong những năm gần đây là rất lớn.
Lượng nước thải từ các KCN phát sinh lớn nhất ở khu vực Đông Nam Bộ, chiếm 49% tổng lượng nước thải các KCN và thấp nhất ở khu vực Tây Nguyên là 2%. Hiện nay, tỷ lệ các KCN đã đi vào hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm khoảng 43%, nhiều KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng tỷ lệ đấu nối của các doanh nghiệp trong KCN còn rất thấp. Thực trạng trên đã dẫn đến việc phần lớn nước thải của các KCN khi xả thải ra môi trường đều có có các thông số ô nhiễm cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn Việt Nam.
Tình trạng ô nhiễm không chỉ dừng lại ở hạ lưu các con sông mà lan lên tới cả phần thượng lưu. Kết quả quan trắc chất lượng cả 3 lưu vực sông Đồng Nai, Nhuệ - Đáy và sông Cầu đều cho thấy bên cạnh nguyên nhân do tiếp nhận nước thải sinh hoạt, những khu vực chịu tác động của nước thải KCN có chất lượng nước sông bị suy giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu như BOD5, COD , NH4+ , tổng N, tổng P đều cao hơn quy chuẩn Việt Nam nhiều lần.
Cống nước thải tại KCN Sài Đồng (Gia lâm, Hà Nội) (ảnh: gdtd.vn). |
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm. Như vậy, nền kinh tế mất khoảng 3,9 tỷ USD trong 71 tỷ USD của GDP trong năm 2007 và khoảng 4,2 tỷ USD trong ước tính 76 tỷ USD của GDP trong năm 2008. Cũng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm ở Việt Nam thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường. |
Bên cạnh đó, không khí ở các KCN, nhất là các KCN cũ, đang bị ô nhiễm, do các nhà máy trong KCN sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Lượng chất thải rắn tại các KCN ngày càng gia tăng, nhưng vấn đề thu gom và xử lý chất thải tại các KCN còn nhiều bất cập, nhất là đối với việc quản lý, vận chuyển và đăng ký nguồn thải đối với chất thải nguy hại.
Bệnh phổi silic do ô nhiễm công nghiệp là tình trạng bệnh lý ở phổi do hít thở SiO2 hoặc silic tự do. Đặc điểm của bệnh là hiện tượng xơ hóa phổi lan tỏa. Hiện nay, trên thế giới, bệnh phổi silic chiếm tỷ lệ cao nhất. Tại các nước đang phát triển, tỷ lệ mắc bệnh bụi phổi silic trong các ngành nghề có tiếp xúc với bụi silic từ 21 đến 54% (theo đánh giá của WHO) so với tổng số mắc bệnh nghề nghiệp. |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng, công tác bảo vệ môi trường các KCN trong thời gian qua có nhiều cố gắng, tuy nhiên, cũng còn nhiều tồn tại như: phân cấp trong hệ thống quản lý môi trường KCN chưa rõ ràng, tỷ lệ xây dựng và vận hành các công trình xử lý môi trường tại các KCN còn thấp....
Năm 2010, Tổng cục Môi trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra diện rộng tại các KCN, đặc biệt là kiểm tra chặt chẽ các lưu vực sông lớn của Việt Nam, bởi muốn chặn đứng ô nhiễm lưu vực sông thì phải chặn đứng nguồn thải ra sông.
Bộ Tài nguyên – Môi trường kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương và Ban quản lý khu công nghiệp những giải pháp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp như rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật, bao gồm việc sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn, nhất là vấn đề về phân cấp quản lý môi trường các khu công nghiệp.
Quang Anh
Báo cáo Môi trường KCN Việt Nam gồm 5 chương Chương 1: Trình bày tổng quan về các KCN Việt Nam – xu thế phát triển, những cơ hội và thách thức về môi trường; Chương 2: Các phân tích cụ thể về hiện trạng ô nhiễm nước thải, khí thải và chất thải rắn từ các ngành công nghiệp; Chương 3: Những tác hại chính của ô nhiễm môi trường công nghiệp nói chung và môi trường KCN nói riêng đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động kinh tế - xã hội và gây ra những tổn thất không nhỏ; Chương 4: Thực trạng và những tồn tại trong công tác quản lý môi trường KCN hiện nay; Chương 5: Tập trung nêu các nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện để bảo vệ, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường KCN trong điều kiện Việt Nam. |