Vịt biển Trường Sa: Bơi giỏi, lớn nhanh, bắt cá siêu đẳng

Sống ở đảo, uống nước biển, săn cá, ốc, rong rêu và đẻ trứng..., loài vịt biển do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi - Bộ NNPTNT) nghiên cứu, chọn tạo đã có mặt tại quần đảo Trường Sa.

Các xã đảo đã tiếp nhận máy ấp trứng vịt. Ảnh: Lệ Hà
Các xã đảo đã tiếp nhận máy ấp trứng vịt. Ảnh: Lệ Hà

Hành trình đưa vịt biển ra đảo

“Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên là đơn vị nghiên cứu, chọn tạo, tiến hành nuôi thử nghiệm vịt biển thành công nhưng người có tâm huyết và góp công đưa vịt ra quần đảo Trường Sa phải kể tới chị Hoàng Thị Lệ Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Khánh Hòa” - TS Nguyễn Văn Duy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Trung tâm) thông tin tới NTNN.

Bà Hà nhớ lại: Trong một cuộc họp tại Hà Nội, tình cờ biết thông tin về giống vịt biển của Trung tâm. Nhờ kinh nghiệm theo đoàn nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi tại các đảo thuộc huyện Trường Sa, tôi nhận thấy có thể đây là giống vật nuôi phù hợp với điều kiện tại các điểm đảo. Nhưng làm các nào để giống vịt này ra đảo? Tôi liền liên hệ với Trung tâm và nhiều đơn vị quyết tâm bằng mọi cách thực hiện.

Ban đầu, với sự hỗ trợ của Trung tâm, chúng tôi gửi 100 trứng vịt biển theo tàu ra Trường Sa Đông thì chỉ ấp nở có được vài quả. Lần thứ hai, Trung tâm lại tiếp tục gửi trứng ra đảo Trường Sa Lớn thì kết quả cũng không khá hơn là bao. Sau đó mấy anh chị em loay hoay mãi, không biết bằng cách nào để có thể đưa giống vịt này ra các đảo? “Thú thực, lúc ấy, anh em lính đảo và tôi rất buồn” - Bà Hà nói.

Nhờ sự chỉ đạo và tạo điều kiện của Trung tâm, Phân viện Thú y Miền Trung cùng một số đơn vị bạn, cuối cùng, sau khi bàn thảo, các bên thống nhất phương án thay vì mang trứng vịt ra Trường Sa ấp nở thì những con vịt biển con sẽ được chuyển bằng đường hàng không vào Cam Ranh. Sau đó, vịt được nuôi tại đây một thời gian đến lúc lớn hẳn rồi mới lần lượt theo tàu ra các điểm đảo.

Tháng 12.2014, lần đầu tiên, một chuyến bay mang theo 600 con vịt biển con đã hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, số vịt này ban đầu cũng bị “say sóng”, hao hụt, nhưng đã được chăm sóc một cách kỹ lưỡng bởi 3 chàng lính trẻ khéo tay của Lữ đoàn 146 và các kỹ sư thuộc Phân viện Thú y Miền Trung.

“Phương án này đã bảo đảm an toàn hơn và tăng tỉ lệ sống cho vịt biển, đến nay số vịt ra đảo phát triển tốt, nhiều con đã đẻ trứng” - Bà Hoàng Thị Lệ Hà thông tin.

Triển vọng cho kinh tế biển đảo

TS Nguyễn Văn Duy nói: Vịt biển có khả năng thích nghi cao với môi trường nước mặn và sức chống chịu cao với thời tiết khắc nghiệt hơn là vịt đồng, vịt nhà.

Vịt biển chỉ cần nuôi trong khoảng 8 tuần là trọng lượng đạt 2kg; tới tuần tuổi 20-21 thì bắt đầu đẻ trứng, khối lượng vào đẻ 2,56 - 2,75 kg/con, năng suất trứng 235 - 247 quả/mái/năm.

Thượng tá Lương Duy Hạnh - Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca - cho hay: Chúng tôi tiếp nhận 10 chú vịt biển. Tới nay tất cả đều có trọng lượng trên 2kg, một số con mái đã đẻ trứng. Vừa rồi, chúng tôi đã nhận thêm máy ấp trứng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ thử cho ấp nở.

Mùa này, đảo Sơn Ca mưa to, sóng lớn nên chúng tôi chỉ cho vịt quanh quẩn trên đảo phòng vịt ham bơi ra xa lỡ may sóng đánh dập vào đá, chết.

Vùng biển này nhiều ốc biển - nguồn thức ăn khoái khẩu của vịt nên vịt biển phát triển rất tốt. Anh em trên đảo chăm chút cho đàn vịt rất kỹ lưỡng và hy vọng thời gian tới, sẽ nhân đàn.

Thiếu tá Đinh Văn Diệu - Đảo trưởng đảo Đá Lớn A - cũng không giấu nổi niềm vui: Đảo chúng tôi được cấp 12 chú vịt biển, sau 3 tháng nuôi, mỗi chú đều nặng tới 3kg.

Vịt biển bơi giỏi, lớn nhanh, bắt cá siêu đẳng. Trước đây, anh em lính đảo nuôi vịt nhà tốn nhiều công sức, muốn có vịt, phải mang trứng vịt ra ấp nhưng ấp 10 quả thì họa hoằn lắm mới có 1-2 quả nở. Nay, anh em nuôi vịt biển không cần phải chăm sóc nhiều. Vịt biển sẽ giúp bổ sung thêm một vật nuôi đầy ý nghĩa cho đảo.

“Vịt biển rất hợp với Trường Sa. Lứa vịt đầu tiên vừa rồi đã đẻ trứng, chẳng mấy chốc mà đảo An Bang sẽ rộn ràng tiếng kêu quạc quạc hệt như trong đất liền vậy” - Thiếu tá Phạm Tiến Dũng, Phó Đảo trưởng đảo An Bang hồ hởi.

Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, việc nghiên cứu và chọn tạo thành công vịt biển là bước ngoặt lớn trong ngành chăn nuôi thủy cầm.

“Vịt biển rất kiêm dụng, vừa để lấy thịt, vừa để lấy trứng. Vịt biển dễ nuôi và có sức sống cao. Tại các xã đảo tiền tiêu của Tổ quốc, loài này lại càng có ích” - Ông Nguyễn Lân Hùng cho hay.

Theo danviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.