Gần một năm kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư phổi, nhà văn Nguyễn Khắc Phục - người được mệnh danh là “vua kịch bản lễ hội văn hóa” - đã mãi mãi ra đi, hưởng thọ 69 tuổi.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (sinh năm 1947 tại Sài Gòn, quê gốc ở Trực Ninh, Nam Định) vốn nổi tiếng về viết khỏe. Ông được mệnh danh là “vua kịch bản lễ hội văn hóa”, trong đó có các kịch bản chính cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là đêm bế mạc Thành phố Rồng bay 10.10 trên sân vận động Mỹ Đình. Các tiểu thuyết tiêu biểu gây tiếng vang của ông là: Học phí trả bằng máu, Bay qua cõi chết, Ngôi đền, Thăng Long ký, Hỗn độn...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục mắc căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Mỗi năm ông phát bệnh vài lần, phải vào viện điều trị. Vào tháng 6.2015, ông đón nhận tin dữ, khi bác sĩ phát hiện ông bị mắc ung thư phổi. Bác sĩ tiên lượng khó qua khỏi 6 tháng và ông đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật trong suốt gần một năm qua. Đặc biệt, trong thời gian chiến đấu với bệnh tật, Nguyễn Khắc Phục vẫn chăm chỉ làm việc, viết văn trên giường bệnh, thực hiện những dự định mình còn ấp ủ và chuẩn bị cho sự ra đi. Ông cho in cuốn tiểu thuyết tâm huyết "Hỗn độn". Tâm nguyện của ông là in lại các tác phẩm của mình thành bộ “Nguyễn Khắc Phục để lại", gồm 5 phần: N.K.P gửi lại Tiểu thuyết; N.K.P gửi lại Kịch bản Sân khấu; N.K.P gửi lại Kịch bản Phim truyện và Phim truyện truyền hình; N.K.P gửi lại Thơ và Trường ca; N.K.P gửi lại truyện ngắn-tạp văn-suy ngẫm... cho con cháu và bạn đọc.
Cho đến cuối đời, thống kê chưa đầy đủ, Nguyễn Khắc Phục đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát dàn dựng, công diễn. Trân trọng tài năng và những đóng góp của ông, nhà văn Tô Hoàng đã gọi Nguyễn Khắc Phục là "Number one", là người thổi hồn vào những lễ hội văn hóa.