GS.TS Phạm Đức Dương |
GS. TS Phạm Đức Dương - người đặt nền móng và xây dựng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và ngành Đông Nam Á học ở Việt Nam vừa từ trần lúc 3h sáng ngày 8/12 tại Hà Nội.
Xin giới thiệu bài viết của PGS. TS Ngô Văn Doanh -nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á - về ông.
GS. TS Phạm Đức Dương sinh ngày 21/10/1930, tại làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Sau hơn mười năm chiến đấu ở chiến trường Lào, năm 1959 ông về nhập học tại khoa Văn trường Tổng hợp Hà Nội (khóa 4) và tốt nghiệp năm 1963. Do có thành tích học tập xuất sắc, ông được cử sang Liên Xô học và bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ năm 1970. Ông là một chuyên gia về Ngôn ngữ dân tộc và Đông Nam Á học ở Việt Nam và được phong chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học từ năm 1991.
Khi Ban Đông Nam Á được thành lập năm 1973, GS Phạm Đức Dương là một trong những lãnh đạo chủ chốt. Từ năm 1975, ông là Trưởng Ban. Năm 1984, Ban Đông Nam Á phát triển thành Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, GS Phạm Đức Dương trở thành Viện trưởng đầu tiên của Viện và ở cương vị lãnh đạo đến năm 1994. Ông còn là Tổng biên tập đầu tiên của tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (1990 - 1994). GS Phạm Đức Dương đã dành hết tâm huyết của mình cho việc xây dựng và củng cố Hội Khoa học Đông Nam Á. Với cương vị là Chủ tịch từ ngày đầu thành lập cho đến những ngày cuối đời, GS Phạm Đức Dương đã có vai trò lớn và quan trọng trong những hoạt động và sự phát triển của Hội Khoa học Đông Nam Á.
Không chỉ là người lãnh đạo Viện, Tạp chí và Hội, GS Phạm Đức Dương còn có những đóng góp to lớn mang tính nền móng cho ngành Đông Nam Á học ở Việt Nam bằng những công trình nghiên cứu và công việc giảng dạy của mình. Do có lợi thế là được sống và chiến đấu ở Lào trong nhiều năm và là nhà ngôn ngữ học tiếng Lào, kể từ khi chuyển sang làm việc ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, GS Phạm Đức Dương không chỉ tham gia tổ chức nghiên cứu mà còn trực tiếp viết nhiều công trình khoa học về ngôn ngữ và văn hóa Lào, văn hóa Đông Nam Á, trong đó có những công trình mang tính nền móng và khai mở như “Ngôn ngữ và văn hóa Lào trong bối cảnh Đông Nam Á” (Nxb Chính trị quốc gia, H, 1998), “Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á” (Nxb KHXH, H, 2000), “Từ văn hóa đến văn hóa học”(Nxb VHTT, H, 2002.)…
GS Phạm Đức Dương còn tham gia tích cực vào sự nghiệp đào tạo và giảng dạy về văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á ở nhiều Viện Nghiên cứu và các trường Đại học cả trong và ngoài nước. GS Phạm Đức Dương là người đi tiên phong trong việc biên soạn giáo trình và giảng dạy trong trường đại học bộ môn Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á. Những cố gắng liên tục, không mệt mỏi của ông đã đơm hoa kết trái. Bộ môn Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á đã được mở và giảng dạy ở nhiều trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước.
Cuốn sách “Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á” của ông đã trở thành giáo trình của bộ môn này. Ông cũng đã dạy và hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh và học viên trong đó có các học viên và nghiên cứu sinh nước bạn Lào. GS Phạm Đức Dương còn đuợc biết tới không chỉ với tư cách là một chuyên gia đầu ngành mà còn là người thày có trái tim hồn hậu. Thư viện gia đình của ông luôn rộng cửa chào đón những độc giả ham thích khoa học, những sinh viên nghèo không có điều kiện mua sách.
GS.TS Phạm Đức Dương đã cống hiến cả cuộc đời khoa học của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Đông Nam Á học Việt Nam.
PGS. TS Ngô Văn Doanh
Theo Báo Nhân dân