Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã giải trình, làm rõ thêm các số liệu về kết quả thực hiện Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, từ năm 2007, bình quân cả nước, tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp mới đạt 55%, còn 45% trường, lớp chưa được kiên cố hóa. Thực tế giai đoạn trước đó, bằng đầu tư xây dựng giáo dục hàng năm do ngân sách do Trung ương và địa phương thực hiện thì không đủ khả năng vừa xây trường mới, vừa khắc phục trường cũ xuống cấp. Vì vậy, năm 2007, trên cơ sở kiến nghị của ngành Giáo dục, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và được Quốc hội chấp thuận, từ 2008, chúng ta có một chương trình đặc biệt là dùng trái phiếu Chính phủ hỗ trợ các địa phương để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp.
Mục tiêu của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học đề ra là triển khai và hoàn thành trong giai đoạn 2008 - 2012 nhưng đến nay, mới có 93.063 phòng học trên cả nước được xây dựng, đạt 65,5% so với kế hoạch cả giai đoạn và 22.997 phòng công vụ giáo viên được xây dựng, chỉ đạt 40,6% kế hoạch cả giai đoạn.
Theo kế hoạch, phần kinh phí dự kiến là 24.800 tỷ đồng cho giai đoạn 2008-2012, trong đó, trái phiếu Trung ương là 17.100 tỷ, chiếm 68%, kinh phí địa phương huy động là 7.700 tỷ, chiếm 32%. Thực tế, các địa phương có điều kiện thuận lợi, ngân sách địa phương đối ứng có thể đến 60 - 80%, địa phương khó khăn thì đối ứng 20%. Trong quá trình triển khai, chỉ sau 6 tháng đã xuất hiện một số bất cập, khó khăn.
Thứ nhất, về giá cả, xây dựng khung giá năm 2008 nhưng lạm phát xuất hiện, và chỉ sau 6 tháng, các địa phương yêu cầu tăng định mức để đảm bảo số trường lớp, học. “Chúng tôi báo cáo Thủ tướng thống nhất là phần giá trị trái phiếu không được tăng, vì Quốc hội đã duyệt. Vì vậy, số tăng chi phí do lạm phát thì phải giảm số trường đi chứ không thể tăng chi phí để đủ số trường” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Thứ hai, về thiết kế, Bộ Xây dựng đã có thiết kế trường cho các khu vực, nhưng thực tế, nền móng của trường, lớp học không thể thiết kế chung cho cả nước được, bởi vùng đồng bằng thì khác, miền núi thì khác… Vì thế, khi thiết kế có yêu cầu điều chỉnh thống nhất giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Xây dựng địa phương cùng tham mưu giải quyết.
Thứ ba, về chi phí xây dựng trường, lớp học, nếu vật tư đưa lên miền núi thì giá cả khác miền xuôi, đưa ra đảo cũng khác miền xuôi. Chi phí xây dựng là do địa phương quyết định, thực hiện dưới sự giám sát của cơ sở.
Thứ tư, về thực hiện giao ban, trong năm đầu tiên là một quý một lần giao ban qua mạng toàn quốc và sau đó năm thứ 2 trở đi là 6 tháng/lần và có đoàn kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, sau khi đánh giá, số phòng học chỉ đạt 65% trong khi tổng chi phí không tăng. Làm rõ vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, như đã báo cáo trong ngân sách dự kiến ban đầu là khoảng 24.000 tỷ đồng, nhưng qua 4 năm, tổng chi là 30.800 tỷ, trong đó ngân sách Trung ương chi đảm bảo 100% và ngân sách địa phương thì rất nhiều tỉnh đã cố gắng huy động, ngân sách địa phương chi đạt 180%. Chính nhờ địa phương huy động tăng thêm nên tổng kinh phí huy động của dự án này vượt dự kiến ban đầu 24%. Nhờ vậy mới đạt được con số 65% như đã báo cáo. Còn nếu các địa phương chỉ chi theo kế hoạch trên 7.700 tỷ đồng thì tỷ lệ đạt còn thấp hơn. “Về kinh phí, chúng ta rất hoan nghênh các địa phương đã quan tâm hỗ trợ vì mục tiêu chung” – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Về kết quả, đã xây dựng thêm 93.000 phòng học, góp phần cho 3 triệu học sinh, nhất là những vùng khó khăn có phòng, lớp học mới, đảm bảo việc học tập tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục; đã xây dựng được 22.997 phòng ở giáo viên, góp phần cải thiện đời sống cho 88.000 giáo viên ở vùng khó khăn. Hai chỉ số này rất quan trọng thể hiện tính đúng đắn chương trình của Chính phủ.
Vấn đề quan tâm là sai phạm bao nhiêu, chi không đúng bao nhiêu trong quá trình này? Đây là dự án liên quan đến khoảng 20.000 dự án trường, lớp học, nhà công vụ. Theo chỉ đạo của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ có một đợt thanh tra năm 2012 về vấn đề kiên cố hóa trường, lớp học. Kết quả thanh tra trên 10 tỉnh thành, tỷ lệ chi chưa đúng qui định Nhà nước của các địa phương được kiểm tra chiếm 1,7% trên tổng chi phí. Phó Thủ tướng cho rằng: “Mỗi lần chi sai là đáng băn khoăn, suy nghĩ, nhưng tỷ lệ như vậy chứng tỏ là Chính phủ, các địa phương chỉ đạo khá chặt chẽ”.
Về ký túc xá (KTX) sinh viên, qua khảo sát thực tế, năm 2007, chỉ có 22% sinh viên ở ký túc xá. Đây cũng là hạn chế điều kiện để sinh viên giao lưu, học tập và duy trì môi trường văn hóa. Chính phủ chỉ đạo và được Quốc hội cho phép thực hiện chương trình nâng dần tỷ lệ sinh viên ở KTX lên 40%, trong giai đoạn 2008-2012, phấn đấu xây dựng thêm khoảng 30.000 chỗ ở cho sinh viên, đặc biệt là các khu đại học tập trung.
Như vậy, trong 4 năm qua, trên cơ sở 46 dự án đã hoàn thành, đến nay đã có 330.000 chỗ ở mới cho sinh viên trong KTX. Như vậy, dự án KTX hoàn thành vượt mức so với kế hoạch. Thực tế, khi thiết kế, các đơn vị tìm cách tiết kiệm chi phí nên tổng số tiền không tăng nhưng số chỗ tăng được 10%.
Về phương hướng sắp tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Chúng tôi đồng tình cao với phương án Quốc hội đã nêu ra. Việc triển khai chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn từ năm 2016 trở đi cần rút ra những bài học và nội dung để làm tốt hơn./.
Theo ĐCSVN