Viện KSND cấp cao chỉ ra án sai của tòa Bình Định

Viện KSND cấp cao chỉ ra án sai của tòa Bình Định

Tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm

Bị cáo trong vụ án này là Nguyễn Thị Thanh Nguyệt (SN 1981) trú ở khu phố Trung Tín 1, thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước (Bình Định).

Kết quả điều tra, truy tố và xét xử cấp sơ thẩm cho thấy, khi còn đương nhiệm chức trách kế toán Công an huyện Tuy Phước, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 7/2017, Nguyệt đã sử dụng sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng minh công an nhân dân (CAND) của người chồng và mượn chứng minh CAND, thẻ đảng viên của đồng nghiệp để scan thêm phiên bản màu rồi ép nhựa, mang đi thế chấp vay tiền.

Bằng thủ đoạn này, Nguyệt đã lừa đảo chiếm đoạt 3,545 tỷ đồng của 4 người dân ở Bình Định là Huỳnh Thị Bảo Hiền, Huỳnh Thanh Vọng, Võ Thị Mỹ Nữ, Nguyễn Thị Thơ.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 36/2019/HSST ngày 20/6/2019 của TAND tỉnh Bình Định, đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nguyệt 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về dân sự buộc bị cáo phải trả cho những người bị hại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt 3,545 tỷ đồng.

Phát hiện việc xét xử của cấp sơ thẩm đã áp dụng không đúng, không đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, trách nhiệm hình sự và đã bỏ lọt tội phạm, nên ngày 16/7/2019, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng đã có quyết định kháng nghị theo hướng tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm nêu trên.

Tại bản án hình sự phúc thẩm số 359/2019/HSPT ngày 12/11/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, đã chấp nhận kháng nghị của cơ quan kiểm sát cùng cấp, tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 36/2019/HSST ngày 20/6/2019 của TAND tỉnh Bình Định, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm điều tra, truy tố và xét xử lại theo quy định pháp luật.

Cấp sơ thẩm đã bỏ lọt dấu hiệu phạm tội

Theo Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng, có 4 nội dung cần rút kinh nghiệm từ việc điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự Nguyễn Thị Thanh Nguyệt “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo chứng cứ tài liệu có tại hồ sơ vụ án, Nguyệt đã nhiều lần lợi dụng danh nghĩa cán bộ công an để vay tiền và thực hiện những hành vi sai phạm khác.

Hành vi đó đã phạm vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, được quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 52 BLHS 2015 nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng này là thiếu sót.

Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Định nhận định “Sau khi phạm tội, gia đình bị cáo đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả” nên đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ. “Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 51 BLHS 2015.

Thế nhưng, trong bản án sơ thẩm và quá trình xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm, không thể hiện được bị cáo và gia đình đã khắc phục, bồi thường bao nhiêu tiền cho những người bị hại. Do vậy, án sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ nêu trên là không chính xác.

Tổng số tiền Nguyệt chiếm đoạt của nhiều người hơn 3,5 tỷ đồng. Hành vi này đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Không chỉ ảnh hưởng uy tín ngành công an mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự ở địa phương. Cấp sơ thẩm chỉ xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nguyệt 9 năm tù là không tương xứng hành vi phạm tội, không đủ tính răn đe, phòng ngừa chung.

Ngoài ra, Nguyệt còn có hành vi mượn giấy chứng minh CAND của đồng nghiệp để scan thêm phiên bản màu rồi ép nhựa nhằm mục địc lừa dối người bị hại khi vay tiền để chiếm đoạt. Nhưng cấp sơ thẩm không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyệt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Điều 267 BLHS 1999 - nay là Điều 341 BLHS 2015. Như vậy là đã bỏ lọt tội phạm.

Những người quan tâm đến vụ án này tin rằng, cấp sơ thẩm sẽ điều tra, truy tố và xét xử lại đối với Nguyễn Thị Thanh Nguyệt đảm bảo đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ