Ngày 16/2, Tim Cook, CEO Apple, viết "tâm thư" gửi khách hàng rằng chính phủ Mỹ đã yêu cầu hãng làm một việc "nguy hiểm, có thể đe dọa đến bảo mật khách hàng" nên họ đã từ chối.
Theo Cook, smartphone, dẫn đầu là iPhone, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người.
Mọi người dùng chúng để lưu một lượng lớn thông tin cá nhân từ tin nhắn, ảnh, nhạc, ghi chú, danh bạ cho đến thông tin tài chính, sức khỏe, vị trí...
Vì vậy, nhiều năm qua, Apple đã triển khai các giải pháp mã hóa để bảo vệ dữ liệu khách hàng và đó là cách duy nhất giúp thông tin an toàn.
"Chúng tôi phẫn nộ trước hành động khủng bố đẫm máu ở San Bernardino hồi tháng 12/2015. FBI yêu cầu Apple tham gia vài ngày sau đó và chúng tôi đã nỗ lực để hỗ trợ chính phủ vì chúng tôi không thỏa hiệp với khủng bố.
Chúng tôi đã cung cấp mọi thông tin có thể. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ lại yêu cầu một thứ mà chúng tôi không có và nghĩ là sẽ rất nguy hiểm nếu tạo ra. Họ yêu cầu xây dựng cổng hậu (backdoor) trên iPhone", Cook nhấn mạnh.
Đó là chiếc iPhone của Syed Farook - kẻ cùng với vợ mình đã giết 14 người ở San Bernardino, California (Mỹ) cuối năm ngoái. FBI muốn Apple tạo một vài tính năng riêng trên hệ điều hành giúp các nhà điều tra vượt qua cơ chế bảo mật thông thường của Apple trong một số trường hợp nhất định.
Tuy nhiên, Apple lo ngại trong tương lai, nếu phần mềm này rơi vào tay kẻ xấu thì chúng có thể mở khóa bất cứ chiếc iPhone nào mà chúng có được.
Trước phản ứng của Apple, tỷ phú Donald Trump, ứng viên đang tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đã giận dữ chỉ trích Apple: "Họ nghĩ họ là ai chứ?".
Trong khi đó, Sundar Pichai, Tổng giám đốc Google, đăng tới 5 thông điệp trên Twitter để ủng hộ Tim Cook. Pichai nói rằng ông hiểu những thách thức mà các nhà thực thi luật pháp đang phải đối mặt trong việc bảo vệ người dân trước khủng bố và bạo lực.
Các hãng công nghệ có nhiệm vụ bảo vệ dữ liệu người sử dụng một cách an toàn và sẽ cung cấp thông tin cho các nhà thực thi luật pháp trong từng trường hợp cụ thể. Nhưng điều đó hoàn toàn khác với việc đòi hỏi các công ty xây dựng công cụ hack thiết bị và dữ liệu của khách hàng.
Không chỉ Apple và Google, đây là "cuộc chiến" mà các hãng công nghệ không hề muốn tham gia bởi họ bị đặt vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan: Công nghệ mã hóa ra đời để bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng, nhưng bản thân công nghệ không thể phân biệt người tốt kẻ xấu, nên đây vô tình trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho khủng bố trong việc liên lạc, tuyên truyền.