(GD&TĐ) - Mới đây, tại xã Ya Xier, Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, Ban liên lạc Trung đoàn 209 cùng chính quyền huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã tổ chức lễ khánh thành, đưa vào sử dụng Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội hy sinh tại chiến trường bắc Kon Tum.
Vậy là sau 44 năm, hố chôn tập thể những liệt sĩ đã ngã xuống ở nơi này một thời bị lãng quên mới được khắc bia, thân nhân của họ có nơi để đến thắp hương. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của Đảng và Nhà nước, những người đồng đội đối với sự hy sinh của các liệt sĩ. Vừa trở về từ lễ khánh thành khu tưởng niệm liệt sĩ, Thượng tướng, PGS. TS Nguyễn Thế Trị nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa VII, VIII, IX, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 209 chia sẻ:
Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 là đơn vị có truyền thống trong 2 cuộc chiến tranh, đơn vị đã tham gia nhiều chiến dịch lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung đoàn được Bác Hồ tặng 6 chữ vàng “ Đoàn kết - Anh dũng – Chiến thắng”. Từ tháng 3 – 6/1968, Trung đoàn 209, Sư đoàn 1- Mặt trận Tây Nguyên đã có nhiều trận đánh với Sư đoàn 4 và Lữ đoàn 173 Mỹ trên đỉnh núi Chư Tan K’ra và các dãy núi xung quanh, như Chư Toác, Chư Tăng An, Chư Gor Tông… thuộc huyện Sa Thầy. Mặc dù có sự chênh lệch rất lớn về lực lượng cũng như vũ khí, song các chiến sỹ Trung đoàn 209 đã chiến đấu với ý chí quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh. Riêng trận chiến ác liệt ở Chư Tăng Kra những chiến sĩ kiên cường của Trung đoàn 209 đã tiêu diệt 204 lính Mỹ. Song, khoảng 200 chiến sỹ phần lớn là con em thủ đô Hà Nội đã anh dũng hy sinh, gửi lại tuổi xuân tươi đẹp trên những ngọn núi, cánh rừng, khe suối của đại ngàn Tây Nguyên.
Thượng tướng, PGS. TS Nguyễn Thế Trị, nguyên Uỷ viên BCHTƯ Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 209 |
Sau chiến tranh, những người lính Trung đoàn 209 phần lớn về với cuộc sống đời thường, hoặc chuyển sang công tác khác. Từ người lính của Trung đoàn 209, tôi trải qua công tác ở nhiều đơn vị, địa phương nên có điều kiện tiếp xúc với các thân nhân liệt sĩ. Tôi thấu hiểu nỗi đau mất mát, sự chờ mong tuyệt vọng của những người vợ, người mẹ, những thân nhân liệt sĩ. Họ mong ước được đưa hài cốt của chồng, con em mình về quê hương trước khi nhắm mắt, trong lòng mới thanh thản. Đó là nguyện vọng chính đáng, đạo lý, phong tục, tâm linh của người Việt. Từ những trăn trở sâu lặng ấy, nhắc nhở chúng tôi phải quyết tâm đi tìm đồng đội.
Thưa Thượng tướng, đến thời điểm nào thì những người lính của Trung đoàn 209 mới bắt tay vào việc đi tìm đồng đội?
Năm 2008, một số cựu chiến binh của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, thuộc lính trong nội thành và huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tự nguyện tổ chức chuyến đi trở lại chiến trường Tây Nguyên để tìm đồng đội. Ròng rã suốt 2 năm, các cựu chiến binh của Trung đoàn 209 đã tổ chức 5 lần đi tìm đồng đội, được cơ quan quân sự huyện Sa Thầy và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Nhưng mới chỉ tìm được hài cốt của 38 liệt sĩ, trong đó 4 liệt sĩ có danh tính. Tháng 5/2009, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh của Trung đoàn 209 được thành lập, tôi được anh em bầu làm Trưởng ban. Rút kinh nghiệm từ những chuyến đi tìm đồng đội trước, chúng tôi quyết định phải phát huy được sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là sự giúp đỡ của Thành Uỷ, UBND thành phố và Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh của Trung đoàn 209 đã triển khai những việc gì, thưa Thượng tướng?
Nhân dịp Hà Nội đang chuẩn bị nội dung kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội; chúng tôi đã làm công văn kiến nghị với Thành Uỷ, UBND thành phố Hà Nội nên có chương trình tri ân với con em Hà Nội đã chiến đấu và hy sinh ở Tây bắc Kon Tum, năm 1968 còn đang bị lãng quên. Chúng tôi xác định, việc tìm kiếm và quy tụ hài cốt liệt sĩ là việc làm lâu dài... Trước mắt, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh của Trung đoàn 209 kiến nghị với lãnh đạo Thành Uỷ, UBND thành phố xây dựng khu nghĩa trang và nhà tưởng niệm để ghi danh con em Hà Nội đã chiến đấu, hy sinh tại mặt trận Tây bắc Kon Tum. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tình nguyện đi sưu tầm, cùng với cơ quan chính sách của Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội về danh sách các liệt sĩ.
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đón hài cốt liệt sỹ Trung đoàn 209, về an táng tại nghĩa trang huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ảnh Hoàng Hả |
Thưa Thượng tướng, sau khi đã gửi những công văn kiến nghị, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh của Trung đoàn 209 có nhận được sự đồng thuận không?
Thành Uỷ, UBND thành phố Hà Nội sau khi đã nghiên cứu công văn đề nghị của chúng tôi đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chính sách đền ơn, đáp nghĩa của Đảng và Nhà nước. Đó còn là tình cảm sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đối với con em mình hy sinh ở Tây Nguyên còn chưa tìm được hài cốt. Với nghĩa cử cao đẹp, đầu năm 2010 thành phố đã cử một đoàn cán bộ quân, dân, chính đảng (Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, Sở LĐTBXH, Sở KHĐT, Sở Tài chính, Sở Xây dựng) do đồng chí Đào Văn Bình Phó chủ tịch UBND thành phố dẫn đầu đã vào kiểm tra, khảo sát ở địa bàn Tây bắc Kon Tum, thuộc xã Asia, huyện Sa Thầy với dự toán ngân sách ban đầu là 19 tỷ đồng.
Đại biểu đoàn cán bộ thành phố Hà Nội, tỉnh Kon Tum, cắt băng khánh thành khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Hà Nội hy sinh tại mặt trận Bắc Kon Tum, ảnh Hoàng Hải |
Tháng 3 năm 2011, Thành Uỷ, UBND thành phố cử một đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố cùng các cơ quan chức năng vào dự lễ truy điệu 81 hài cốt liệt sĩ ở trận đánh nổi tiếng Chư Tăng Kra do các cựu chiến binh của Trung đoàn 209 và cơ quan quân sự huyện Sa Thầy tìm thấy cuối năm 2010. Đoàn lãnh đạo thành phố đã trực tiếp nhận bàn giao mặt bằng 2 ha đất của tỉnh Kon Tum giao cho thành phố Hà Nội. Cuối năm 2011, Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội đã triển khai xây dựng công trình tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ. Mặc dù suy thoái kinh tế nhưng Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội với ý chí quyết tâm cao, đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách để xây dựng công trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Công trình đã khánh thành đúng tiến độ, kịp thời đưa vào sử dụng đúng dịp lễ kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Đây là công trình được hoàn thành với chất lượng cao, trang nghiêm, hoành tráng, có giá trị về văn hóa và ý nghĩa về tâm linh. Khu tưởng niệm là sự tri ân của đồng đội đối với các liệt sĩ – những linh hồn bất tử, làm ấm lòng thân nhân, gia đình liệt sĩ và những người bạn chiến đấu đang đi tìm các anh. Việc thành phố Hà Nội chủ động trích ngân sách để xây dựng khu tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ cho con em Hà Nội hy sinh ở mặt trận Tây bắc Kon Tum là nghĩa cử rất trân trọng. Đây là việc làm tình nghĩa đã phần nào làm vơi đi nỗi khắc khoải Tây Nguyên, làm ấm lòng thân nhân, gia đình liệt sĩ, những người đồng đội chiến đấu của lính Trung đoàn 209. Khu tưởng niệm còn là địa chỉ, cầu nối giáo dục truyền thống yêu nước cho hôm nay và các thế hệ mai sau./.
Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng!
Khu tưởng niệm liệt sỹ Hà Nội tại Kon Tum là công trình mang ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc để tôn vinh, ghi nhớ công ơn, tri ân các anh hùng liệt sỹ, khu tưởng niệm có tổng kinh phí đầu tư gần 25 tỷ đồng, xây dựng trong diện tích gần 2 ha trên một quả đồi. Công trình có 3 hạng mục chính, gồm: Khu A với quần thể khu tưởng niệm, 2 nhà bia, sân hành lễ, phù điêu, sân vườn nội bộ, cấp thoát nước, cây xanh, khu nghĩa trang… Khu B gồm Nhà văn hóa làm nơi đón tiếp khách thập phương và thân nhân các anh hùng liệt sỹ cùng hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ. Hạng mục xây dựng thứ 3 là đường nội bộ nối từ khu A đến khu B dài trên 620m. |
Tuấn Trần (thực hiện)