Việt Nam chưa đủ điều kiện công bố hết dịch

Việt Nam chưa đủ điều kiện công bố hết dịch

Dịch trong cộng đồng cơ bản được khống chế

Ngày 26/2, Thủ tướng ban hành quyết định sửa đổi một số điều về quy định điều kiện công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Cụ thể, bệnh Covid-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày. Do đó, căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 là 28 ngày không phát hiện ca nhiễm mới.

Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 không để lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Y tế cũng cho rằng, khả năng xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại Việt Nam ở mức rất thấp. Chính vì vậy, Chính phủ đã quyết định nới lỏng các biện pháp để Việt Nam có thể đưa cuộc sống trở lại bình thường và tập trung cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch và vẫn phát triển kinh tế.

“Còn vấn đề Việt Nam có công bố hết dịch hay không, chúng tôi xác định đến khi có đủ điều kiện và không còn ca nào nhiễm bệnh thì mới công bố. Chúng ta vẫn đặt trong tình trạng luôn luôn sẵn sàng, không được chủ quan, lơ là, để bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả”, Thứ trưởng Long phát biểu.

Chưa đủ điều kiện công bố hết dịch

Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết: “Về mặt nguyên tắc, Việt Nam vẫn chưa đủ điều kiện để công bố hết dịch. Lý do là bởi, chúng ta mới chỉ hết dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, cả nước vẫn ghi nhận những ca mắc Covid-19 mới và số người nhiễm đang ngày càng nhiều”.

Cụ thể, Việt Nam đang ghi nhận nhiều người từ nước ngoài trở về. Do đó, có thể vẫn có nguy cơ dịch xâm nhập vào cộng đồng mà chúng ta không thể biết. PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, vì những yếu tố trên, Chính phủ cũng như người dân Việt Nam đều chưa thể chủ quan và chưa thể “buông súng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc các địa phương đã không để xảy ra ca nhiễm mới trong cộng đồng. Ông kêu gọi các lực lượng y tế, quân đội, công an, chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch. Yêu cầu các cơ quan phải bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết không để dịch quay lại. Tiếp tục ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Giao Bộ Y tế nghiên cứu, sớm đề xuất việc công bố hết dịch và chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 cho giai đoạn mới, lâu dài, bảo đảm hiệu quả về y tế, bền vững về kinh tế.

“Nếu Việt Nam công bố hết dịch ở thời điểm này, các cơ quan phòng, chống dịch sẽ ngừng hoạt động. Khi đó, những tổ chức này không thể tự chủ kinh phí để duy trì hoạt động chống dịch. Hiện tại, chúng ta vẫn luôn trong tâm thế sẵn sàng phòng, chống Covid-19”, ông Nga nói thêm.

Chuyên gia nhấn mạnh, mặc dù nhiều ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng, nhưng nguy cơ từ những người ở nước ngoài về vẫn còn. Trong nước ta, người dân có thể coi là đã được giải tỏa và hoạt động tự do hơn. Tình hình dịch bệnh trong cộng đồng về cơ bản cũng đã được khống chế. Tuy nhiên, không ít trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở và không thể kiểm soát được.

“Nếu những cá nhân này nhiễm Covid-19, dọc đường họ có thể lây bệnh cho bất kỳ ai. Chúng ta không thể kiểm soát được điều đó. Vì vậy, chúng ta cần luôn sẵn sàng chống dịch và đó là lý do chưa thể công bố hết dịch”, PGS Nga nói.

Chuyên gia nhấn mạnh, để công bố hết dịch, Việt Nam phải không ghi nhận bất cứ ca nhiễm Covid-19 nào trong 28 ngày, không tính riêng ở cộng đồng. Một số thành phố tại nước ta có thể đủ điều kiện công bố hết dịch. Tuy nhiên, trên cả nước thì chưa thể.

“Nếu chúng ta công bố hết dịch ở thời điểm này, người dân có thể sẽ chủ quan và những cơ quan giám sát dịch không hoạt động chặt chẽ như trước. Ngoài ra, sẽ có không ít trường hợp không khai báo y tế, hoặc đến cơ sở y tế dù có những triệu chứng nghi nhiễm Covid-19. Ví dụ, những quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc, dù dịch chưa hết hẳn nhưng mọi người có tâm lý mất cảnh giác, dẫn đến sự bùng phát của dịch. Do đó, chúng ta phải dập dịch triệt để”, PGS Nga nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, mục đích của việc công bố hết dịch là để thu hút du khách quốc tế, khiến họ có cảm giác an toàn khi tới nước ta. Tuy nhiên, hiện tại, điều đó chưa cần thiết vì “chưa có nhu cầu cấp bách”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ