Theo dự thảo Thông tư quy định về quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet do Bộ TT&TT soạn thảo và đang lấy ý kiến góp ý của xã hội thì hàng loạt các doanh nghiệp OTT (Over The Top) nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam sẽ bị quản lý. Trong đó, Viber được cho là bị tác động mạnh nhất vì cung cấp loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet cả miễn phí và thu phí.
Theo dự thảo thông tư này, nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet nước ngoài có thu giá cước không đặt máy chủ tại Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet.
Nhà cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet nước ngoài chỉ được đặt máy chủ tại Việt Nam khi hợp tác với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông loại hình dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet phù hợp với cam kết quốc tế và các quy định về đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Viễn thông.
Với điều khoản như trên, Viber buộc phải hợp tác với một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam nào đó thì mới được cung cấp dịch vụ Viber Out tại Việt Nam.
Không dừng lại ở đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền Internet có thu phí như Viber sẽ phải tuân thủ các quy định về quản lý giá cước như đối với dịch vụ viễn thông truyền thống. Ngoài ra, Viber phải tuân thủ việc quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông quy định của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo dự thảo của thông tư này, Viber sẽ được đàm phán, kết nối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cố định mặt đất, di động mặt đất để cung cấp dịch vụ thoại trên nền Internet đến thuê bao điện thoại tại Việt Nam.
Trao đổi với truyền thông Việt Nam trước đó, ông Talmon Marco, Giám đốc điều hành của Viber đã chia sẻ nguồn thu chính của Viber hiện tại chỉ đến từ việc bán sticker và cung cấp dịch vụ Viber Out.
Ngoài các gói sticker miễn phí xây dựng trên hình tượng các nhân vật chính của Viber như: cô nàng Violet, chú mèo Leg Cat, cáo Freddie... hãng đã phối hợp với các đơn vị khác để cung cấp cho người dùng những bộ sưu tập chuyên biệt dành riêng cho nhiều người khác nhau và nhận được rất nhiều phản hồi tốt. Thời gian tới, Viber còn hướng đến sự phát triển đa nền tảng hơn, mở rộng sang lĩnh vực game, thương mại điện tử…
Theo ước tính, tại Việt Nam số lượng người dùng Viber khoảng 12 triệu, Line xấp xỉ 4 triệu, Zalo khoảng 10 triệu… Dự kiến, đến cuối năm 2014 Việt Nam sẽ có khoảng 30 triệu người dùng dịch vụ OTT.
Phát biểu tại cuộc họp với Bộ TT&TT, đại diện một nhà mạng lớn cho rằng, vấn đề chủ quyền quốc gia trên mạng viễn thông được quy định rõ ràng, ví dụ như việc kết nối mạng cáp quang biển thì đối tác quốc tế được kết nối đến vị trí nào.
Thế nhưng, xu hướng hiện nay đang chuyển từ môi trường kinh doanh thuần túy sang kinh doanh trên mạng Internet băng rộng nên khái niệm biên giới không còn rõ ràng.
Vị đại diện này đưa ra ví dụ, các doanh nghiệp OTT nước ngoài như Viber, Line… đang kinh doanh giống như các mạng viễn thông của Việt Nam (cung cấp dịch vụ thoại và SMS) nhưng không chịu bất cứ sự quản lý nào.
Thực tế đó cho thấy vấn đề chủ quyền quốc gia, quyền lợi quốc gia trên mạng Internet, cũng như hàng loạt vấn đề về an ninh phải được đặt ra.
“Nếu các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông phải chịu các quy định pháp luật ở Việt Nam, phải nộp thuế và nhiều nghĩa vụ khác thì các doanh nghiệp OTT nước ngoài như Viber, Line… đang cung cấp các dịch vụ trên hạ tầng băng rộng của chúng ta mọi nơi mọi lúc nhưng lại không phải chịu ràng buộc về pháp luật.
Đây là yếu tố đe dọa phát triển kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng như vấn đề về an ninh chủ quyền quốc gia”, vị này nói.