Việt kiều Mỹ kể chuyện "đánh nhau" vì Lý Hùng - Diễm Hương

Cả huyện ai cũng mê Lý Hùng với Diễm Hương, ghét Mộng Vân, Y Phụng, Lê Tuấn Anh. Tụi tôi chắc chắn Lý Hùng với Diễm Hương yêu đương. Có đứa cãi bảo đó chỉ là phim thôi. Nhiêu đó mà nhào vô đánh sứt đầu mẻ trán.

Việt kiều Mỹ kể chuyện "đánh nhau" vì Lý Hùng - Diễm Hương

Cả huyện có rạp chiếu bóng to lắm, chiếu mấy phim Chí Phèo, Thằng Bờm, Tắt đèn, Dòng sông hoa trắng, Ván bài lật ngửa... Tới thời phim "mì ăn liền" thì cả huyện ai cũng mê Lý Hùng với Diễm Hương, ghét Mộng Vân, Y Phụng, Lê Tuấn Anh như gì. Phim nào có họ cũng coi, từ Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh - Lý Thông, tới Nước mắt học trò, Vĩnh biệt Cali...

Mà chỉ khi nào Lý Hùng với Diễm Hương đóng chung mới đầy rạp, chứ Lý Hùng đóng với Việt Trinh, Thu Hà, hay Diễm Hương đóng với Thái San, Công Hậu... sẽ ế òm, lèo tèo nửa rạp.

Tụi tôi chắc chắn Lý Hùng với Diễm Hương yêu đương, mai mốt sẽ ưng nhau. Có đứa đứng lên cãi bảo đó chỉ là phim thôi, chứ ở ngoài họ có bồ bịch hết rồi. Nhiêu đó mà cũng nhào vô đánh cho sứt đầu mẻ trán. Thề lớn lên, vô Sài Gòn thi đại học, gặp hai người ấy hỏi cho ra lẽ mới vừa lòng hả dạ.

Nhưng nhớ thương và nhiều kỷ niệm nhất là mỗi đêm í ới gọi nhau đi coi tivi hàng xóm. Cả làng chỉ có hai cái tivi trắng đen của anh Hưng và bà bốn Xóm, nhỏ bằng màn hình vi tính 15 inch, hột é trên màn hình nhiều như trái rạ.

Anh Hưng để tít trên lầu, hình người lưng dài hơn chân. Muốn coi phải đi qua mấy con chó dữ dằn nên ít người dám ghé. Nhà bà bốn Xóm nằm trong hẻm tối hù, nhưng là chỗ cho tụi con nít tụ tập, xếp hàng như cá mòi, coi đài Khánh Hoà với Bình Định, sau này mới có VTV. Đêm thứ Bảy có cải lương là đông như hội. Tuần nào có kịch nói hay chèo, ế ẩm hổng ai thèm đi.

Sau này nhà mợ Sáu Lựu có cái tivi màu JVC đầu tiên của xóm cũng là thời điểm chiếu Tây du ký. Phải nói đó là giai đoạn mê ly nhất của tụi tôi. Đêm nào cũng nôn nao chờ tới giờ để coi cho đã mắt, rồi chửi bới nhau từa lưa, đầu mày cao quá, tóc rối nùi thấy ghê, nóng nực, có mấy đứa "đánh bom", thúi quá trời.

Nhiều khi buồn ngủ muốn chết mà cũng ráng ngồi coi. Gật gà gật gù tới lúc mợ đánh cái rầm, hết tivi rồi con, mới lật đật chạy về nhà ngủ.

Một dạo mấy hàng bánh kẹo bán những bịch bắp nổ, cốm dẻo, đậu phộng, thèo lèo có kèm theo tấm hình của nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ yêu thích. Trời ơi, tụi tôi giấu ba trốn má, sáng nào cũng nhịn đói đi học, để dành tiền mua mấy bịch đồ ăn vặt về, sưu tầm hình Tề Thiên, Đường Tăng, hay Minh Vương, Lệ Thủy, Diễm Hương, Lý Hùng… rồi chia sẻ, trao đổi cho nhau xong đem vô cặp giấu kĩ như một món đồ thế gian hiếm có.

Tôi có mấy trăm tấm như vậy, cất kĩ quá trời. Nhưng phong trào mà, chơi được vài tháng đâm ra chán lù, quăng cái hộp đựng hình ở đâu không nhớ.

Lúc đó coi phim người lớn là chuyện động trời. Nhiều khi nghe mấy ông anh chung xóm rỉ rả chuyền tay nhau cái băng, cũng nôn nao trong lòng nhưng đâu dám mở lời cho coi ké.

Hồi đó cũng ngây thơ, đâu biết gì, con gái con con trai cứ nhào vô đánh lộn, ôm nhau xà nẹo. Chắc mười bốn mười lăm tuổi gì đó tôi mới biết mặc quần lót, còn không sáng nào ngủ dậy cũng nằm... khép nép, e lệ, phải chục phút sau mới thở phào đi lại bình thường, oai vệ.

Lập phe hát cải lương, ai "trùm" thì đóng "chính nhơn quân tử"

Tôi là dân miền Trung nhưng mê cải lương lắm. Tuồng nào trên tivi cũng thuộc từ đầu tới đuôi. Nhiều khi cứ nghĩ kiếp trước mình là soạn giả hay đào kép cũng không chừng.

Báo Sân Khấu anh chị mua, tôi chỉ ghé mắt qua xem ké. Vậy mà đoàn nào, hát tuồng gì ở Sài Gòn tôi nắm rõ trong lòng bàn tay. Lệ Thủy với Lương Tuấn hát chánh ở 2-84, nổi tiếng với Áo cưới trước cổng chùa hay Trắng hoa mai.

Phượng Liên với Minh Vương đóng đô ở Sân khấu tài năng, nghe đâu hát Nửa đời hương phấn với Nỗi oan thị Kính cháy cả rạp. Mỹ Châu với Tuấn Thanh làm mưa làm gió trên Sài Gòn 2 với Nàng Hai Bến Nghé, Tâm sự Ngọc Hân…

Có lần đoàn Văn công Thành phố với Minh Phụng, Diệu Hiền ghé qua, trời ơi, tôi nhỏ xíu xiu, tới cổng khóc nức nở với mấy chú soát vé thế nào mà họ cho tôi vô hai đêm liên tục coi Lâm Sanh Xuân Nương với Chiếc bóng và nỗi oan tình khóc sưng hết mắt.

Sau này có thêm Sài Gòn 3 với Thanh Kim Huệ, Chí Hải, rồi Huỳnh Long với Ngọc Huyền, Đức Lợi, Bạch Mai, Tiểu Linh hát Về đất Kinh Châu, Xử án Phi Giao. Tôi không bỏ sót đêm nào hết.

Thỉnh thoảng chú bán tập bài ca kèm cà rem kem chuối chạy xe đạp ghé qua. Tôi mua liền mấy tuồng, ra vườn của ngoại chia phe, lập thành đoàn hát. Trong nhóm lóc chóc loi choi đó, tôi một là lớn tuổi, hai là vai vế cao nhất nên xếp sòng, coi như... ông trùm sẽ chia vai cho từng đứa.

Tôi chỉ đóng vai chính nhơn quân tử, vua chúa với hoàng tử, hiệp sĩ này nọ thôi. Còn mấy vai nịnh thần gian manh hay kép nhì, kép ba chẳng bao giờ thèm. Mà một khi đã phân vai phải nhận. Đứa nào không chịu hát, tôi không cho làm kép với đào, đày xuống làm quân lính hay nữ tì, có nước khóc ròng.

Lớn rồi, tôi từng ghé Sài Gòn không biết bao nhiêu lần, đủ tiền mua vé hàng đầu ngồi nghe các nghệ sĩ Phượng Liên, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương xuống xề vọng cổ. Đã gặp nhiều người ngày xưa mình ái mộ vô tình đi ngang trên phố đông đen nhưng hổng có chạy lại xin chữ kí hay chụp hình chung như ngày xưa vẫn nghĩ. Và cũng quên mất ước mơ đi tìm gặp Lý Hùng với Diễm Hương hỏi thử ngoài đời anh chị có yêu nhau không.

Theo Thanh niên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ