Vĩnh Phúc: UBND tỉnh ban hành Chỉ thị nhằm phòng chống bạo lực học đường

Ảnh minh họa. Báo Vĩnh Phúc
Ảnh minh họa. Báo Vĩnh Phúc

Theo Chỉ thị này, để tăng cường các giải pháp bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho sở GD&ĐT, sở Lao động – Thương binh và xã hội; sở Y tế; sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sở Thông tin và Truyền thông; sở Tư pháp; Công an tỉnh; Tỉnh Đoàn thanh niên; UBND các huyện, thành phố; Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội.

Riêng với sở GD&ĐT chủ trì, UBND tỉnh giao chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, học sinh vi phạm nội quy trường, lớp.

Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho CBQL, giáo viên, người lao động về tư tưởng chính trị, đạo đức, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, kiến thức pháp luật, các quy định của ngành, trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện nền nếp, kỷ cương, kỷ luật tích cực trong trường học; nguyên tắc là vì lợi ích của học sinh, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần, khích lệ và tôn trọng, phù hợp với đặc điểm và sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; triển khai theo thẩm quyền việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh; người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra vụ việc vi phạm.

Đối với trường hợp giáo viên, nhân viên vi phạm, tùy theo mức độ, quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng lao động.

Xây dựng các biện pháp xiết chặt kỷ cương, nền nếp nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh, đánh nhau ở trong và ngoài trường học; học sinh xúc phạm, nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, nhân viên của nhà trường; giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm với học sinh, bạo lực, bạo hành, xâm hại học sinh.

Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nền nếp, kỷ cương trường học; có biện pháp ngăn, ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.

Yêu cầu giáo viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và xử lý tình huống sư phạm; trong quá trình giáo dục, cần tôn trọng sự khác biệt, phù hợp đối tượng, giảm áp lực cho học sinh...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ