(GD&TĐ) - Rạng sáng 9/4/2013, nghệ sĩ Văn Hiệp (tức Nguyễn Văn Hiệp) đã trút hơi thở cuối cùng, sau những tháng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư phổi quái ác.
Là diễn viên hài trên màn ảnh nhỏ, nghệ sĩ Văn Hiệp đã chiếm được tình cảm mến mộ của công chúng khi ông vào vai những nông dân hiền lành, dễ tính, đôn hậu. Đặc biệt, vai diễn hóa thân vào nhân vật trưởng thôn của ông đã khiến công chúng ủng hộ, đồng tình mến mộ. Nhưng, ít ai ngờ, vị diễn viên già đáng yêu này đang bị căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Ông đau ốm suốt thời gian qua, không đóng thêm được phim nào nữa. Không chỉ có vậy, ông còn bị căn bệnh đại tràng liên tục hành hạ. Vì vậy, trên màn ảnh nhỏ, vắng bóng vị trưởng thôn thân thuộc hóm hỉnh ngày nào...
Là diễn viên hài, nhưng Văn Hiệp lại là người có bi kịch trong cuộc sống. Hôn nhân của ông không bình lặng, yên ấm. Một mình nuôi con hơn 20 năm, khi vợ ra nước ngoài kiếm sống, người nghệ sĩ đã dành toàn bộ đam mê cho những vai diễn để đời. Là người nhân hậu, Văn Hiệp đã gánh trọn những trách nhiệm bổn phận về mình, và luôn cố gắng đem đến những tiếng cười trẻ trung, châm biếm hoặc nồng hậu cho công chúng. Khát vọng của ông, là sự cống hiến cho nghệ thuật - tận đến lúc linh cảm rằng, mình đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa, sau những vai diễn cuộc đời...
Hình ảnh dân dã, xuề xòa của nghệ sĩ hài Văn Hiệp |
Ông là một trong những diễn viên cao tuổi có những vai diễn để đời, sau Trịnh Mai, Hồ Kiểng... Sự nhập thân của ông là sự nhập thân của số phận, của tâm tư và khát vọng con người. Nhỏ nhắn, khuôn mặt khắc khổ, phong cách xuề xòa, nghệ sĩ hài Văn Hiệp thường được giao những vai lão nông thật thà tốt bụng. Các vai diễn của ông dù là chính diện hay phản diện, đều có điểm chung là mang lại tiếng cười cho người xem. Tiếng cười sảng khoái, như trút đi sự hồ nghi, xua tan mệt mỏi, tiếng cười để công chúng nghệ thuật gặp lại chính mình...
Không biết sau Văn Hiệp, có một “ông trưởng thôn” nào khác đi dọc theo con đường làng, nụ cười hóm hỉnh, mặc bộ ka ki cũ... tất tả giữa bộn bề công việc nhà nông nữa không?
Sinh năm 1942, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội, ông tốt nghiệp khóa đầu tiên Đại học Sân khấu - Điện ảnh, cùng khoá Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Doãn Châu. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về công tác tại Nhà hát kịch Việt Nam. Từ 1963 đến 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch T.Ư và năm 1990 chuyển công tác sang Cục Văn hoá Thông tin. Nghệ sĩ Văn Hiệp nghỉ hưu từ năm 2002. |
Thiết nghĩ, theo quy luật, sự hội ngộ hay ra đi, của sinh tử là lẽ thường tình... Nhưng, điều đó không có nghĩa là Văn Hiệp sẽ biến mất trong tâm thức công chúng. Văn Hiệp đã và mãi còn trong tâm trí mỗi chúng ta... Bởi làng quê Việt Nam, con đường, bờ đê, đồng lúa, mái đình, giếng nước, gốc đa..., ở đâu, cũng in bóng “ông trưởng thôn - nghệ sĩ” Văn Hiệp. Có nghĩa là, bất luận thế nào đi chăng nữa, ông đã trở thành nghệ sĩ nhân dân – danh hiệu mà công chúng thừa nhận đối với Văn Hiệp.
Vì vậy, đây là chuyến đi xa của ông, dù muốn hay không, ông vẫn mãi trở về trong tâm tưởng của công chúng, đồng nghiệp mãi mãi yêu quý và thương tiếc ông.
Với Văn Hiệp, bi kịch được đặt trong hài kịch. Đây không chỉ là bi kịch cá nhân, lớn hơn là bi kịch giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa tài năng và danh hiệu. Ông không phải là nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân - nhưng đối với thế hệ nghệ sĩ sau ông, ông được tôn vinh và thừa nhận như một người thầy đích thực, bởi cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ. Ông có làm bài thơ nói về thân phận giun, như lời tự trào cho số phận mình: "Đất và giun và rất nhiều giun / Đã biến nỗi đau cằn cỗi tối tăm thành nắng xanh, xanh thẳm / Cho cây đời vượt cạn nhú chồi non / Mình thế đấy, đất gọi chúng mình là những nghệ sĩ giun"...
Đáng kính thay, nghệ sĩ giun Văn Hiệp!
Ngân Hà