Viên chức phải là người Việt Nam

Viên chức phải là người Việt Nam

Chỉ điều chỉnh viên chức Nhà nước

Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật viên chức, Ủy ban Thương vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành chỉ điều chỉnh đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Bởi vì, cho dù cùng thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ trong những lĩnh vực giống nhau, nhưng điểm khác biệt quan trọng và cơ bản nhất giữa hai nhóm đối tượng này là về phương diện quản lý. Đối với viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, người sử dụng lao động trực tiếp hay gián tiếp chính là Nhà nước.

Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn vị sự nghiệp công lập là tài sản của Nhà nước; phần lớn các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn đang được Nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí hoạt động. Vì thế, cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý, chế độ, chính sách đối với viên chức trong các đơn vị này không thể giống với các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và Nhà nước hoàn toàn có thể quy định một số nghĩa vụ mang tính chất ràng buộc đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Viên chức phải là người Việt Nam ảnh 1
UBTVQH chỉnh lý lại quy định của dự thảo Luật Viên chức theo hướng người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam.

Trong khi đó, các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đang được tổ chức và hoạt động chủ yếu theo mô hình doanh nghiệp; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động trong các đơn vị này cơ bản dựa trên quan hệ lao động theo quy định của Bộ luật lao động. Do vậy, không thể xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng đối với các loại đối tượng này.

Hơn nữa, Luật viên chức cũng chỉ quy định những vấn đề có tính khái quát về viên chức, cơ chế quản lý và sử dụng viên chức mà không quy định về các hoạt động nghề nghiệp của viên chức. Bởi vì, các nội dung liên quan đến hoạt động nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp cả khu vực công lập và khu vực ngoài công lập đã được điều chỉnh trong các văn bản về ngành, lĩnh vực như Luật giáo dục, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật thể dục, thể thao, Luật khoa học và công nghệ… Có như vậy mới có thể giải quyết mối quan hệ giữa Luật này với các văn bản pháp luật quy định về hoạt động nghề nghiệp của viên chức trong các ngành, nghề cụ thể, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Viên chức phải có quốc tịch và cư trú tại Việt Nam

Việc quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập có hai loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị không quy định về việc tuyển dụng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài làm viên chức tại Việt Nam ; Loại ý kiến thứ hai và cũng là đề nghị của Chính phủ quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể những lĩnh vực, ngành, nghề, vị trí công việc được tuyển dụng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài làm viên chức, điều kiện tuyển dụng, hợp đồng làm việc, các quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài trong trường hợp họ được tuyển dụng làm viên chức.

UBTVQH nhận thấy hoạt động của viên chức phải gắn với đơn vị sự nghiệp công lập; do vậy không thể có viên chức làm việc thường xuyên tại Việt Nam mà lại định cư ở nước ngoài. Mặt khác, trong số công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, có không ít người vừa mang quốc tịch Việt Nam, vừa mang quốc tịch nước khác, do đó, nếu họ trở thành viên chức ở Việt Nam thì có thể phát sinh một số khó khăn, phức tạp nhất định trong quá trình quản lý, sử dụng... Trường hợp cần huy động chất xám, kinh nghiệm của công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào các hoạt động chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp ở Việt Nam thì có thể sử dụng các cơ chế khác như hợp đồng hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, chuyển giao công nghệ hoặc dưới hình thức hợp đồng vụ việc, hợp đồng lao động có xác định thời hạn theo quy định hiện hành của pháp luật. Do vậy, UBTVQH chỉnh lý lại quy định của dự thảo Luật theo hướng người đăng ký dự tuyển làm viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam và phải cư trú tại Việt Nam.

Tăng quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập

Một số ý kiến cho rằng, việc dành một chương riêng quy định về người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong Luật viên chức là chưa hợp lý; nội dung còn trùng lắp, nhắc lại quy định trong các chương khác. Việc giao quá nhiều quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là chưa phù hợp với thực tiễn, trình độ quản lý của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động. 

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã cho chuyển các nội dung quy định tại Chương IV vào các điều luật cụ thể khác của dự thảo Luật. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm quản lý viên chức của người đứng đầu đơn vị và cơ quan quản lý viên chức theo hướng tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu sẽ có nhiều quyền hơn trong việc xác định số lượng vị trí việc làm, quyết định hầu hết các nội dung liên quan đến việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại đơn vị.

Ngược lại, tại các đơn vị chưa được giao quyền tự chủ hoặc tự chủ một phần thì cơ quan cấp trên chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý viên chức; cơ quan cấp trên có thể phân cấp một số quyền cho đơn vị sự nghiệp trực tiếp sử dụng viên chức như quyền tuyển dụng viên chức, ký hợp đồng làm việc, sử dụng, bố trí viên chức vào các vị trí việc làm nhất định, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức... Các quy định này nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt trong việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị này trong từng thời kỳ nhất định. 

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.