Vị thiếu tá già hơn 10 năm đi đòi lại đất ở

Vị thiếu tá già hơn 10 năm đi đòi lại đất ở

(GD&TĐ) - “Sau hơn 10 năm hành trình “gõ cửa” các cấp chính quyền và các ngành chức năng để đòi lại mảnh đất của gia đình, gia đình tôi đã tốn không biết bao công sức, thời gian và tiền bạc. Hiện tôi đã xấp xỉ 70 tuổi, cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng không biết hành trình tìm lại đất ở của tôi bao giờ mới được chính quyền các cấp giải quyết triệt để?.

Ông Phạm Quý – trình bày với phóng viên về hành trình hơn 10 năm đi đòi lại đất ở của gia đình.
Ông Phạm Quý – trình bày với phóng viên về hành trình hơn 10 năm đi đòi lại đất ở của gia đình

Phản ánh với phóng viên chuyên mục Hộp thư bạn đọc, Báo Giáo dục & Thời đại, ông Quý không dấu nổi nỗi bức xúc: “Hơn 10 năm qua, gia đình tôi liên tục có đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền, thế nhưng…. “dân cần mà quan đâu có vội”?!”. Ông cho biết:  Năm 1981 gia đình ông được UBND xã Liên Hòa, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cấp giấy quyền sử dụng đất cho mảnh đất ở khu vực bãi bóng, tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên với diện tích là 367m2 theo văn bản số 09 ngày 22/02/1981 do ông Nguyễn Phú Thìn – Nguyên chủ tịch UBND xã Liên Hòa ký tên. Quá trình cấp đất đã được ông Nguyễn Danh Phẩm lúc bấy giờ phụ trách ruộng đất và ông Phạm Văn Bính là trưởng thôn trực tiếp đo đạc và giao đất cho gia đình tôi.

Do điều kiện hoàn cảnh gia đình, ông chưa thể xây nhà nên gia đình đã đổ đất, đắp nền, trông cây. Trớ trêu thay, năm 1983, vợ ông mất, trong khi ông đang tại ngũ và đóng quân ở Miền Nam. Không còn cách nào khác, ông đưa cả 3 con ly hương theo ông vào Miền Nam sinh sống. “Do điều kiện địa lý cộng với hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng từ đó cha con chúng tôi ít có dịp về thăm quê hương” – Ông Quý nói.

Thế nhưng “năm 1984, trong một lần về quê để xin chứng nhận cấp gạo cho con, tôi phát hiện mảnh đất của tôi không còn giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Cây cối thì bị tàn phá, nền vườn đã bị đội thủy lợi thôn Mỹ Lâm đào thành ao để lấy đất làm đường vào chợ Lịm. Tôi đem thắc mắc này đến chính quyền địa phương thì được ông Vũ Đức Thưởng lúc  bấy giờ là chủ tịch UBND xã trả lời: “Đây là đất của gia đình chính sách và hứa sẽ bảo đội thủy lợi làm trả…” nhận được câu trả lời như vậy tôi yên lòng tiếp tục trở vào Miền Nam để thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, quân đội đã giao. Ngờ đâu trong thời gian tôi công tác không có mặt ở địa phương, chính quyền không những không hoàn trả lại hiện trạng ban đầu, không làm tốt công tác hậu phương quân đội mà không hiểu vì lý do gì năm 1990 mảnh đất của gia đình tôi đã được chuyển cho gia đình ông Đỗ Văn Cơ hợp thức hóa sử dụng” – Ông Quý ngậm ngùi nói.

Giấy
Giấy  chứng nhận quyền sử dụng đất ở của UBND xã Liên Hòa (nay là thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội)  cấp cho gia đình ông Phạm Quý theo văn bản số 09 ngày 22/02/1981

Điều mà ông Quý không thể chấp nhận với thông báo trả lời của UBND Thị trấn Phú Xuyên đó là: Kể từ khi được xã cấp đất (năm 1981) đến nay, gia đình ông không quản lý và sử dụng diện tích đất được cấp, mảnh đất đó đã để hoang hóa. Tiếp đến năm 1982 Nhà nước có chủ trương kê khai đất ở của các hộ gia đình cá nhân để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhưng mảnh của  đình ông không có người đăng ký quyền sử dụng với cơ quan quản lý từ thôn đến xã và gia đình cũng không đóng góp bất kỳ nghĩa vụ gì đối với Nhà nước và tập thể trên mảnh đất đó, đất bị bỏ hoang không ai quản lý sử dụng. Vì đất để hoang hóa nên địa phương đã giao cho ông Cơ thầu, sau đó đã giao cho ông Cơ sử dụng lâu dài. Năm 1990 ông Cơ được UBND tỉnh Hà Tây cũ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Với thông báo trả lời của UBND thị trấn Phú Xuyên, ông Quý cho rằng có nhiều điểm mâu thuẫn và không thấu tình đạt lý. Ông Quý phân tích: “Thời gian này tôi vẫn đang tại ngũ ở Miền Nam không lẽ tôi bỏ nhiệm vụ về để giữ đất. Hơn nữa tôi không hề nhận được bất kỳ một thông báo nào từ chính quyền địa phương mỗi khi có đợt thống kê về đất đai, nhà ở. Ngoài ra việc mảnh đất của gia đình tôi trở nên hoang hóa không phải lỗi chủ quan của gia đình tôi, mà là do chính quyền địa phương đã đến chặt phá hoa màu và lấy đất làm đường….”.

Liên quan đến vụ việc trên, chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Tại buổi làm việc phó chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Viết Hải và cán bộ địa chính Kiều Văn Hưng giải thích: “Qua kiểm tra, việc UBND xã Liên Hòa (nay là thị trấn Phú Xuyên) cấp quyền sử dụng đất ở cho gia đình ông Quý là có thật. Tuy nhiên, cán bộ kế tiếp qua các thời kỳ kể từ thời điểm đó cho đến nay không ai được bàn giao việc ông Quý được giao đất. Mặt khác, trong tất cả các hồ sơ, sổ sách đều không lưu trữ quyết định cấp đất của UBND xã Liên Hòa (nay là thị trấn Phú Xuyên) cho ông Quý, đồng thời cũng không thể hiện gia đình ông Quý sở hữu bất kỳ mảnh đất nào ở khu vực bãi bóng, tiểu khu Mỹ Lâm…”. Như vậy, theo cách giải thích của ông Hải, rõ ràng việc dẫn đến gia đình ông Quý mất đất là do lỗi của chính quyền địa phương chứ không phải lỗi chủ quan của gia đình ông Quý.

Ông Nguyễn Viết Hải – Phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên (từ phải qua) và ông Kiều Văn Hưng – Cán bộ địa chính cho biết: “Chỉ còn cách cấp cho ông Quý một mảnh đất khác..”.
Ông Nguyễn Viết Hải – Phó chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên (từ phải qua) và ông Kiều Văn Hưng – Cán bộ địa chính cho biết: “Chỉ còn cách cấp cho ông Quý một mảnh đất khác..”.

Trả lời câu hỏi về phương án giải quyết trường hợp của ông Quý, ông Hải cho biết: “Chỉ còn cách cấp cho ông Quý một diện tích đất ở khác, chứ việc đòi lại đúng vị trí mảnh đất cũ là không thể thực hiện được vì mảnh đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Đỗ Văn Cơ từ năm 1990. Thị trấn chúng tôi sẽ đặc biệt lưu tâm và ưu tiên hàng đầu cho gia đình ông Quý khi có chủ trương cấp đất giãn dân…!”.

Trên thực tế, còn rất nhiều trường hợp tương tự như của gia đình ông Quý. Báo Giáo dục & Thời đại đề nghị các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương nói chung và của huyện Phú Xuyên nói riêng cần quan tâm, xem xét và có cách giải quyết hợp tình, hợp lý về đất ở cho những trường hợp đó.

Sỹ Điền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.