Việt Nam gia nhập AEC & TPP: “Chậm chân” sẽ thua ngay trên “sân nhà” (2)

GD&TĐ - Nền kinh tế VN hiện nay đã thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển, nhưng so với các siêu cường như: Mỹ; Nhật Bản; hoặc các cường quốc như Canada; Singapore; Australia… (đều là thành viên TPP) thì như “chú nhóc” đối đầu với “gã khổng lồ” vậy.

Việt Nam gia nhập AEC & TPP: “Chậm chân” sẽ thua ngay trên “sân nhà” (2)

• KỲ II: CUỘC CẠNH TRANH KHÔNG CÂN SỨC

Dấu hiệu tụt hậu đã thấy rõ

Gia nhập AEC và TPP, có thể thấy rõ những cơ hội, những lợi thế và sức mạnh. Cơ hội bao giờ cũng đi liền với thách thức. Thậm chí, nếu không kịp thời nắm lấy cơ hội để tự “lột xác” sớm vươn lên, thì cơ hội sẽ mất đi, khi đó những thách thức sẽ ngày càng đè nặng, Việt Nam (VN) sẽ ngày càng tụt hậu. Sự cảnh báo này đối với VN, được bạn bè quốc tế đưa ra từ lâu và là sự thật không ai không biết.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định: “…Nền kinh tế của ta vẫn gia công là chính. Kinh tế chủ yếu của ta vẫn là “hàng đóng bao chứ không phải hàng đóng gói”. Gạo, hạt tiêu, cao su, cà phê, điều, hàng may mặc… của VN ở thứ hạng cao của thế giới nhưng đều “đóng bao to” để xuất khẩu, chứ chưa thành “gói nhỏ” được tinh chế, được sản xuất, chế biến theo quy trình công nghệ nghiêm ngặt. Các “bao đóng to” đó chưa có thương hiệu quốc tế, thiếu hàm lượng trí tuệ cao…

Ta chưa có một ngành Công nghiệp nào thật sự “ra tấm ra món”: Luyện kim; Cơ khí; Đóng tàu; Ô tô; Điện tử - Điện lạnh… Ngành nào cũng có “chiến lược” từ nhiều năm nay, nhưng kết quả triển khai khá ì ạch. Hiện nay, khoảng 80% sản lượng Công nghiệp của ta là do công nghiệp phụ trợ sản xuất ra…”.

Theo Báo cáo chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), VN đã vượt lên 2 bậc từ thứ hạng 70 (2013-2014) lên 68/144. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng này so với ASEAN, VN chỉ ở nhóm trung bình – cao hơn Lào; Campuchia và Myanmar.

Cũng theo xếp hạng của WEF từ báo cáo nói trên: trình độ công nghệ của VN được xếp 99/144 quốc gia được khảo sát – mức độ trung bình ở ASEAN. Mức chi tiêu của các doanh nghiệp VN cho đầu tư và phát triển, cũng như khả năng sáng tạo – đổi mới của các doanh nghiệp VN chỉ xếp trên Campuchia và Myanmar.

Hiện nay, một số ngành như: Bưu chính – Viễn thông; Dầu khí; hàng Điện tử gia dụng; Thủy điện; Xi măng… của VN đã áp dụng khá nhiều công nghệ cao, còn lại các ngành sản xuất – kinh doanh – dịch vụ khác vẫn sử dụng công nghệ quá lỗi thời của thập niên 60-70 của thế kỷ trước (?!). Nước ta đang có khoảng 600.000 doanh nghiệp, nhưng 90% lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính): Chúng ta có gần 85% doanh nghiệp chính thức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, có doanh thu hàng năm mỗi doanh nghiệp bình quân dưới 20 tỷ đồng (chưa đầy 1 triệu USD), trong đó có gân 20% có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ VN đồng. Năm 2014, khoảng 64% doanh nghiệp tư nhân cả nước khai báo kinh doanh không có lãi, không có lợi nhuận để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ở các nước phát triển, thủ tục thuế chỉ mất rên 100 giờ/năm, trong khi ở VN lên tới hơn 700 giờ. Thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ở nước ta kéo dài 3-4 ngày, trong khi các nước phát triển chỉ mất vài tiếng đồng hồ.

Khó tránh khỏi “bẫy thu nhập trung bình” & trình độ tay nghề yếu kém

Giáo sư Ohno – chuyên gia kinh tế nổi tiếng Nhật Bản - kết luận: “Sau một vài năm đạt mức thu nhập trung bình thấp, bẫy thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi, mà đã trở thành thực tế ở VN”.

Chứng minh nhận định này, PGS TS Phan Đức Dũng – ĐH Quốc gia TP HCM và thạc sĩ Nguyễn Hồng Thu – ĐH Thủ Dầu Một - cho biết: VN mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp, thể hiện tiền lương tối thiểu tăng nhanh hơn năng suất lao động. Nền kinh tế nước ta đang có một số dấu hiệu trì trệ (nếu không muốn nói là tụt hậu). Cụ thể, hệ số sử dụng vốn cao, nghĩa là đồng vốn bỏ ra lớn nhưng hiệu quả không cao.

Bên cạnh đó, chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” cho sự tăng trưởng kinh tế giảm, nghĩa là đầu tư vốn lớn nhưng lãi quá thấp – thậm chí lỗ vốn.

Ở nước ta từ 2009-2012, năng suất lao động tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 3,7% cho toàn bộ nền kinh tế và 5,1% cho khu vực sản xuất. Trong khi đó, tiền lương danh nghĩa tăng với tỷ lệ 25,9%/năm cho toàn bộ nền kinh tế và 23,5% cho khu vực sản xuất. Do đó, khả năng cạnh tranh về chi phí của nước ta bị mất đi với tỷ lệ hàng năm 22,7% cho toàn bộ nền kinh tế và 18,3% cho khu vực sản xuất.

Hơn nữa, giai đoạn này, đồng tiền VN bị mất giá so với đồng đô la Mỹ với tỷ lệ 5,5%/năm là quá nhỏ, không thể đủ bù đắp cho tốc độ mất khả năng cạnh tranh của nền kinh tế VN lên đến 22,7% / năm (tính bình quân).

Đầu tư vào thị trường VN khả năng sinh lợi không cao, thậm chí có thể lỗ vốn. Sự “lỗ vốn” có nhiều nguyên nhân gây ra, như TS Võ Trí Thành – phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương mổ xẻ thẳng thắn: “…Các doanh nghiệp VN mãi nhỏ, khó lớn nhanh, đang có xu hướng cá thể hóa. Lực cản lớn nhất đó là vấn đề tranh chấp quyền tài sản đói với tài sản thế chấp của ngân hàng và quyền tài sản của người đi thế chấp. Lực cản thứ hai là vấn đề xử lý nợ xấu quá khó khăn.

Lực cản thứ ba là sự cạnh tranh và khả năng tiếp cần nguồn vốn – công nghệ - đất đai của VN yếu kém. Cuối cùng là báo động về tinh thần học hỏi, tay nghề - kỹ năng – trình độ chuyên môn của LĐ nước ta cũng còn khá non yếu. Đáng lo hơn, các doanh nghiệp VN đang “đau đầu” bởi chi phí lót tay, chi phí lại quả khi giao dịch quá lớn. Chưa kể các sắc thuế và các loại lệ phí (ngầm và công khai) cũng đang đè nặng lên đầu các doanh nghiệp. Các lực cản này cần sớm phải được loại bỏ, nếu không chúng ta sẽ tự thua ngay trên sân nhà…”.

Vẫn câu chuyện về năng suất lao động, theo ILO: năng suất LĐ của VN hiện nay thuộc nhóm thấp nhất Châu Á – Thái BÌnh Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Bốn nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng rất đáng lo này. Thứ nhất: Tỷ trọng LĐ thuộc các ngành Nông – Lâm nghiệp và Thủy sản vẫn ở mức cao. Thứ hai: Chất lượng nguồn LĐ thấp, cơ cấu đào tạo bất hợp lý (thừa thầy – thiếu thợ) tăng cao, hiệu quả sử dụng LĐ đã qua đào tạo còn thấp. Thứ ba: Máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất còn lạc hậu. Thứ tư: Trình độ tổ chức, quản lý doanh nghiệp còn yếu.

Đón xem kỳ III: Góc nhìn từ những “Quả đấm thép”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ