Viêm phổi - “Tử thần” trong thời điểm giao mùa

Trong thời điểm giao mùa như hiện nay, nóng lạnh bất thường là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh, đặc biệt là viêm phổi.

Điều trị bệnh nhi bị viêm phổi ở Bệnh viện Nhi Trung ương
Điều trị bệnh nhi bị viêm phổi ở Bệnh viện Nhi Trung ương

Ðây là bệnh được xem là một trong những bệnh gây tử vong cao nhất cho trẻ em và người già ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, điều đáng buồn ở đây phần lớn mọi người không coi đây là trọng bệnh…

Khoảng một tuần nay, thời tiết thay đổi thất thường nên chị Nguyễn Thu Hương ở ngõ 470 đường Láng (Hà Nội) rất lo lắng cho sức khỏe của cậu con trai 15 tháng tuổi của mình. 

Ðêm nào ngủ cũng vậy, biết con hay ra mồ hôi trộm, chị đắp cả chiếc khăn xô lên lưng con để thấm mồ hôi và tránh thấm ngược trở lại vào người gây cảm lạnh. Vậy mà không hiểu sao, con chị vẫn bị ho đến đứt ruột kèm theo chảy nước mũi.

Ðể điều trị cho con thay vì đưa con đến cơ sở y tế chị lại bế con ra hiệu thuốc để chủ cửa hiệu thuốc có thể “thực mục sở thị” sau đó kê đơn thuốc cho bé uống. 

Uống đâu được khoảng 5 ngày, thấy bệnh của con không đỡ, ngược lại còn có triệu chứng nặng thêm khi sốt, ho không dứt, tiếng ho nặng… 

Hoảng quá, chị vội vàng đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để khám bệnh thì bác sĩ đã kết luận con chị bị viêm phổi, phải điều trị nội trú tại viện đến khi khỏi mới được xuất viện.

Không chỉ con chị Hương mà tại Bệnh viện Nhi Trung ương rất nhiều bệnh nhi bị như vậy. Bước đầu, các bác sĩ nhận định nguyên nhân đầu tiên khiến các bé bệnh nặng như vậy là do chính các bà mẹ đã chủ quan, coi thường bệnh tật rồi tự điều trị cho con.

Ðau đớn nhất là một trường hợp mới 3 tháng tuổi. Vì quan niệm tắm nhiều, con sẽ mau lớn, một bà mẹ trẻ đã bỏ qua cả lời khuyên của những người đi trước, ngày nào cũng tắm cho con ngay cả khi bé đã có húng hắng ho, chảy nước mũi. 

Vậy là chỉ 5 ngày sau, bệnh của bé biến chứng nặng - khò khè, khó thở, tiếng rít sau lưng rõ mồn một, sốt 39-40oC đến nỗi phải đi cấp cứu Bệnh viện Xanh Paul. 

Tại đây, người mẹ như chết đứng khi các bác sĩ cho chị xem hình ảnh tổn thương phổi của con chị qua hình ảnh chụp X- Quang có những chỗ trắng xóa.

Ðiều trị tại viện gần một tháng, bệnh của con chị không thuyên giảm, các bác sĩ ở đây phải chuyển bé sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng chưa được 10 ngày sau, bé tử vong do phổi trắng xóa, không thể điều trị được.

Lúc này sự ân hận của người mẹ cũng đã muộn màng bởi chính sự chủ quan, xem nhẹ bệnh tật, coi thường thời tiết khi giao mùa của chị đã là nguyên nhân chính giết chết con chị.

Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm giao mùa năm nào cũng vậy, lượng bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, viêm phổi cấp cứu tại bệnh viện chiếm tỷ lệ lớn, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 bệnh nhi đến khám chữa bệnh. Trong đó, số bệnh nhi bị viêm phổi không ít. 

Theo nhận định của các bác sĩ Khoa Khám chữa bệnh, bệnh viêm phổi do vi trùng pneumococcus là nhiều nhất. Sau đó là đến vi trùng bacteria, siêu vi trùng (virus), ký sinh trùng parasites, hoặc loài nấm fungus…

Ðể dẫn đến nhiễm những khuẩn trên, theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Lan, Bệnh viện Nhi Trung ương, nguyên nhân chủ yếu là do cách chăm sóc trẻ của người mẹ hoặc là quá chủ quan hoặc là quá cẩn thận dẫn đến trẻ mắc bệnh. 

Cụ thể mặc nhiều áo cho con trong khi thời tiết nóng lạnh thất thường làm cho mồ hôi của trẻ, đặc biệt là những trẻ hay ra mồ hôi trộm thấm ngược lại làm cơ thể lạnh dẫn đến cảm lạnh, ho rồi viêm phổi. 

Có những bà mẹ lại sơ xểnh khi cho con mặc áo quá phong phanh hay thoải mái để cho con ăn uống đồ lạnh để trong tủ lạnh làm con khởi đầu là bị viêm họng, sau viêm đường hô hấp trên và viêm phổi nếu quá trình chuyển biến bệnh đó lại tự điều trị hoặc không điều trị kịp thời.

Ngoài ra, sử dụng điều hòa không hợp lý cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phổi. Bởi chưa nói đến nhiệt độ thì trong không khí điều hòa thường là khô, dẫn đến đường thở của trẻ cũng bị khô và đó là môi trường thuận lợi để cho vi khuẩn xâm nhập và hoành hành.

Ðể nhận ra trẻ đã bị viêm phổi, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lan khuyến cáo, trẻ ho liên tục, không dứt, tiếng thở khò khè, có tiếng rít sau lưng (phần ngang với ngực), đờm đặc màng vàng hoặc đã chuyển sang xanh, tức ngực, thở nông trên 50 lần/phút, bú kém, người tím tái, mệt mỏi (ở trẻ chưa biết nói thì là quấy khóc), chán ăn, sốt cao đặc biệt từ chiều tối đến đêm. 

Trong trường hợp này theo bác sĩ phải đi cấp cứu lập tức, không được tự điều trị, không tự ý uống thuốc kháng sinh...

Ðể phòng bệnh viêm phổi, hằng ngày có thể nhỏ mũi bằng dung dịch sát khuẩn natriclorit 0,9%, súc miệng nước muối. Không sử dụng đồ ăn thức uống lạnh, giữ cho trẻ lúc nào cũng ráo mồ hôi, không thay đổi môi trường nóng - lạnh liên tục (như ra vào phòng điều hòa), ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung nhiều vitamin bằng cách ăn (hoặc uống) nhiều hoa quả, rau xanh…

Nếu có thể cho trẻ tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh. Bởi đây là biện pháp ít tốn kém, hạn chế được bệnh một cách tốt nhất do có thể ngăn ngừa được 23 loại vi trùng thuộc dòng pneumococcus xâm nhập vào cơ thể gây ra bệnh sưng phổi. 

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi tiêm phòng vắc xin, mọi người nên tuân thủ một số nguyên tắc sau nếu không có thể ảnh hưởng đến tính mạng. 

Ðó là không tiêm cho những người mắc bệnh phổi mãn tính, thận, đái tháo đường, AIDS, ung thư, người đã cắt lá lách, người thay ghép nội tạng, người xơ gan... hoặc người đang phải dùng những loại thuốc khiến sức đề kháng suy giảm, như thuốc steroid, các thuốc chống ung thư. Sau 5 năm mọi người có thể tiêm nhắc lại.

Theo Petrotmes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ