• KỲ I: AEC & TPP: KHU VỰC KINH TẾ NĂNG ĐỘNG NHẤT THẾ GIỚI - MỪNG ÍT LO NHIỀU
Cần những bước đi vững chắc khi vào AEC
AEC gồm 10 quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - không tính Đông Timor – hiện có hơn 620 triệu dân, trong đó có khoảng 300 triệu người trực tiếp tham gia lao động (LĐ). Từ năm 2007 đến nay, AEC đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế lên đến 5,1%, trong khi tốc độ bình quân toàn thế giới chỉ đạt 3,3%. Gần 3.000 tỷ USD, đó là quy mô GDP (thu nhập quốc dân tính theo đầu người) hiện nay của AEC.
Từ năm 2015 trở đi, có 8 ngành nghề được tự do di chuyển LĐ thông qua các thỏa thuận tay nghề tương đương ở thị trường AEC đó là: Kế toán; Kiến trúc sư; Kỹ sư; Vận chuyển; Nhân viên Du lịch; Y tá – Nha sĩ và Bác sĩ.
Khi tham gia AEC, LĐ có tay nghề và Kỹ năng cao chủ yếu di chuyển vào thị trường 3 quốc gia có nên kinh tế mạnh nhất ASEAN là: Singapore; Malaysia và Thái Lan. Còn lại LĐ có tay nghề thấp hoặc kỹ năng yếu kém sẽ di chuyển trong các nước ASEAN còn lại (trong đó có VN) (theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO).
Đối với VN, thu nhập bình quân tính theo đầu người (GDP) so với ASEAN đã gia tăng tỷ trọng từ 5,8% năm 2006 lên 7,4% năm 2014. Điều đó chứng tỏ nước ta đã có những chính sách thích hợp trong phát triển kinh tế, đã biết khéo léo khai thác và tận dụng cơ hội trước khi chuẩn bị gia nhập AEC.
Với chính sách thúc đẩy nền kinh tế hướng về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của VN đã gia tăng mạnh và ổn định, từ mức 32,44 tỷ USD năm 2000 lên 150,22 tỷ USD năm 2014. Cũng trong giai đoạn này, KNXK của VN trong nội khối ASEAN vẫn duy trì tỷ trọng 16-18% tổng KNXK và gia tăng lên 19% vào năm 2014. Hết năm 2014, VN đã cắt giảm 6.987 dòng thuế - đưa tỷ lệ cắt giảm dòng thuế lên đến 93%. Điều này cho phép hàng hóa từ thị trường AEC thuận lợi xâm nhập vào thị trường VN.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia: Peter A. Petri; Michael G. Plummer và Fan Zhai (năm 2011), GDP và KNXK của VN nói riêng và các nước thành viên TPP sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, dự báo đến năm 2020- khi TPP có hiệu lực, thì GDP của VN sẽ đạt 340 tỷ USD (tăng 35% so với 2014) và KNXK sẽ đạt 239 USD (tăng 59% so với 2014).
Tham gia AEC, VN có nhiều cơ hội gia tăng việc làm mạnh mẽ nhất gồm: Sản xuất lúa gạo; Chế biến lương thực; Chế biến & nuôi trồng thủy sản (chủ lực là tôm – cá); Xây dựng; Dệt - May và Vận tải. Dự báo của ILO, khi gia nhập AEC, số việc làm cho LĐ VN sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. AEC là một “sân chơi thống nhất, một “đại công xưởng” chung, với các nguồn lực thống nhất về: hàng hóa – dịch vụ - nguồn vốn và LĐ.
TPP – “sân chơi” rộng lớn hơn – khắc nghiệt hơn nhiều so với AEC
Ngày 4/2/2016, Hiệp định đối tác xuyên Thái BÌnh Dương (TPP) đã được ký kết chính thức giữa 12 quốc gia: Australia; Canada; Brunei; Chile; Nhật Bản; Malaysia; Mexico; New Zealand; Peru; Singapore; Hoa Kỳ và VN. Đây là khu vực kinh tế hàng đầu thế giới với quy mô hơn 800 triệu dân, chiếm 40% GDP toàn cầu và 30% giá trị thương mai toàn thế giới. Hiện nay tổng quy mô GDP của 12 nước TPP đạt trên 20.000 tỷ USD.
Theo PGS TS Phan Đức Dũng (ĐH Kinh tế - Luật thuộc ĐH Quốc gia TP HCM), là thành viên TPP, VN sẽ là một trong những nước có lợi nhiều nhất. VÌ mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cả hàng hóa đối với các hoạt động dịch vụ. TPP sẽ cho phép mức độ giao dịch thương mại lớn và các khoản đầu tư lâu dài hơn với các quốc gia còn lại, trong đó các khoản đầu tư quan trọng nhất đối với VN là Hoa Kỳ. Khi thu nhập quốc dân cao hơn sẽ cho phép VN đầu tư nhiều hơn và tăng trưởng nhanh hơn. TPP sẽ giảm những lực cản đối với xuất khẩu và giúp VN có vị trí cạnh tranh mạnh mẽ trong TPP”.
Cũng theo PGS TS Phan Đức Dũng, lợi ích từ TPP chủ yếu tập trung vào hàng hóa xuất khẩu của VN – nền kinh tế định hướng xuất khẩu – được hưởng các mức thuế suất ưu đãi (0-5%) ở các thị trường đối tác trong TPP – đặc biệt là Hoa Kỳ. Vn sẽ có cơ hội lớn, được “tắm mình” trong môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, mang lại dịch vụ giá rẻ hơn – chất lượng tốt hơn cho người tiêu dùng. Qua đó, VN sẽ có nhiều thuận lợi để đổi mới khoa học – công nghệ sản xuất, phương thức quản lý kinh doanh, sức ép cải tổ sẽ buộc các đơn vị dịch vụ nội địa VN sớm hòa nhập với cung cách “làm ăn” tiến bộ nhất thế giới”.
Sự tác động của AEC – đặc biệt là TPP đối với kinh tế VN được dự báo sẽ tạo “bước ngoặt” lich sử to lớn. Như thạc sĩ Trần Tấn Hùng – ĐH Thủ Dầu Một phân tích: Với những đại gia hàng đầu của nền kinh tế toàn cầu như: Hoa Kỳ; Nhật Bản; Canada và các nước phát triển tên tuổi như: Singapore; Australia; New Zealand; Mexico; Malaysia; Thái Lan, việc VN gia nhập AEC và TPP là thời cơ vàng, để tăng cường hơn nữa hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của VN lâu nay vào các quốc gia này. Đó là sản phẩm: Dệt – May; Da – Giày; Đồ gỗ; Thủy sản; Lúa – gạo; Tiêu; Cao su; Điều; Cà phê…
Đón xem kỳ II: Cuộc cạnh tranh không cân sức